65 năm Khóa Đào tạo I + II Trường Công an Trung ương:

Sông Gâm mãi chảy vẫn không quên nguồn

Thứ Bảy, 14/04/2018, 08:25
Ở cái tuổi trên “bát thập cổ lai hy” và nhiều người sắp 90, trên 90, anh, chị em chúng tôi là những cựu học viên còn lại của 2 khóa đào tạo I và II Trường Công an Trung ương (1953-1954) từ hơn 600 học viên (khóa I hơn 200, khóa II hơn 400) trong toàn quốc, đến nay chỉ còn hơn 100 người ở gần 10 tỉnh, thành phố, nhiều nhất là ở Hà Nội.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng đa số anh chị em đều có nguyện vọng tha thiết họp mặt lần cuối kỉ niệm 65 năm tổ chức của hai khóa học. Thật vô cùng phấn khởi, nguyện vọng đó sẽ thành hiện thực vào ngày 18 tháng 4 năm 2018.

Ôn lại một thời gian khổ bước vào khóa học, chúng tôi từ một số đơn vị Công an ở Bộ và các tỉnh, Công an cơ sở xã, nhân viên Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng, học sinh một số trường phổ thông Hàn Thuyên, Lương Ngọc Quyến, Ngô Quyền (tỉnh Thái Nguyên), một số thanh niên trong dân tộc ít người, phạm vi từ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và Việt Bắc.

Học viên đến trường chủ yếu đi bộ, một số anh em đi bộ từ gần 2 tháng mới tới trạm đón tiếp rồi vào địa điểm chính của trường đặt ở vùng rừng già bên bờ sông Gâm thuộc bản Phai Công, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang với mật danh “trại chăn nuôi số 1”.

Những học viên đến sớm, tham gia lấy gỗ, tre, nứa, lá làm lán trại để ở, học và sinh hoạt, cuộc sống vật chất lúc đó rất thiếu thốn, học viên lĩnh cơm bằng rổ rá. Canh nước uống đựng bằng ống bương chặt vát. Thức ăn chủ yếu là rau rừng và số rau muống tự trồng. Mỗi tháng trường cố gắng lo cho vài bữa cơm tươi có thịt, có thời kỳ 4 lạng gạo không nở. Với tuổi trẻ, bữa chính coi như lót dạ, độn rau không no, tranh thủ lúc nghỉ bơi qua sông Gâm hoặc đi vào bản gần đó mua sắn, ngô, khoai, rau quả để bổ sung khẩu phần ăn cho đỡ đói.

Ngày nghỉ anh em phải phân công lần lượt thay nhau trèo đèo lội suối khoảng 5, 6km để lĩnh gạo về trường. Nước dùng để ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt… toàn là nước đục lờ của dòng sông Gâm.

Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhiều đêm rét lạnh, nằm nhà nứa, lá phên tre với chiếc chăn đơn mỏng manh hoặc chiếc chiếu đắp.

Gian khổ như thế, nhưng khi tiếng kẻng báo thức, tất cả đều khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nội quy của trường, không kêu ca phàn nàn, khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập. Ban ngày nghe giảng, hầu như các buổi tối đều sinh hoạt, thảo luận ở tổ. Những anh chị em đều qua thực tế công tác trao đổi thực tế, kinh nghiệm cho nhau, nhất là chúng tôi, số học sinh đều 16, 17 tuổi, từ tiếp thu bài giảng, cũng như về phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc để sau này ra trường phục vụ tốt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Các cựu học viên về thăm lại địa điểm Trường Công an Trung ương khóa 1953-1954 trong một buổi gặp mặt.

