Khoa An ninh điều tra, Học viện An ninh nhân dân:

Địa chỉ tin cậy trong nghiên cứu, đào tạo điều tra hình sự

Thứ Năm, 12/10/2023, 08:30

Ngày 15/10/1968, Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) đã có quyết định tách Khoa Nghiệp vụ III (Khoa Chấp pháp, Pháp luật) thành hai Khoa: Khoa Chấp pháp và Khoa Pháp luật. Khoa Chấp pháp được thành lập chính là tiền thân của Khoa An ninh điều tra (ANĐT), Học viện An ninh nhân dân hiện nay. Ngày 15/10/1968 được xác định là ngày thành lập Khoa.

Ngày 20/11/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 9739/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Khoa ANĐT thuộc Học viện An ninh nhân dân (ANND). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Khoa ANĐT tổ chức giảng dạy các môn nghiệp vụ chuyên ngành ANĐT theo chương trình đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng chức danh của Bộ Công an; tổ chức nghiên cứu khoa học trong giảng viên và học viên; quản lý cán bộ giảng dạy; tham gia quản lý, giáo dục học viên theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và quy định của Học viện ANND.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài Học viện, Khoa ANĐT đã đạt nhiều thành tích, trở thành một địa chỉ tin cậy trong đào tạo, nghiên cứu Điều tra hình sự của Ngành Công an.

Địa chỉ tin cậy trong nghiên cứu, đào tạo điều tra hình sự -0
Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện ANND cùng các đại biểu và cán bộ,
giảng viên Khoa An ninh điều tra. 

Là một trong các Khoa nghiệp vụ chuyên ngành thuộc Học viện ANND, Khoa ANĐT đã tổ chức và tham gia đào tạo cho hàng chục khóa học với hàng trăm lớp cho hàng ngàn cán bộ, học viên trong và ngoài trường ở tất cả các hệ đào tạo của Học viện. Không chỉ tham gia giảng dạy cho các lớp học, hệ học ở trong nước, Khoa ANĐT còn tham gia đào tạo cao học, nghiên cứu sinh, các lớp bồi dưỡng chức danh giúp nước bạn Lào, Campuchia... Thời gian gần đây, theo yêu cầu của Bộ Công an và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Khoa ANĐT đã tích cực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều tra cho cán bộ thuộc Cơ quan điều tra các cấp; tham gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng, bộ đề thi, hướng dẫn ôn thi, ra đề thi và chấm thi trong các kỳ thi tuyển Điều tra viên do Bộ Công an và Công an các địa phương tổ chức.

Trong quá trình tổ chức đào tạo, Khoa ANĐT luôn bám sát mục tiêu chương trình đào tạo, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo. Nội dung giảng dạy hết sức phong phú, chuyên sâu về lý luận nghiệp vụ ANĐT, bao gồm lý luận chung về điều tra hình sự, kỹ thuật hình sự, chiến thuật điều tra hình sự và phương pháp điều tra tội phạm cụ thể. Các giảng viên của Khoa luôn chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động tự học, tự nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò chủ động, tích cực và tính sáng tạo của người học, chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, gắn chặt việc học lý thuyết với thực tế chiến đấu và cập nhật thực tiễn công tác của Ngành.

Để đảm bảo tốt cho công tác đào tạo, Khoa đã biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học cho các loại hình đào tạo. Từ năm 2013 đến nay Khoa đã biên soạn được 12 giáo trình, 2 sách chuyên khảo, 30 sách tham khảo và sách hướng dẫn học tập. Để phục vụ đào tạo các cấp học trong Học viện, đồng thời Khoa còn tổ chức biên soạn nhiều chuyên đề phục vụ các lớp tập huấn bồi dưỡng đào tạo, liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế.

Khoa cũng tích cực sử dụng hệ thống thiết bị dạy học phục vụ việc giảng lý thuyết và thực hành cho giảng viên. Hiện nay, Khoa được giao quản lý và sử dụng 1 phòng thực hành Hỏi cung bị can lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh; 1 thiết bị Spektor phục vụ thu thập nhanh dữ liệu điện tử ở hiện trường; 3 phần mềm (FTK, UFEED, ENCASE) để tiến hành trích xuất, sao lưu, khôi phục dữ liệu điện tử trong các thiết bị điện tử; 01 kính hiển vi kết nối máy tính để phục vụ nghiên cứu về tài liệu, chữ viết, chữ ký, tiền giả, các loại dấu vết súng đạn…; 1 thiết bị đa phổ di động phát hiện và chụp ảnh dấu vết; 1 thiết bị đa phổ di động 4K phát hiện dấu vân tay ẩn; 1 thiết bị soi chiếu phát hiện dấu vết hiện trường; 5 bộ Valy phục vụ công tác điều tra tại hiện trường; 3 bộ Valy phục vụ thu dấu vết đường vân; 3 thiết bị thu thập dấu vết sinh học và dấu vết máu; 3 nguồn sáng di động để phát hiện dấu vết ẩn tại hiện trường; còng số 8, các hệ thống trói, khóa, dùi cui điện, các phương tiện khác để đảm bảo an toàn cuộc bắt khám xét; 1 phần mềm xây dựng đặc điểm dạng người thông qua lời khai của bị hại, người biết việc…

