Chiến sĩ nghĩa vụ nỗ lực thực hiện ước mơ trở thành sĩ quan CAND

Thứ Bảy, 09/09/2023, 07:56

Mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng với quyết tâm, nỗ lực hết mình, hai chiến sĩ Lê Bá Khánh Duy và Nguyễn Đình Hưng (Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thanh Hóa) đã cùng hiện thực hóa ước mơ, trở thành người sĩ quan CAND...

Với vẻ bề ngoài cao ráo, nước da trắng trẻo, khuôn mặt vẻ thư sinh, nếu không khoác lên mình bộ cảnh phục không ai nghĩ rằng Lê Bá Khánh Duy (SN 2003) là một chiến sĩ Cảnh sát cơ động thực thụ.

Khánh Duy cho biết, em sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội và bố đều công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Tuổi thơ của Khánh Duy gắn liền với những câu chuyện kể của ông và của bố về người chiến sĩ Công an, tuy vất vả nhưng rất đỗi tự hào. Mơ ước của Khánh Duy là được tiếp bước ông nội và bố nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, em đã cố gắng học tập, rèn luyện để một ngày nào đó hiện thực hóa giấc mơ trở thành người sĩ quan CAND.

Duy cho biết, khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em đã đăng ký dự thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân và đạt 25 điểm nhưng năm đó trường lấy 26,5 điểm, em không đậu. Nguyện vọng vào Học viện Cảnh sát nhân dân không đạt được, Lê Bá Khánh Duy đăng ký xét tuyển trúng tuyển nguyện vọng 2 và đậu vào Trường Đại học kiến trúc Hà Nội. Học Đại học Kiến trúc được một thời gian ngắn, Khánh Duy xin bảo lưu kết quả về đi nghĩa vụ Công an nhân dân, với quyết tâm tiếp tục thi vào Học viện Cảnh sát như đã từng mơ ước.

received_837563527744329.jpg -0
Là chiến sĩ bảo vệ mục tiêu, Nguyễn Đình Hưng và Lê Bá Khánh Duy phải tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ tập trung ôn luyện trước kỳ thi.

Tại kỳ thi chung tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, với 3 môn Toán, Văn, Lịch sử (khối C03), Lê Bá Khánh Duy đạt lần lượt số điểm: 7,6; 8,75 và 8,75. Theo cách tính điểm của các trường thuộc khối CAND năm 2023, số điểm 3 môn thi trên chỉ được tính 40% và cộng thêm 60% của 8 môn thi đánh giá năng lực (Văn, Sử, Địa, Sinh, Lý, Hóa, Giáo dục công dân và Tiếng Anh) của Bộ Công an rồi quy về thang điểm 30 để tính điểm đầu vào. Theo đó, điểm trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân của Lê Bá Khánh Duy năm nay là 21,55 điểm.

Là chiến sĩ nghĩa vụ, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao, Khánh Duy đã tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ tập trung ôn luyện kiến thức thường xuyên, liên tục. Khánh Duy cho biết, khi còn học phổ thông, em tập trung học 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh, nay thi khối C03, phải thay môn Tiếng Anh bằng môn Lịch sử, đó cũng là trở ngại lớn nhất. Tuy nhiên, với quyết tâm của bản thân, sự ủng hộ của gia đình và sự tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, Lê Bá Khánh Duy đã hiện thực hóa được ước mơ tiếp nối truyền thống gia đình, trở thành người sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam.

Khánh Duy chia sẻ: “Có được kết quả và niềm vui như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, em thấy mình rất may mắn vì được nuôi dưỡng trong gia đình có bề dày truyền thống, lớn lên được học tập, công tác và phấn đấu, rèn luyện trong môi trường kỷ luật, kỷ cương, luôn được cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy và đồng chí, đồng đội quan tâm động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để em vừa có thể tham gia các hoạt động chung của đơn vị, vừa có thời gian để học tập, ôn luyện...”.

Năm nay, chiến sĩ Nguyễn Đình Hưng (SN 2003), thuộc Tiểu đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu Tỉnh ủy, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an Thanh Hóa cũng vừa nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Chính trị Công an nhân dân với số điểm 24,7.