Mặt khác, chúng tôi là học sinh, lại được phân công giúp giảng dạy thêm văn hóa cho số đồng chí dân tộc ít người Mông, Ê đê, Tày, Nùng…

Đời sống vật chất tuy thiếu thốn song sinh hoạt tinh thần khá phong phú. Viết bích báo, hát hò, những vở kịch tự biên, nghe nói chuyện thời sự, nghe đài, thỉnh thoảng trường tổ chức chiếu phim, chủ yếu là phim Trung Quốc. Hồi đó giáo viên chủ chốt gồm các đồng chí Đặng Côn, Tô Lân, Quách Quý Hợi… và một số đồng chí ở khóa I được chọn bổ sung làm giáo vụ hướng dẫn cho đào tạo II như đồng chí Phạm Minh, Lê Quang Thành, Đăng Cân, Tạ Văn Việt, Phan Tá, Trần Thế Vinh…

Nội dung học phần đầu chủ yếu là về chính trị như huấn thị của Hồ Chủ tịch, các bài về Cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, tình hình nhiệm vụ mới, chính sách mặt trận, chính sách tôn giáo dân tộc, đường lối quần chúng. Chính sách cải cách ruộng đất, bài suốt đời hy sinh phấn đấu cho chủ nghĩa của Đảng, học xong viết lý lịch và kiểm điểm.

Theo chương trình khóa học thì thời gian là 18 tháng. Tin vui thắng trận trên nhiều chiến trường, đặc biệt là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, buộc chính phủ Pháp ký hiệp định Geneve, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng chuyển giai đoạn mới. Đảng và Chính phủ phải lo nhiều việc lớn, mà trước tiên là tổ chức tiếp quản các vùng mới giải phóng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.

Học viên chia 2 đoàn: đoàn chuẩn bị cho tiếp quản thành phố phải tập trung học 8 chính sách và 10 điều kỷ luật, giữ vững phẩm chất của người cán bộ cách mạng trước cạm bẫy của những “viên đạn bọc đường” như Bác Hồ đã căn dặn. Đoàn đi phát động quần chúng giảm tô, học tập về chính sách cải cách ruộng đất… Đoàn này đi bộ tập trung theo điểm đến các đoàn ủy để tiếp tục thực hiện các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất. Số đi giảm tô cải cách ruộng đất sau lại được điều về trường học tiếp với khóa đào tạo III để phục vụ đăng ký hộ khẩu tại Hà Nội.

Đoàn về tiếp quản chủ yếu đóng bè mảng để vượt thác ghềnh. Đi từ sông Gâm ra sông Lô vào sông Hồng, xuôi về Sơn Tây và được lãnh đạo Công an Hà Nội tổ chức phân công vào các vùng tạm bị chiếm ở Hà Nội, nhiều đồng chí đã được giao từ ngày 4 và 5-10-1954 tập trung ở Đồn Thủy (nay là khu vực thuộc Bệnh viện 108) được bố trí xen kẽ với một số cán bộ kháng chiến thuộc Ty Công an Hà Nội, phân công chiếm lĩnh trụ sở Công an Hà  Nội phải giáp mặt với cảnh binh Pháp và ngụy với số lượng đông hơn ta, trang bị vũ khí hơn ta, đòi hỏi các đồng chí phải luôn cảnh giác, mưu trí, dũng cảm vì chưa đến ngày 10-10.

Lúc đó, thực dân Pháp cùng tay sai trong Đại Việt và Quốc dân đảng đang ráo riết chống phá, không chịu trao ngay Hà Nội cho ta theo Hiệp định Geneve quy định.

Một bộ phận hơn 40 nữ học viên được điều sang ngành Bưu điện để tiếp quản Bưu điện Hà Nội… vừa đảm bảo thông tin liên lạc bình thường, vừa phục vụ nắm tình hình và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của ngành.

Số đồng chí được phân công làm công tác trinh sát trên lĩnh vực an ninh đã tích cực đóng góp vào xây dựng mạng lưới đặc tình, cơ sở đi sâu nắm diễn biến hoạt động của các tổ chức phản động, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, nhất là bọn lợi dụng đạo Thiên Chúa cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam, tiếp đó là công cuộc đấu tranh chống gián điệp, biệt kích xâm nhập, trong đó có đồng chí đóng góp trong Chuyên án C30.

