Hiệu quả từ sự phối hợp triển khai các mô hình thực hiện Đề án 06

Thứ Hai, 03/07/2023, 06:05

Sau 2 tháng triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06) giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ Công an đã mang lại hiệu quả cao.

Tại cuộc họp giao ban về triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án 06 giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) vào cuối tháng 6/2023, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, Đề án 06 với những tiện ích được ứng dụng, phát triển từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, hệ thống định danh và xác thực điện tử giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính thủ công sang phương thức điện tử. Qua đó, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, đô thị thông minh (Hue-S) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

de-an1-2.jpg -0
Việc đăng ký thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại Bệnh viện Trung ương Huế tạo thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà.

Xác định vai trò và giá trị mà Đề án 06 mang lại, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các tiện ích của Đề án 06 sớm đi vào cuộc sống. Trong đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã ban hành kế hoạch phối hợp với Bộ Công an triển khai 24 mô hình Đề án 06. Qua triển khai thực hiện, các mô hình đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 1.085.755 hồ sơ cấp CCCD gắn chip. Tổng số hồ sơ định danh điện tử đã thu nhận 406.208 hồ sơ (đạt 37,80% so với tổng dân số trên 14 tuổi); số tài khoản định danh đã được kích hoạt là 111.280 tài khoản. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai cho Tổ công nghệ số cộng đồng thu thập địa chỉ số.

Điều đáng quý, với sự nỗ lực của lực lượng Công an xã và các cơ quan, đoàn thể; Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện vùng xa đã thu thập địa chỉ số đạt tỷ lệ cao. Trong đó, huyện Quảng Điền thu thập 24.000 địa chỉ số (đạt tỷ lệ 100%); huyện Phong Điền thu thập hơn 23.000 địa chỉ số... Đến nay, đã tạo lập 33.000 ví điện tử Hue-S, 650 điểm chấp nhận thanh toán điện tử trên toàn tỉnh.

Căn cứ vào nội dung ký kết giữa UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ Công an, từ ngày 1/6/2023, tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài cũng đã triển khai thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thay thế CCCD làm các thủ tục bay. Ngoài ra, đã triển khai thực hiện mô hình kiểu mẫu thực hiện Đề án 06 tại Chung cư Xuân Phú (TP Huế) và đang triển khai nhân rộng tại các khu chung cư, khu đô thị mới trên địa bàn.

Đặc biệt, giữa tháng 6/2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức thí điểm thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đây chính là kết quả phối hợp mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh và triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà khách, nhà công vụ. Hiện, có 15 cơ sở kinh doanh lưu trú và 3 cơ sở khám chữa bệnh triển khai thí điểm thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM và dự kiến đầu tháng 7/2023, sẽ triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM được kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo dữ liệu cá nhân được bảo mật, thông tin lưu trú được cập nhật, đồng bộ liên tục lên hệ thống, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phục vụ đảm bảo ANTT và công tác quản lý nhà nước của ngành du lịch, y tế. Phần mềm được tích hợp các tiện ích giúp cơ sở kinh doanh lưu trú, bệnh viện giảm thời gian nhập liệu các thông tin khách lưu trú, bệnh nhân và cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi đến cơ quan Công an một cách nhanh chóng và kịp thời.

“Việc ứng dụng khai báo lưu trú qua phần mềm ASM là một bước đột phá mới trong công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh trong công việc quản lý và thực hiện nghĩa vụ thông báo lưu trú trong cùng một ứng dụng duy nhất, quy trình tiếp nhận thông tin khách hàng nhanh chóng, thuận tiện, chính xác... giúp giảm thời gian, nhân lực, kinh tế, đảm bảo an ninh, an toàn”, Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay.

Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 137/141 xã, phường, thị trấn đã triển khai phương thức chi trả điện tử cho đối tượng bảo trợ xã hội, đạt tỷ lệ 97,16%. Toàn tỉnh có 186/187 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 115.225 lượt tra cứu. Căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình, chỉ đạo Công an các địa phương tiến hành rà soát các cơ sở lưu trú trên địa bàn, làm sạch dữ liệu cơ sở kinh doanh lưu trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã cập nhật và làm sạch dữ liệu 1.252 cơ sở lưu trú trên hệ thống (ký túc xá sinh viên: 145 cơ sở; nhà ngăn phòng cho thuê: 171 nhà; cơ sở kinh doanh lưu trú: 791 cơ sở; cơ sở khám chữa bệnh: 145 cơ sở). Lập danh sách, báo cáo Cục C06 cấp tài khoản, phân quyền sử dụng phần mềm ASM cho 713 cơ sở…

“Kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ Công an đã chỉ rõ các mô hình cần tập trung thực hiện. Đây chính là những mô hình có tính thực tiễn, tính ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử nhằm chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và mang lại những tiện ích, những giá trị to lớn cho công dân và doanh nghiệp trên địa bàn”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Hải Lan
.
.