Công an Thanh Hóa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ Năm, 05/10/2023, 07:05

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác Công an là một xu hướng tất yếu thời đại công nghệ 4.0, góp phần tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong CAND, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lực lượng Công an các cấp.

Năm 2022, Công an Thanh Hóa là đơn vị xếp thứ 3/63 Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ứng dụng CNTT.

Công an Thanh Hóa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin -0
Công an tỉnh Thanh Hoá tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho CBCS chuyên trách công tác đảm bảo công nghệ thông tin.

Trong những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, chú trọng đào tạo cán bộ, tăng cường ứng dụng và phát triển CNTT, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tất cả các mặt công tác Công an. Đến nay, Công an tỉnh Thanh Hoá đã đầu tư gần 4.000 máy trạm, gần 100 máy chủ từ cấp tỉnh đến cấp xã cùng hệ thống mạng LAN nội bộ và mạng truy cập Internet kết nối cho tất cả các đầu mối Công an trong tỉnh, sẵn sàng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chiến đấu trong mọi tình huống.

Là đơn vị tham mưu, giúp Giám đốc Công an tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về CNTT, bảo đảm an toàn thông tin số, hệ thống kiểm soát an ninh trong lực lượng Công an, thời gian qua, Đội CNTT thuộc Phòng Tham mưu Công an tỉnh Thanh Hoá đã tích cực nghiên cứu, xây dựng thành công nhiều phần mềm, giải pháp tin học, ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về ANTT, phục vụ đắc lực công tác cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Hiện nay, Đội CNTT có 7 cán bộ là kỹ sư tin học và 86 cán bộ chuyên trách làm CNTT ở các đơn vị trong Công an trong tỉnh, đây là những kĩ sư tin học “tinh nhuệ” có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Công an tỉnh Thanh Hoá thường xuyên chọn cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ CNTT tại các trung tâm tin học trong và ngoài ngành. Đặc biệt, với sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, hiện nay Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, khai thác và ứng dụng có hiệu quả 54 phần mềm, cơ sở dữ liệu, bao gồm 38 phần mềm triển khai theo ngành dọc và 16 phần mềm do Công an tỉnh đầu tư, xây dựng. Trong đó riêng CBCS Đội CNTT Phòng Tham mưu Công an tỉnh Thanh Hoá đã chủ trì xây dựng 7 phần mềm và hiện đang được Bộ Công an giao xây dựng triển khai thí điểm 2 phần mềm nghiệp vụ khác.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, xây dựng phần mềm tin học phục vụ công tác do Bộ Công an chủ trì, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá cũng đã xây dựng, triển khai thành công nhiều phần mềm ứng dụng, trong đó có những phần mềm, giải pháp được Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng ra toàn quốc. Điển hình như các phần mềm: Quản lý hoạt động tố tụng; Quản lý công tác khiếu nại tố cáo; Hệ thống quản lý, tiếp nhận thông báo lưu trú qua mạng Intrernet; Cấp biển số xe ngẫu nhiên; Quy chế quản lý, vận hành và sử dựng Hệ thống kiểm soát an ninh KSAN tại Trại tạm giam, nhà tạm giữ…

Công an Thanh Hóa là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng và đưa vào sử dụng Trang thông tin điện tử (tháng 10/2006), vừa phục vụ tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vừa công khai các quy trình, thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. Với những ưu thế vượt trội, đến tháng 12/2018, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hoá được nâng cấp thành Cổng thông tin điện tử. Trong 17 năm hoạt động, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh đã cập nhật hơn 53.000 bài viết, 890 clip tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và hoạt động của lực lượng Công an; công khai các thủ tục hành chính… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu, khai thác và thực hiện. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương của Giám đốc Công an tỉnh về ứng dụng mạng xã hội phục vụ tuyên truyền pháp luật, cải cách hành chính và phòng, chống tội phạm, các đơn vị Công an trong tỉnh đã tạo lập, quản lý 538 trang fanpage và 314 trang zalo, đăng tải trên 21.000 bài viết với tổng số gần 540.000 lượt người theo dõi. Thông qua các trang mạng xã hội này, lực lượng Công an đã tiếp nhận, xử lý 9.887 tin phản ánh và hỗ trợ giải quyết 17.743 thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.

Từ khi Bộ Công an triển khai 2 Dự án (Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân), Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Đề án 2208 về “Ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác Công an giai đoạn 2019 - 2021, tầm nhìn đến năm 2030”. Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về CNTT được tăng cường; công tác ban hành văn bản quản lý, quy hoạch chính sách thúc đẩy phát triển CNTT được chú trọng. Hạ tầng CNTT phục vụ công tác Công an được bảo đảm phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo chỉ huy và điều hành của Công an các cấp, nhất là phục vụ có hiệu quả cho việc triển khai Đề án 06/CP của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong Công an Thanh Hóa.

Từ những kết quả đã đạt được cho thấy, Công an tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực “đi tắt, đón đầu” trong công cuộc hiện đại hóa của cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, thể hiện ý chí, quyết tâm và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh trong đổi mới, sáng tạo, tạo nên bước đột phá trong tất cả các lĩnh vực công tác. Với những nỗ lực, cố gắng trong quá trình hoạt động, lực lượng CNTT đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của Công an tỉnh Thanh Hóa.

Trần Thắng
.
.