Cách làm hay trong triển khai đề án 06 tại Nghệ An

Gỡ khó để sớm mang tiện ích đến với mọi người dân (Bài cuối)

Thứ Bảy, 19/11/2022, 08:35

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân không đồng đều, đặc biệt tại 11 huyện miền núi, biên giới, do đó, việc ứng dụng phần mềm trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân đang còn thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính, do đó, việc người dân nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trong một số lĩnh vực còn hạn chế.

Nhận diện những khó khăn, vướng mắc

Hạ tầng trang thiết bị (máy tính, máy in, máy Scan) tại nhiều đơn vị cấp xã còn thiếu, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai công tác đăng ký cư trú, làm sạch dữ liệu dân cư và tiếp nhận thông qua Cổng dịch vụ công. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ vừa qua, các trang thiết bị tại một số đơn vị cấp xã đã bị ngập nước, vùi lấp. Điển hình như trong đợt lũ quét do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tại huyện Kỳ Sơn, trụ sở Công an xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã bị ảnh hưởng của sạt lở núi và lũ quét, toàn bộ tài sản, trang thiết bị bị ngập nước và vùi lấp, thiệt hại nghiêm trọng.

Hiện Công an huyện Kỳ Sơn đã huy động một số thiết bị từ các đơn vị khác đến để hỗ trợ Công an xã Tà Cạ thực hiện nhiệm vụ. Quá trình thực hiện, đường truyền dữ liệu thường xuyên không ổn định, thậm chí nhiều thời điểm mất đường truyền, dẫn đến người dân không khai báo và cán bộ không xử lý được các thủ tục dịch vụ công.

fddd5382-2eb3-41d2-bbd6-72b01f739118.jpeg -0
Lãnh đạo các sở, ngành báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, tiến độ triển khai các nhiệm vụ trong Đề án 06.

Phần lớn người lao động sử dụng điện thoại thông thường nên việc đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chuyển đổi số. Phần mềm VneID còn có nhiều bước phức tạp, người dân khó thao tác (đặc biệt tại bước 2 quét nhận diện khuôn mặt). Đối với định danh điện tử mức 2, hiện nay việc phê duyệt và gửi tin nhắn kích hoạt kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng đến tâm lý sử dụng tài khoản định danh điện tử của người dân.

Việc người dân đang sử dụng sim điện thoại không chính chủ còn nhiều đã ảnh hưởng đến việc tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công. Ngoài ra việc đồng bộ giữa chứng minh nhân dân đã đăng ký của người dân đối với thuê bao di động và việc các dữ liệu chuyên ngành đã được tích hợp số CCCD không đồng bộ nên việc tạo tài khoản để nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia không thực hiện được.

Việc sử dụng CCCD gắn chip để khám chữa bệnh còn gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Mã vạch in trên CCCD chưa đồng bộ với thiết bị quét mã QR tại cơ sở khám chữa bệnh, dẫn đến khi quét mã QR thì máy không nhận được, các cơ sở y tế phải nhập lại bằng tay vào hệ thống để kiểm tra; còn nhiều thẻ CCCD chưa tích hợp thông tin BHYT (hiện BHXH tỉnh đang tập trung đồng bộ số ĐDCN/CCCD với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi Khám chữa bệnh bằng CCCD, đã đạt tỷ lệ 51%).

Ngoài ra, một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của Đề án 06; còn có tư tưởng coi Đề án 06 là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an, do đó quyết tâm chính trị chưa cao, chỉ đạo thiếu quyết liệt; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Đề án 06; một số sở, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể dẫn đến các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp dưới còn lúng túng, bị động trong quá trình triển khai thực hiện.

Công tác tuyên truyền còn có mặt tồn tại, hạn chế. Nhiều bộ phận tiếp dân và trả kết quả từ cấp huyện đến xã chưa chủ động hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công để người dân tìm hiểu, sử dụng. Đối với dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến còn rất thấp, toàn tỉnh chỉ đạt tỷ lệ 5,62%. Việc thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu theo nội dung nhiệm vụ chỉ đạo của các sở, ngành còn chậm…

Tiếp tục tinh thần quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả…

Nhằm nâng cao kết quả triển khai Đề án 06, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương và giao tiến độ hoàn thành đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Kết quả thực hiện Đề án 06 là một tiêu chí quan trọng để đánh giá quyết định danh hiệu thi đua của các cơ quan, đơn vị và cá nhân Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hằng năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, Tổ trưởng Tổ triển khai Đề án 06 tại Nghệ An cho biết, Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước hình thành và phát triển xã hội số, nền kinh tế số và chính quyền số, đối tượng thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp rất nhiều, tạo thuận lợi và người dân trong thực hiện dịch vụ công, giúp việc hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch hơn. Tuy nhiên, do Đề án có nội dung lớn, ngay từ đầu năm, tỉnh ban hành kế hoạch với 41 nhiệm vụ, cho 16 sở, ban, ngành và kế hoạch triển khai thí điểm ở 2 địa phương, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của đề án cũng đạt kết quả cao như cấp mới CCCD, làm sạch dữ liệu tiêm chủng, dịch vụ công...

Nói về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đồng chí đứng đầu các sở, ngành, địa phương tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện theo tinh thần quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu trong năm 2022, như: quán triệt, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nêu cao trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong thực hiện đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VneID phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, đặc biệt thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 trong năm 2022. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền đến người thân, gia đình, bạn bè và người dân nơi cư trú hiểu và cùng tham gia thực hiện.

Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương pháp, xem đây là biện pháp ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ các dịch vụ công thiết yếu phải đạt tỷ lệ tối thiểu 50% trở lên; các dịch vụ công khác phải đạt mức từ 20% trở lên. Tiếp tục thực hiện, hoàn thành công tác số hóa và làm sạch thông tin, dữ liệu. Các sở, ngành: Tư pháp, LĐ-TB&XH; TN&MT; BHXH tỉnh chủ động, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu trong việc huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, đảm bảo điều kiện để có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ số hóa và làm sạch dữ liệu của các ngành bảo đảm tiến độ đề ra.

Đối với Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực Đề án 06 tỉnh; phối hợp Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, nắm sát tình hình, kết quả; báo cáo định kỳ 15 ngày 1 lần tiến độ thực hiện cho Tổ công tác tỉnh để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh trực tiếp kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, chỉ rõ đơn vị, địa phương nào thực hiện thiếu quyết liệt, kết quả, tiến độ chậm để kịp thời chỉ đạo, xử lý.

Từ nay đến hết năm 2022 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, tỉnh Nghệ An đang tập trung cao độ để huy động tối đa nguồn lực, khắc phục khó khăn và triển khai thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành xuất sắc Đề án 06 trên địa bàn.

Hải Việt
.
.