Nhớ lời bác dạy “Công an ta là Công an nhân dân”

Thứ Năm, 20/08/2015, 10:07
Trải qua  45 năm công tác, chiến đấu trong lực lượng Công an, 17 lần được dự Hội nghị Công an toàn quốc, tôi rất vui mừng trước sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CAND. Những chiến công, thành tựu của lực lượng CAND trong 7 thập kỉ qua đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Riêng tôi, luôn suy ngẫm và tâm niệm có được những kết quả đó do nhiều nguyên nhân, song trước hết là sự chăm lo giáo dục, rèn luyện của Bác Hồ - ngay từ khi lực lượng CAND ra đời và sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng CAND. Nhân ngày truyền thống CAND, tôi ghi lại vài kỉ niệm minh chứng cho điều này.

Năm 1956, Đảng đoàn Bộ Công an trình Ban Bí thư  bản dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Đồn Công an. Bác Hồ đã xem và trực tiếp sửa vào bản dự thảo đó. Bác nói đại ý: Công an ta là Công an nhân dân, là đày tớ của dân; không nên dùng những từ ngữ thiếu kính trọng lễ phép với dân. Bác dùng bút đỏ gạch bỏ những chữ “xin, cho phép, trình báo, xin phép”; Bác bảo: Để tránh hiểu lầm Công an thì được quyền cho, dân thì phải trình, phải xin.

Bác còn căn dặn: Đồn Công an phải định kỳ kiểm điểm tự phê bình trước dân để nhân dân góp ý cho Công an. Sau đó Bác đã gửi huy hiệu tặng một số đồng chí Cảnh sát khu vực được báo chí nêu gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt là ngày 10/2/1956, Bác viết bài đăng trên Báo Nhân dân, có đoạn: “…Việc đăng ký hộ khẩu ở Thủ đô đã làm xong và đạt kết quả tốt. Kết quả quan trọng nhất là nhân dân đã hiểu rõ Thủ đô là Thủ đô của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Là chủ thì phải làm trọn nhiệm vụ của người chủ, phải quản lý tốt Thủ đô, tức là đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, nâng cao cảnh giác hơn nữa, chú ý ngăn ngừa bọn phá hoại, giữ gìn trật tự an ninh, chống nạn tham ô, lãng phí, làm cho Thủ đô phồn thịnh, thực hiện mỹ tục thuần phong: cần-kiệm-liêm-chính, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa… xứng đáng làm “đầu tầu” cho các địa phương khác”.

Sự kiện này làm tôi xúc động nhớ lại lúc tôi bị địch bắt vào tù, gặp đồng chí Bùi Đình Ky là cán bộ Công an làm Bí thư Chi bộ nhà tù. Đồng chí Ky đọc cho tôi nghe lần đầu tiên 6 điều Bác Hồ dạy. Khi tôi vượt ngục ra tù, được bổ sung vào Đặc phái Công an Xuân Trường (Nam Định) là đơn vị có nhiều thành tích diệt ác trừ gian trong vùng địch, được Bác gửi tặng tấm áo lụa vàng.

Khi đó, anh em đơn vị  tôi vô cùng phấn khởi được nhận áo lụa của Bác, được đọc lại 6 lời dạy của Bác in trên Báo Rèn Luyện. Từ đấy hễ làm gì sai trái, chúng tôi lại thấy như có Bác ân cần khuyên nhủ. Khi dự lớp chỉnh huấn, anh em trong lớp tôi đều lấy 6 điều Bác dạy để kiểm điểm. Đó là những ấn tượng sâu sắc, tôi không bao giờ quên   được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội tại Hội nghị Tổng kết công tác năm (21/12/1956).

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, khi nói chuyện tại Trường Công an Trung ương (năm 1960) và những lần làm việc với lãnh đạo Cục Cảnh sát nhân dân đã khẳng định: Lực lượng Công an có 2 “quả đấm nghiệp vụ” để đánh địch. Quả đấm thứ nhất là các biện pháp quản lý hành chính công khai.

Quả đấm thứ hai là các biện pháp trinh sát bí mật. Quản lý công khai để nắm tình hình, phát hiện, ngăn ngừa, tấn công bọn tội phạm và bảo vệ quyền hợp pháp của công dân. Trinh sát bí mật để tiến hành công tác chuyên án đi sâu về điểm, tấn công tiêu diệt từng loại đối tượng địch. Hai quả đấm này có quan hệ mật thiết với nhau, phải phối hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh địch.

Năm 1972, tình hình nhiệm vụ công tác Cảnh sát phát triển, chuẩn bị thành lập Tổng cục Cảnh sát. Khối Cảnh sát chia làm 6 cục. Dư luận xã hội có nhiều ý kiến phản ánh lên lãnh đạo Bộ, kêu ca phàn nàn về tư thế tác phong, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát. Tôi được đồng chí Thứ trưởng Trần Quyết và đồng chí Cục trưởng Cảnh sát nhân dân Nguyễn Thế Tùng giao nhiệm vụ nghiên cứu dự thảo bản chế độ công tác tiếp xúc với nhân dân của các lực lượng Cảnh sát.