Công tác nghiên cứu khoa học cũng được Khoa ANĐT quan tâm, chú trọng thực hiện. Các giảng viên trong đơn vị đã chủ trì và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở. Phối hợp với các Cục nghiệp vụ, các tỉnh triển khai nghiên cứu các đề tài có ý nghĩa về thực tiễn và lý luận, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra tại địa phương, góp phần từng bước hoàn thiện, phát triển lý luận nghiệp vụ ANĐT.

Tính từ năm 2013 đến nay, các giảng viên của Khoa đã chủ trì nghiên cứu và nghiệm thu 03 đề tài khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh đều đạt loại xuất sắc; nghiên cứu và nghiệm thu 22 đề tài khoa học cấp cơ sở đạt loại xuất sắc; tham gia nghiên cứu 3 đề tài cấp Nhà nước, nhiều đề tài cấp Bộ cùng với các đơn vị thuộc Bộ Công an. Giảng viên của đơn vị cũng đã viết, đăng hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài ngành Công an. Khoa cũng đã tham gia biên soạn Tổng tập Nghiệp vụ an ninh tổng kết toàn bộ lý luận về nghiệp vụ An ninh điều tra. Đồng thời, Khoa ANĐT còn tham mưu tổ chức và chủ trì thực hiện 1 Hội thảo quốc tế: “Điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; 1 Hội thảo cấp Hội đồng: “Công tác điều tra hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”; 2 Hội thảo cấp Học viện: “Điều tra hình sự của lực lượng An ninh - Lý luận, thực tiễn và công tác đào tạo”, “Dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự”.

Các giảng viên Khoa ANĐT còn tích cực tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học thực hiện đề tài luận án, luận văn, học viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Trong 10 năm gần đây, Khoa đã hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ, 75 học viên cao học bảo vệ thành công Luận văn thạc sĩ. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của học viên do giảng viên của Khoa hướng dẫn đã đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Công an tổ chức. Kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học, các cuộc Hội thảo, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đã cung cấp những luận cứ khoa học để tham mưu chiến lược với Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an ban hành các đề án, chỉ thị, quyết định về công tác Điều tra hình sự, cũng như kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

Để ghi nhận sự cố gắng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa ANĐT, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã trao tặng Khoa ANĐT nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Từ năm học 2012 – 2013 đến nay, Khoa ANĐT liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, trong đó có 5 lần được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an, 1 lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 2 lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương...

Với những thành tích đó, năm 2018 Khoa ANĐT đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập đơn vị, ngày 22 tháng 9 năm 2023 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1065/QĐ_CTN tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Khoa ANĐT đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2022 - 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều giảng viên của Khoa được phong tặng các danh hiệu cao quý như Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Phó Giáo sư.

Trong thời gian tới, lực lượng CAND sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Khoa ANĐT cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; tăng cường áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học, phát huy tư duy sáng tạo, chủ động của học viên, nâng cao khả năng tiếp cận và giải quyết các tình huống nghiệp vụ phát sinh trong thực tiễn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học; đảm nhận và giải quyết các yêu cầu nghiên cứu cấp thiết từ thực tiễn, hướng đến thực hiện những dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao để nâng cao hiệu quả công tác điều tra trên thực tiễn. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực trình độ nghiệp vụ cho giảng viên có thể tăng cường cho các đơn vị thực tiễn khi có yêu cầu, tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Tăng cường hơn nữa việc chuyển đổi số trong công tác quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học.

Với 55 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa ANĐT - Học viện ANND đã không ngừng phát triển, luôn xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong đào tạo, nghiên cứu khoa học về Điều tra hình sự của Ngành Công an.

Đại tá, PGS.TS Trần Tuấn Tú (Trưởng Khoa An ninh điều tra, Học viện ANND)
.
.