Bảo vệ quyền riêng tư cho phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng

Thứ Tư, 22/11/2023, 12:00

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia Việt Nam, Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phụ nữ, hòa bình và an ninh mạng - Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư cho phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng tại Việt Nam”.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia và bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo an ninh mạng -0
Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Minh Chính phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; Công an TP Hà Nội; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ban Phụ nữ CAND; Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông, các đại sứ quán và các cơ quan của Liên Hợp quốc tại Việt Nam.

Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo an ninh mạng -0
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo là nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư của phụ nữ và trẻ em gái trong kỷ nguyên chuyển đổi số đang diễn ra ở Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính như việc thực thi Luật An ninh mạng và khuyến nghị về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, tăng cường an ninh mạng và dữ liệu cá nhân thông qua các phương pháp tiếp cận của Chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh mạng (WPS) với các trụ cột như phòng ngừa, bảo vệ, tham gia, cứu trợ và phục hồi.

Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo an ninh mạng -0
Các đại biểu dự hội thảo.

Hội thảo là một nỗ lực hợp tác nhằm thúc đẩy đối thoại và tìm kiếm các giải pháp khả thi trong lĩnh vực an ninh mạng, đảm bảo sự an toàn và quyền riêng tư của phụ nữ và trẻ em gái. Thông qua tiếng nói của các chuyên gia về an ninh mạng, của những nhà hoạch định chính sách và các bên hữu quan, hội thảo mong muốn góp phần thúc đẩy một môi trường kỹ thuật số an toàn nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Thông qua trao đổi đa chiều dựa trên các bằng chứng cụ thể, hội thảo không chỉ là diễn đàn chia sẻ các giải pháp đảm bảo an ninh mạng mà còn đưa ra những thông điệp thiết thực tăng cường các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thông điệp đó được thể hiện rõ nét qua phát biểu của Trung tướng Nguyễn Minh Chính: “Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng ngày càng cung cấp nhiều hơn thông tin, dữ liệu cá nhân lên không gian mạng và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; từ những thông tin cơ bản tới thông tin phản ảnh sinh trắc học, tâm lý, suy nghĩ và hành động. Mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách”...

Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo an ninh mạng -0
Quang cảnh hội thảo.

Bà Caroline Nyamayemombe đánh giá: Trong kỷ nguyên này, ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo là một ranh giới rất mỏng manh đối với tất cả các nhóm dân cư trong xã hội chúng ta, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chính phủ đã và đang luôn đóng vai trò then chốt trong việc định hình các chính sách và biện pháp ứng phó nhằm duy trì hoặc giảm bớt sự chênh lệch về giới trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, và vì một thế giới ảo an toàn nhất cho phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam.

Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho chương trình nghị sự WPS. Ví dụ như, ngày 25/10 vừa qua, Việt Nam đã thay mặt ASEAN đưa ra tuyên bố trong cuộc tranh luận mở của Hội đồng Bảo an về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ở New York.

UN Women là cơ quan LHQ dẫn đầu trong việc hỗ trợ thực hiện và phổ biến chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và hỗ trợ các chính phủ, tổ chức phụ nữ cũng như các tổ chức xã hội khác xây dựng và thực hiện các Kế hoạch hành động Quốc gia về WPS (NAP WPS) và các sáng kiến tương tự, bao gồm cả vấn đề đang nổi cộm như an ninh mạng.

Hội thảo khẳng định tinh thần thống nhất cùng chung tay hành động của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và UN Women; sự sẵn sàng phối hợp triển khai những hoạt động cụ thể từ hôm nay và trong tương lai để đặt nền tảng cho một cách tiếp cận đầy đủ thông tin, sự phối hợp hiệp đồng và có tính chiến lược đối với vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Từ đó, góp phần tham mưu cho Bộ Công an và Chính phủ Việt Nam những biện pháp hiệu quả đảm bảo an ninh, quyền riêng tư và khả năng phục hồi sau tổn thương (nếu có) của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam trên không gian mạng trong một hệ sinh thái kỹ thuật số được bảo vệ chặt chẽ hơn.

Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo an ninh mạng -0
Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo an ninh mạng -1
Trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo an ninh mạng -2
Một số ý kiến tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo chuyên đề, gồm “Những vấn đề cần lưu ý khi triển khai thi hành pháp luật về an ninh mạng trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng”, “Những khuyến nghị nhằm tăng cường an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư trong bối cảnh chuyển đổi số của Việt Nam đối với phụ nữ và trẻ em gái” và chuyên đề “Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; thực trạng và giải pháp đối với tội phạm mạng nhắm tới phụ nữ và trẻ em gái hiện nay”.

Xuân Mai
.
.