Thực hiện các biện pháp làm trong sạch địa bàn như tập trung cải tạo, quản chế tại chỗ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trong phát động và xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cần chi viện của miền Bắc, nhiều học viên của Khóa I, II lại được điều về trường học tiếp về các vấn đề cần thiết để phục vụ cho các chiến trường B-C-K, trong đó có một số đồng chí được điều vào rất sớm, một số đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, các đồng chí tiếp tục phát huy vai trò của mình, được giữ những trọng trách lãnh đạo trong Công an tỉnh, quận, huyện hoặc được điều sang công tác ở các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Số còn lại ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng được giao phụ trách các đơn vị đồn, trạm, trưởng phó phòng quận, huyện, nhiều đồng chí là Giám đốc, Phó giám đốc các Sở, Ty Công an, đã đóng góp trong công cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đặc biệt góp phần tích cực trong chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Xin lưu ý là số học viên của 2 khóa được điều động về công tác ở Thủ đô Hà Nội có số lượng nhiều nhất, trong đó tiêu biểu có đồng chí Nguyễn Đình Thành – Giám đốc, Nguyễn Văn Tình – Phó Giám đốc.

Ở Bộ, nhiều đồng chí được giao giữ cương vị lãnh đạo các Cục, Vụ. Một số đồng chí được giữ lại làm giáo viên như Nhà giáo nhân dân Phạm Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát; Thiếu tướng Lê Quang Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Công an; Thiếu tướng Nguyễn Như Hải, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V.

Những bài học đầu tiên do nhà trường giảng dạy, truyền thụ là những kiến thức cơ bản, là những nhân tố tác động trực tiếp cho sự phát triển phẩm chất đạo đức, làm cơ sở để cho các học viên chúng tôi dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng phấn đấu, rèn luyện tự học để vươn lên, tiếp cận những kinh nghiệm quý của các thế hệ đi trước để áp dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội qua các thời kỳ phát triển của Cách mạng.

Nhiều đồng chí sau khi về nghỉ hưu vẫn phát huy truyền thống, cố gắng tích cực tham gia công tác ở địa phương, được bầu vào cấp ủy phường, cụm dân cư, trưởng ban Mặt trận Tổ quốc, chi hội trưởng Người cao tuổi v.v…

Ngày 5-10-2014, TP Hà Nội tổ chức lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã rất quan tâm và trân trọng mời gần 70 anh chị em cựu học viên của hai khóa đào tạo I+II Trường Công an Trung ương được Bộ Công an điều từ chiến khu Việt Bắc về tham gia tiếp quản Hà Nội, làm chúng tôi vô cùng phấn khởi, tự hào.

Nhớ ngày ghềnh thác, mảng nhào

Sông Hồng uốn khúc tiến vào cửa ô

Tháng Mười giải phóng Thủ đô

Sáu mươi năm ấy bạc phơ mái đầu.

Cuộc họp mặt cựu học viên Kỷ niệm 65 năm khóa đào tạo I và II Trường Công an Trung ương được sự quan tâm đầy tình nghĩa của đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo Tổng cục III, Ban Giám đốc Học viện ANND…, là phần thưởng quý báu động viên tất cả chúng tôi.

Đến ngày họp mặt này, không rõ có bao nhiêu đồng chí ở các tỉnh ra cũng như ở Hà Nội còn sức khỏe có thể thu xếp để cố gắng về dự, cùng nhau hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm của một thời không thể nào quên, cùng bày tỏ niềm hân hoan vô cùng gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách, cùng bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm đầy tình nghĩa của các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Tổng cục, Học viện ANND, các Vụ, Cục và lãnh đạo Công an các địa  phương đã dành cho cựu học viên của hai khóa trong những năm qua.

Gặp nhau lần cuối năm nay

Dưới mái trường này để rồi mãi xa

Gặp nhau tình nghĩa mặn mà

Nhớ ơn Đảng, Bác, ơn ngành, ơn dân.

Đào Đức Ninh
.
.