Khi tôi dự thảo, có nhiều ý kiến góp ý khác nhau là: Bản chế độ này quy định chung cho các lực lượng Cảnh sát hay chỉ quy định riêng cho lực lượng quản lý hành chính về trật tự xã hội? Vì chỉ có quản lý hành chính công khai mới tiếp xúc nhiều với dân. Có ý kiến cho rằng nên quy định chung cho cả các lực lượng khác trong Công an không phải Cảnh sát cũng có quan hệ tiếp xúc với dân.

Khi trình văn bản lên lãnh đạo Bộ, đồng chí Thứ trưởng Trần Quyết đã quyết định ban hành là “Chế độ công tác tiếp xúc với nhân dân của các lực lượng Công an làm công tác công khai”. Bản chế độ này được tổ chức học tập cùng với 6 lời dạy của Bác Hồ cho tất cả đơn vị Công an các cấp, các Trường Công an. Bản chế độ này còn được in ấn công bố tại nơi tiếp dân, phổ biến trên đài báo để nhân dân phê bình Công an và phát động phong trào thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Dành thuận lợi cho dân, nhận khó khăn về mình”.

Được sự lãnh đạo chặt chẽ, nghiêm túc của Bộ và Thủ trưởng Công an các cấp, nhiều nơi đã tổ chức hội nghị Công an tự phê bình trước dân và nhân dân phê bình Công an tại các Đồn, Trạm Công an và khu dân cư do Cảnh sát khu vực phụ trách đạt nhiều kết quả tốt. 

Sau giải phóng miền Nam, khối lượng công việc của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội rất lớn và khẩn trương. Cùng một lúc, phải mở lớp đào tạo tại chỗ hàng nghìn cán bộ hộ khẩu, gần 5 nghìn Cảnh sát khu vực. Tiếp đó phải tiến hành quản lý đặc doanh, quản lý vũ khí. Cùng với các công tác nói trên, còn phải tiến hành cấp phát khoảng 40 triệu giấy chứng minh nhân dân mang quốc huy và quốc hiệu thống nhất “Nước CHXHCN Việt Nam” để xóa bỏ thẻ căn cước của chế độ cũ ở miền Nam.

Yêu cầu bảo mật nghiệp vụ và kỹ thuật công nghệ cấp giấy chứng minh nhân dân rất cao, do 2 đồng chí Thứ trưởng Trần Quyết và Nguyễn Tài chỉ đạo rất chặt chẽ. Với quyết tâm cao của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và sự phối hợp tích cực của các Cục Kỹ thuật, Hậu cần; với sự nghiêm chỉnh thực hiện của Công an các địa phương, công tác cấp giấy chứng minh nhân dân đã cơ bản hoàn thành theo yêu cầu của Bộ…        

Ngày 16/4/1984, tại cuộc họp duyệt bản dự thảo Điều lệ công tác hộ khẩu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu ý kiến: “Giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không có cách nào khác là phải quản lý hộ khẩu, quản lý con người. Người lương thiện, ta phải bảo vệ họ, dựa vào họ để họ ủng hộ ta; người xấu, ta phải biết để quản lý họ. Phải xác định bảo đảm quyền công dân, đừng khắt khe quá…

Thủ tục phải rất thuận lợi cho dân thì dân mới ủng hộ ta làm tốt. Tôi thấy cơ quan hành chính còn gây phiền hà cho dân, còn một số xấu, mánh lới ăn đút lót, phải thanh trừ. Phải đào tạo cho anh em biết cách làm việc lịch sự… Bộ Công an phải chỉ đạo làm tốt quản lý hộ khẩu để bảo đảm an ninh. Phải ghi 2 chữ  An ninh vào Điều lệ hộ khẩu. Điều lệ phải thể hiện nội dung mới, cách làm mới…”.

Đồng chí Phạm Hùng, khi còn là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công an đặc biệt quan tâm công tác quản lý hành chính, nhất là quản lý hộ khẩu. Nhiều lần đồng chí Phạm Hùng nói trong các hội nghị Công an toàn quốc: “Không làm công tác hộ khẩu thì không phải là Công an... Quản lý hộ khẩu là công tác cơ bản thường xuyên, không có khái niệm làm xong…”. Đó là sự chỉ đạo rất kiên quyết, mạnh mẽ.

Tôi rất tự hào về lịch sử 70 năm qua, đất nước ta nói chung và lực lượng Công an nhân dân cùng với Quân đội nhân dân đã lớn mạnh, trưởng thành, lập những chiến công đi vào lịch sử. Tôi xin có mấy câu để chúc mừng ngày kỷ niệm của chúng ta:

Mừng ngày truyền thống Công an

Bảy mươi năm ấy chứa chan ân tình

Tự hào lịch sử  quang vinh/ Sáu điều Bác dạy chúng mình ghi sâu

Các thế hệ nối tiếp nhau/ Giữ cho nước mạnh dân giàu Vạn Xuân.`

Đại tá Phạm Minh Liêm (Nguyên Phó cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát)
.
.