Chủ động phòng, chống cháy rừng ở vùng Tây Nam Bộ

Thứ Ba, 05/03/2024, 06:51

Hiện thời tiết tại các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ đang vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, nên các khu vực rừng đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp độ cao. Các ngành chức năng đã và đang tập trung, quyết liệt triển khai nhiều phương án phòng chống, ứng phó cháy rừng.

Tại Kiên Giang, chỉ trong vòng 2 tháng, trên địa bàn TP Phú Quốc đã xảy ra 4 vụ cháy, trong đó có 3 vụ cháy trên đất nông nghiệp và 1 vụ cháy rừng. Cụ thể, vào trưa 25/2, tại khu vực bìa rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc (thuộc ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm) xuất hiện đám cháy lớn, có nguy cơ cháy lan vào khu vực rừng đặc dụng. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai phương án khống chế, dập lửa. Đến chiều cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, gây thiệt hại khoảng 1ha tràm.

chayrung 1.jpg -0
Lực lượng Công an, Kiểm lâm tỉnh An Giang kiểm tra, vận hành thử nghiệm các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng.

Ông Đoàn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cho biết, TP Phú Quốc đang cảnh báo mức độ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng. Ngoài ra, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, mức độ cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, chỉ có huyện An Minh đang có nguy cơ cấp độ III.

Vườn Quốc gia Phú Quốc đang quản lý 76.937ha rừng. Địa hình đồi núi, có độ dốc cao, chia cắt mạnh các tuyến đường tiếp cận khó khăn, nhiều khu vực không có đường giao thông, chỉ cơ động bằng đường mòn, lối mở đi bộ, do đó khi xảy ra cháy rừng rất khó triển khai lực lượng tiếp cận nhanh để xử lý đám cháy.

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc phân tích, do đặc thù riêng, Phú Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng rất khó lường. Cụ thể, cộng đồng dân cư sống xen trong rừng, ven rừng do sử dụng lửa sinh hoạt bất cẩn và do tập quán sản xuất canh tác đốt nương làm rẫy, đốt ong lấy mật... hoặc đốt lấn chiếm đất rừng, đốt phá vì tư thù cá nhân. Nguy cơ thứ hai là từ những nơi tập trung đông công nhân tại các công trình xây dựng gần rừng trong quá trình sinh hoạt, sản xuất không cẩn thận dẫn đến cháy rừng.

Mặt khác, lớp thực bì dưới tán rừng dày tích lũy qua nhiều năm, nguy cơ từ những khu vực tập trung trảng cỏ tranh, cỏ đốt trúc, cỏ lác. Vườn Quốc gia Phú Quốc đã triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”, “phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý các vụ cháy rừng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, yêu cầu các hộ dân sống gần rừng, ven rừng cam kết không chặt phá, lấn, chiếm rừng, tuân thủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tại An Giang, nhiều cánh rừng tại khu vực Bảy Núi như: Núi Phú Cường, cụm Núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực núi Sam, núi Giài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Nam Quy… phía dưới tán cây là những thảm cỏ đã chuyển màu vàng khô. Đặc biệt, tại các khu vực núi có rất nhiều chùa, miếu thờ, thời điểm này đang vào mùa du lịch hành hương, tâm linh nên du khách cúng lễ thường đốt giấy vàng mã, nhang đèn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng. Theo Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 13.277,2ha rừng phòng hộ và đặc dụng. Trong đó, khu vực trọng điểm cháy chiếm khoảng 5.655ha, với thời gian nguy cơ xuất hiện cháy rừng từ tháng 1 đến tháng 5 đối với khu vực rừng đồi núi; từ tháng 1 đến tháng 7 - 8 đối với rừng đồng bằng.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang nhận định, diễn biến của mùa khô năm nay khá phức tạp, với nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt. Từ Tết Nguyên đán đến nay, đã xảy ra vài vụ cháy với diện tích nhỏ ở khu vực rừng phòng hộ núi Dài (huyện Tri Tôn), rừng phòng hộ núi Cấm, núi Giài Nhỏ (thị xã Tịnh Biên). Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ bố trí cho các chốt bảo vệ rừng. Đồng thời, thực hiện định vị, thống kê toàn bộ các hồ, đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy, chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi.

Đối với khu vực rừng tràm Trà Sư, đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước hợp lý, đảm bảo dự trữ được nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều phương pháp để người dân hiểu, chấp hành tốt quy định phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, đã phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm tra phòng, chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên ứng trực, cảnh giác cháy rừng ở mức cao nhất.

Các trạm quản lý rừng trên địa bàn An Giang cũng đã đôn đốc các hộ nhận khoán phát quang, dọn cỏ, làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng; tổ chức đốt chủ động với diện tích khoảng 16ha; xây dựng các tuyến đường băng cản lửa với diện tích 28,19ha; phát dọn dây leo, cây bụi tại các tuyến đê phục vụ tuần tra, chữa cháy rừng...

Theo Thượng tá Nguyễn Tấn Lợi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh An Giang, đơn vị đã thành lập đoàn công tác đến kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại một số điểm rừng trên địa bàn thị xã Tịnh Biên và TP Châu Đốc.

Tại Hậu Giang, qua kiểm tra thực tế tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh, hiện mực nước dưới chân rừng đã xuống thấp và đang dần khô cạn, đồng thời thực bì, dây leo tại một số lô rừng đã có hiện tượng chết khô.

Trước tình hình trên, để chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm nay, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình hạn mặn để vận hành hệ thống cống, đập, nhằm tranh thủ lấy nước ngọt vào rừng vào các đợt triều cường. Ngoài ra, các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng phải luôn trong tư thế sẵn sàng cơ động và vận hành tốt. Mặt khác là tổ chức ứng trực cháy rừng, cũng như tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực trọng điểm xuyên suốt kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ…

Trần Lĩnh
.
.