Học tập "Sáu điều Bác dạy CAND" tại ngôi trường vinh dự được Bác Hồ nhiều lần về thăm

Thứ Bảy, 20/05/2023, 07:10

75 năm qua, việc học tập và thực hiện "Sáu điều Bác Hồ dạy CAND" đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn trong toàn lực lượng CAND nói chung và Học viện An ninh nhân dân (ANND) nói riêng.

Phong trào đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trong các phong trào thi đua trên từng lĩnh vực công tác của học viện, lan toả sâu rộng trong toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên. Từ phong trào đã có nhiều gương điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng; nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn học viện.

z4211547964428_8b510305f53b088f78635833eed657c6.jpg -0
Cán bộ, giảng viên Học viện ANND về nguồn tại Khu di tích Kim Liên, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoạ.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều cán bộ, giảng viên Học viện ANND cho rằng, cá nhân họ luôn cảm thấy vinh dự, tự hào vì đã được học tập, làm việc ở ngôi trường được Bác Hồ 8 lần đến thăm và nói chuyện. Những lời huấn thị cùng với Sáu điều Bác Hồ dạy về "Tư cách người Công an cách mệnh" là tư tưởng giáo dục sâu sắc, là định hướng trong mọi hoạt động giáo dục, đào tạo của học viện, đồng thời cũng là cội nguồn sức mạnh để mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên Học viện ANND phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Đại tá, PGS.TS Hoàng Minh Tuấn, Trưởng Khoa An ninh xã hội, Học viện ANND, một trong những cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" giai đoạn 2018-2023 cho biết: Quán triệt lời dạy của Bác Hồ đối với công việc, bản thân anh đã xác định rõ 3 vấn đề cốt lõi là học tập, quyết tâm thực hiện, làm theo và gương mẫu đi đầu.

Vấn đề thứ nhất là xác định việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, trong đó có lời dạy đối với công việc trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày, thành lối sống, nếp nghĩ của bản thân trong thực hiện chỉ tiêu công tác chuyên môn cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thứ hai là quyết tâm thực hiện, làm theo lời Bác dạy, bản thân anh cũng phải thường xuyên "tự soi, tự sửa", tự tu dưỡng và rèn luyện, luôn phải tự mình quán triệt sâu sắc và cũng tự mình phải nỗ lực cao nhất để thực hiện lời Bác dạy. Thứ ba là thực hiện lời Bác dạy phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, trách nhiệm nêu gương; xác định lấy lợi ích của tập thể là trên hết, trước hết, thành công của bản thân là đóng góp vào thành tích chung của học viện.

 Đại tá, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Mơ, Trưởng Khoa Quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (QLNN về ANTT), Học viện ANND cho biết: Với vai trò, vị trí của người lãnh đạo, đứng đầu đơn vị, trong những năm qua, chị luôn nỗ lực, trăn trở cùng tập thể cấp uỷ, ban lãnh đạo đơn vị đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, xây dựng, phát triển khoa học ngành QLNN về ANTT, gắn công tác chuyên môn với việc phát động, duy trì, thúc đẩy phong trào "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" trong đơn vị.

Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, bản thân chị luôn chú trọng kết hợp giữa phân công, giao việc với đôn đốc kiểm tra, động viên, hướng dẫn để kịp thời phát hiện, định hướng , giúp cán bộ, giảng viên giải quyết các vấn đề khó trong quá trình nghiên cứu khoa học. Đồng thời, với vai trò của nhà khoa học và người lãnh đạo, chị cũng luôn đi đầu trong việc đảm nhận những khâu khó, các nhiệm vụ trọng tâm trong nghiên cứu khoa học, trong công tác chuyên môn để phát triển ngành QLNN về ANTT. Nhờ đó, tạo niềm tin và động lực để cổ vũ cán bộ, giảng viên tích cực vượt qua các khó khăn để thực thi nhiệm vụ.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Khoa Luật, Học viện ANND cũng cho rằng: Trong Sáu điều Bác Hồ dạy CAND Việt Nam, Bác đặt đạo đức lên hàng đầu. Bốn đức để làm người là "cần, kiệm, liêm, chính" cũng là chuẩn mực về phẩm giá, nhân cách của người cách mạng nói chung, người chiến sĩ CAND nói riêng. Nhận thức rõ điều này, việc rèn đức làm người của giảng viên là hoạt động luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ, lãnh đạo Khoa Luật, để từ đó tập thể Khoa Luật cùng hành động nhằm thực hiện nhiệm vụ cụ thể mà đơn vị đăng ký hàng năm.

Học viên Nguyễn Anh Quân, học viên lớp B11, Khoá D52, Học viện ANND chia sẻ: Là học viên Học viện ANND, bản thân em luôn quán triệt lời dạy của Bác Hồ có ý nghĩa hết sức sâu sắc, kể cả trong quá trình rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống và trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động phong trào. Từ đó, phát huy tinh thần xung kích trong thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo "Sáu điều Bác Hồ dạy CAND" gắn với các phong trào thi đua do nhà trường phát động.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Hưởng ứng phong trào "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" do Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an phát động, Học viện ANND nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc phát động phong trào này tới toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên trong học viện. Đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, gắn chặt với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; góp phần xây dựng Đảng bộ và học viện trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an giao phó.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Anh Vũ, với truyền thống vẻ vang 77 năm xây dựng và phát triển của Học viện ANND, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong thực hiện phong trào, toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên Học viện ANND sẽ ra sức phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác chuyên môn từng năm học. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa phong trào "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" trong các phong trào thi đua cụ thể trên từng lĩnh vực công tác trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác; phấn đấu xây dựng Học viện ANND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia vào năm 2025, tầm nhìn 2030 đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Huyền Thanh
.
.