Chia sẻ với phóng viên, Hưng cho biết: “Có lẽ nghề đã chọn người anh ạ, từ nhỏ em đã yêu màu áo xanh của người Cảnh sát nhân dân nhưng khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em không đăng ký vào trường Công an được, vì năm đó quy định của Bộ Công an, thí sinh thi vào phải có điểm môn dự thi từ 7 trở lên. Vì vậy, em đăng ký dự thi vào một trường thuộc khối quân đội, dù điểm khá cao nhưng vẫn không đậu. Năm 2022, em đăng ký đi lính nghĩa vụ Công an để tiếp tục thi các trường trung cấp, cao đẳng hoặc nếu được sẽ đăng ký biên chế lâu dài trong lực lượng Công an. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2023, Bộ Công an không quy định môn học dự thi phải đạt trên 7 điểm nữa, thay vào đó là kỳ thi đánh giá năng lực 8 môn để tính điểm và em đã đủ điều kiện tham gia dự thi”.

Theo đó, với 3 môn Văn, Sử, Địa (khối C), chiến sĩ Nguyễn Đình Hưng đạt lần lượt số điểm 8,5; 9,75 và 8; điểm đánh giá năng lực 8 môn thi của Bộ Công an là 71,5 điểm. Cộng chung 2 nội dung thi nói trên, theo tỷ lệ 40% và 60%, sau đó quy ra thang điểm 30, Hưng đạt 24,7 điểm.

Hưng cho biết, để có kết quả trên, em phải lập thời gian biểu riêng cho bản thân, cân bằng nhiệm vụ công tác và thời gian ôn thi hợp lý. Việc ôn thi của Hưng là hoàn toàn tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu, vì không có thời gian để học thêm bên ngoài.

Hưng nói, với môn Văn, trước tiên phải đọc kỹ tác phẩm, nắm được nội dung chính (cốt truyện) của tác phẩm... từ đó đọc thêm các tài liệu nghiên cứu liên quan để có cách đánh giá, so sánh tác phẩm mới thấm sâu, nhớ lâu. Tương tự, môn Lịch sử là những sự kiện, những con số, nếu để nhớ được các dữ liệu đó một cách chính xác thì rất khó, do đó phải tư duy, so sánh giữa các dữ liệu, sự kiện để rút ra bài học, kết luận chung... Đặc biệt là phải triệt để tận dụng internet để học tập, ôn luyện mọi lúc, mọi nơi; thực hành các dạng đề khác nhau...

“Khi nhận kết quả trúng tuyển, em cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc nhưng điều quan trọng hơn hết là em đã vượt qua bản thân chạm đến ước mơ, được gắn bó, cống hiến lâu dài trong lực lượng CAND, chiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, chia sẻ”.

Thượng tá Nguyễn Văn Chung - Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hàng năm, chiến sĩ nghĩa vụ của đơn vị khoảng 150 đồng chí, công tác ở nhiều địa bàn, lĩnh vực khác nhau, nhưng đơn vị luôn quan tâm, động viên và phối hợp cùng với gia đình tạo điều kiện cho chiến sĩ trong việc ôn luyện để tham dự các kỳ thi đại học vào trường Công an nhân dân.

Để các chiến sĩ ôn thi đạt kết quả cao, cấp ủy, lãnh đạo và chỉ huy trong đơn vị đã luôn sát sao động viên, tư vấn để các chiến sĩ xác định rõ mục tiêu phấn đấu, chủ động, tích cực ôn luyện bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau như: Giới thiệu giáo viên có uy tín, kinh nghiệm, trình độ giảng dạy, đến các trung tâm luyện thi có chất lượng để bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng làm bài; thành lập các nhóm học tập để cùng nhau trao đổi, thảo luận, hỗ trợ nhau trong học tập, giúp cho việc nắm bắt kiến thức được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhờ đó, hằng năm kết quả điểm thi của các chiến sĩ nghĩa vụ tại Phòng Cảnh sát cơ động khá cao.

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay đã có 62 chiến sĩ nghĩa vụ trúng tuyển vào các trường, học viện CAND. Đây không chỉ là niềm vui của cá nhân các đồng chí trúng tuyển mà còn là niềm tự hào, là động lực to lớn cổ vũ, động viên để các chiến sĩ nghĩa vụ khác học tập, noi theo.

Trần Thắng
.
.