Kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào:

Ly kỳ cuộc giải cứu Hoàng thân Xuphanuvong

Chủ Nhật, 30/07/2017, 09:17
Trong lịch sử đấu tranh anh dũng của cách mạng Lào giành độc lập dân tộc luôn có sự giúp đỡ chí tình của Đảng và nhân dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của lực lượng CAND. Việc cán bộ ngoại tuyến tham gia kế hoạch giải cứu Hoàng thân Xuphanuvong (sau này là vị Chủ tịch đầu tiên của Cộng hòa DCND Lào) và 15 cán bộ cách mạng Lào khỏi sự giam cầm của bọn phản động phái hữu Lào là một chiến công không thể nào quên.

Vào thời điểm năm 1959, cách mạng Lào gặp muôn vàn khó khăn, lực lượng phái hữu được sự tiếp tay của Mỹ điên cuồng chống phá cách mạng Lào. Ngày 26-7-1959, chúng ngang nhiên bắt giam đồng chí Xuphanuvong, các nghị sĩ Quốc hội vương quốc là các nhà lãnh đạo và cán bộ của Mặt trận Neo Lào Hắc Xạt (7 nghị sĩ Quốc hội, 9 Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước). Đây là những lãnh tụ cực kỳ quan trọng của cách mạng Lào.

Bọn phản động cực hữu Lào đã giam giữ các đồng chí tại nhà tù Phôn Khênh nằm trong khuôn viên của Bộ Tổng tư lệnh Vương quốc ngay tại Thủ đô Viêng Chăn. Đây là một trại lính cũ gồm ba dãy nhà sàn chạy dài là nơi làm việc, phía trước có bãi cỏ rộng làm sân bóng đá, phía sau là dãy nhà sàn thấp cho lính ở, còn nhà giam các đồng chí cán bộ Lào.

Nhà tù được canh giữ nghiêm ngặt 24/24 giờ, do một đại đội hiến binh đảm nhiệm vòng trong, bên ngoài là một tiểu đoàn hiến binh, có trang bị 2 xe bọc thép, hai góc sân có hai đèn pha chiếu rọi suốt đêm. Ngoài ra còn có lực lượng bảo vệ mục tiêu Bộ Tổng tư lệnh đóng gần đó, do một tên đại tá chỉ huy thường xuyên tuần tra.

Để tìm cách giải cứu các đồng chí cán bộ lãnh tụ cách mạng Lào, phía bạn đã nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho một tổ công tác đặc biệt (quân đội và Công an) sang Lào, cùng bạn xây dựng kế hoạch giải cứu các đồng chí bị giam giữ.

Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Phan Dĩnh – cán bộ Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu, nguyên là bộ đội tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu ở Lào nhiều năm, thông thạo tiếng nói và phong tục của bạn, là ủy viên ban cán sự Đảng Viêng Chăn (tên Lào của đồng chí Dĩnh là Khăm Xỉnh) làm tổ trưởng. Tổ còn có 8 đồng chí là cán bộ Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, sỹ quan đặc công, sỹ quan cơ yếu, báo vụ, lái xe… đi theo đường bí mật sang Lào.

Trước khi tổ công tác đặc biệt lên đường sang Lào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp động viên và giao nhiệm vụ và kiểm tra kế hoạch hành động rất cặn kẽ.

Đồng chí Hoàng Kiên, cán bộ kỹ thuật hóa trang Cục Ngoại tuyến được đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ tham gia đoàn công tác đặc biêt. Đồng chí Hoàng Kiên sau này là Cục phó Cục Viễn thông tin học, Phó tổng biên tập Báo CAND.

Ngày 25-3-1960, đồng chí Hoàng Kiên với tên hóa trang là Hoàng Văn, thương gia nghiên cứu thị trường đi chuyến bay Hà Nội – Viêng Chăn và được cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đón về ở sứ quán. Trong thời gian ở Viêng Chăn, đồng chí Kiên được cải trang là người Lào, được cơ sở bí mật của bạn tạo điều kiện trà trộn trong những người đi thăm tù nhân ở trại giam Phôn Khênh để có điều kiện tiếp xúc với các đồng chí bị giam giữ, nghiên cứu hình thức hóa trang cho một số đồng chí lãnh tụ cốt cán.

Qua chuyến khảo sát, đồng chí Kiên thấy nhiều lính hiến binh để râu, ria mép như là mốt thời thượng. Quan sát các đồng chí cán bộ bị giam, đồng chí Kiên thấy các đồng chí Xuphanuvong, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn, đồng chí Phumivôngvichit và đồng chí Singkapô có khuôn mặt có thể hóa trang râu tóc và ria mép như những người lính hiến binh. Đồng chí Kiên báo cáo với Đại sứ Lê Văn Hiến để trao đổi với bạn về hình thức hóa trang.

