Hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử

Thứ Bảy, 03/02/2024, 11:09

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Theo Bộ Công an, ngày 27/11/2023, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Nội dung Luật Căn cước có quy định căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Tại khoản 5 Điều 31 Luật Căn cước quy định “Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử”. Tại khoản 5 Điều 34 Luật Căn cước quy định “Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử”. Luật Căn cước có quy định về việc cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Do vậy cần bổ sung quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử cho phù hợp với quy định của Luật Căn cước.

Hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử -0
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2022/NĐ-CP phù hợp với quy định của Luật Căn cước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần thiết.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Đồng thời, triển khai các tiện ích trên ứng dụng định danh quốc gia (VneID) vượt chỉ tiêu đề ra. Về cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, ngày 16/01/2024, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 170/QĐ-BCA cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử cho Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước (là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phục vụ triển khai Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia, hướng tới cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bước đầu, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước đã triển khai thí điểm các dịch vụ về xác thực điện tử như: Tích hợp ví điện tử, mở tài khoản thanh toán, chữ ký số, an sinh xã hội, lý lịch tư pháp, thuê bao di động.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác cấp, quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử, cung cấp dịch vụ xác thực điện tử đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn, hướng dẫn thi hành nội dung theo quy định của Luật Căn cước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay, theo Bộ Công an, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Từ các căn cứ nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2022/NĐ-CP cho phù hợp với quy định của Luật Căn cước năm 2023 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn là cần thiết.

Cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1 không quá 1 ngày

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 37 điều quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến định danh và xác thực điện tử.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1, căn cước điện tử đối với công dân Việt Nam, người nước ngoài, tổ chức. Về thời hạn giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử, căn cước điện tử, dự thảo Nghị định quy định, đối với trường hợp công dân Việt Nam đã có thẻ căn cước không quá 1 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1; không quá 3 ngày làm việc với trường hợp cấp căn cước điện tử. Đối với trường hợp công dân Việt Nam chưa có thẻ căn cước, thời gian là không quá 7 ngày làm việc; đối với người nước ngoài, không quá 1 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1; không quá 3 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đã có thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; không quá 7 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 nhưng chưa có thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Về kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử, căn cước điện tử, chủ thể danh tính điện tử thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử, căn cước điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả cấp tài khoản định danh điện tử, căn cước điện tử. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an có thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam, tài khoản định danh điện tử của người nước ngoài, của tổ chức, quyết định khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử.

Về dịch vụ xác thực điện tử, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử; hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử; cấp lại, thay đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử; thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử. Về chi phí cấp tài khoản định danh điện tử và sử dụng dịch vụ xác thực điện tử, dự thảo Nghị định quy định, chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, người nước ngoài không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xác thực điện tử thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo thỏa thuận...

Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (31/1/2024).

Nguyễn Hương
.
.