Được sự nhất trí của bạn, đồng chí Kiên bắt tay vào làm râu tóc giả. Với đồ nghề đã được chuẩn bị từ Việt Nam, trong vòng một tháng, đồng chí Kiên đã đan xong bốn bộ râu tóc, ria mép để hóa trang cho bốn đồng chí đã được dự kiến. Để đảm bảo cho việc hóa trang đạt hiệu quả cao, đồng chí Kiên đã lấy các bộ râu vừa đan xong hóa trang thử cho Đại sứ Lê Văn Hiến và đồng chí Tiểu đoàn trưởng Phathét Lào thấy rất phù hợp với màu râu tóc của người Lào.

Ở trong nhà tù, lính hiến binh qua sự tiếp xúc với tù nhân, họ thấy ở người tù cách mạng có tinh thần yêu nước, thái độ cư xử đúng mực nên rất cảm phục. Họ nhận chuyển giúp quà của người thân gửi cho tù nhân và mua giúp họ những thứ phục vụ sinh hoạt như khăn mặt, xà phòng, kem đánh răng… Lợi dụng cơ hội này, các cán bộ cách mạng Lào đã khéo léo vận động gây cảm tình và xây dựng họ làm cơ sở bí mật để thực hiện kế hoạch vượt ngục.

Trong số hiến binh được giác ngộ có hai anh em cai đội U Đon, người được các đồng chí bị giam giữ tin tưởng giao nhiệm vụ liên lạc với cán bộ Neo Lào Hắc Xạt tại Viêng Chăn để bố trí đón các đồng chí vượt ngục ở địa điểm thuận lợi nhất. Cũng chính U Đon đã bí mật chuyển những bộ quân phục hiến binh và các bộ đồ hóa trang vào trong tù để chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục.

Đêm 23-5-1960, cai đội U Đon bố trí cho những hiến binh giác ngộ đi theo cách mạng gác cùng một ca. Lúc 0h tên đại tá chỉ huy trưởng hiến binh theo thường lệ vào kiểm tra, ngó vào từng buồng giam không thấy có hiện tượng gì lạ, sau đó hắn về nhà riêng. Lúc này mọi người hành động thật mau lẹ, nhanh chóng thay bộ đồ rằn ri như lính hiến binh, dán râu tóc hóa trang.

Khoảng 0h30 ngày 24-5-1960, các đồng chí cán bộ cách mạng Lào bị giam giữ tại nhà tù Phôn Khênh trong trang phục lính hiến binh, râu tóc hóa trang, cùng với số hiến binh được giác ngộ chia làm ba tổ đàng hoàng tiến ra phía đường cái dưới ánh đèn pha chiếu sáng. Các cửa trại giam được mở ra rồi khóa lại như thường lệ, những người lính gác của Bộ Tư lệnh cũng chẳng thèm để ý đến đội hiến binh tuần tra đang lộp cộp đi qua.

Đoàn “tuần tra” ra khỏi khu nhà giam, cứ cách 15 phút một tốp lặng lẽ vượt qua hàng rào dây thép gai, băng qua những vệt ruộng để tới đúng khu vực tập kết, ở đây lực lượng đi đón đã chờ sẵn để đưa các đồng chí đi tiếp. Đoàn cán bộ vượt ngục trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ đã về đến căn cứ của cách mạng Lào một cách an toàn.

Sau 300 ngày bị giam giữ tại nhà tù Phôn Khênh, chỉ trong một đêm (23 rạng ngày 24-5-1960), 16 cán bộ cách mạng Lào cùng một tiểu đội lính hiến binh đã biến mất một cách bí ẩn mà kẻ địch không tài nào hiểu nổi.

Cuộc giải thoát cho các đồng chí cán bộ lãnh tụ cách mạng Lào là một kỳ tích, là sự chuẩn bị công phu trong nhiều tháng trời, là sự phối hợp chặt chẽ giữa chi bộ ở trong nhà tù với Tỉnh ủy Viêng Chăn và Trung ương, là sự tham gia đắc lực của tổ công tác đặc biệt Việt Nam ngay từ khi lập kế hoạch cho đến khi thực hiện hoàn hảo kế hoạch.

Chiến công giải cứu 16 cán bộ cấp cao của Lào là một mốc son của cách mạng Lào, là “một chiến công tiêu biểu của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Lào – Việt” như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói. Chiến công này có sự đóng góp đặc biệt của “tổ công tác đặc biệt”, trong đó có sự góp sức của cán bộ CAND Việt Nam.

Năm 1963, đồng chí Hoàng Kiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba do có thành tích đóng góp cho việc giải cứu đồng chí Xuphanuvong và các cán bộ lãnh tụ cách mạng Lào.

* Đại tá Nguyễn Minh Thi - nguyên Trưởng phòng TM Cục Ngoại Tuyến - Tổng cục An ninh, Bộ Công an. (Ghi theo hồi ức của đồng chí Hoàng Kiên và tư liệu của đồng chí Phan Dĩnh).

Đại tá Nguyễn Minh Thi
.
.