Khói hương Thành cổ

Thứ Bảy, 30/04/2022, 11:46

Mảnh đất nhỏ bé Thành cổ Quảng Trị đã được thế giới biết đến; bởi nơi đây, mùa hè năm 1972, giặc đã trút xuống một lượng bom đạn khổng lồ, nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước, chiến đấu can trường vì khát vọng hòa bình của con người Việt Nam.

Ngày nay, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc thường viếng thăm Thành cổ Quảng Trị, nhất là trong các dịp lễ, Tết; thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do ...

Trong kí ức của những người trong cuộc, nốt trầm khúc tráng ca Thành cổ được viết nên bởi máu đỏ của hàng vạn người dân yêu nước nơi mảnh đất này. Người cựu chiến binh già, nhà báo Lê Bá Dương, chiến sĩ Trung đoàn 27 đánh trận Thành cổ nhớ lại, vào ngày 28/6/1972, giặc Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72” tái chiếm Thành cổ Quảng Trị. Từ giờ phút ấy, cuộc chiến đấu liên tục 81 ngày đêm can trường của Bộ đội Cụ Hồ - những người lính áo vải, mũ tai bèo quả cảm với cuộc chiến không cân sức về khí tài và lực lượng trong lòng Thành cổ bắt đầu.

Và, chỉ trong vòng 81 ngày đêm, một thị xã nhỏ bé chưa đầy 3km2 đã phải hứng chịu 328 ngàn tấn bom đạn, tương đương 7 quả bom nguyên tử do Mỹ  ném xuống Hiroshima và Nagasaki - Nhật Bản trong thế chiến thứ II. Thế nhưng sức mạnh bom đạn của địch đã không thể nào đánh lùi được ý chí, sự can trường của những con người bằng xương, bằng thịt, yêu chuộng hòa bình và công lý.

bai-db-khoi-huong-thanh-co-2.jpg -0
Cán bộ chiến sĩ Báo CAND thả hoa trên dòng Thạch Hãn, tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Nhà báo Lê Bá Dương rưng rưng kể lại: “Vào sáng 17/7/1972, khi chúng tôi đang giữ làng Ngô Xá Tây nằm về phía Đông Thành cổ thì địch với lực lượng rất đông tiến quân đến đánh chiếm. Đáng nói, trước chúng là hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị bắt làm lá chắn. Các chiến sĩ của ta nhìn chỉ huy rồi lại nhìn nhau, không ai bảo ai nhưng tất cả hiểu rằng: “Bằng mọi cách phải bảo vệ dân ”. Một lúc sau khi địch đã áp sát, bất ngờ trong đoàn dân một phụ nữ tầm tuổi trung niên bỗng xoay người ấn đứa con nhỏ vào tay một phụ lão đứng sau mình rồi chạy vượt lên trước hô to: “Giải phóng ơi bắn đi, đừng cho chúng cướp làng…”.  Một loạt AR15 cắt ngang tiếng thét của chị. Chị lảo đảo gục xuống trong tư thế hai tay dang rộng chặn đường địch”.

Giọng người lính già Lê Bá Dương chùng xuống, nghẹn lại một lúc rồi kể tiếp: “Khi bộ đội chưa kịp xông lên để yểm trợ thì bà con với hàng trăm người đã ào lên trước, xô dạt bọn địch mặc cho chúng thi nhau đâm lê, nổ súng. Trận đánh giằng co, đến tối mịt thì toán lính địch cuối cùng tháo chạy. Anh em chúng tôi tỏa nhau đi tìm, gom thi thể bà con mang đi chôn cất”…

50 năm trôi qua, trong kí ức những người từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ, với họ đó là 81 ngày đêm nhật ký của cuộc đời không thể nào quên. Những con người áo vải, mũ tai bèo đã chứng minh cho nhân loại rằng, chiến thắng không thuộc về cái ác, về sức mạnh bạo tàn, mà thuộc về chính nghĩa và nhân loại yêu chuộng hòa bình.

Ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1946), một cựu chiến binh Thành cổ tâm sự: “Tôi sinh ra, lớn lên ở đây. Năm 1972, tôi 26 tuổi, là bộ đội địa phương, tham gia trọn cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khi đất nước hoà bình, tôi trở lại làm nông dân. Với tôi, có trải qua chiến tranh, sự sống như hạt gạo trên sàng, mới hiểu hết và quý trọng giá trị của hoà bình. Vì thế, mấy chục năm qua, khi còn sức khoẻ tôi luôn tâm nguyện phải làm việc hết mình. Những gì mình làm ra không chỉ để phục vụ bản thân, gia đình và người thân, mà còn góp phần nhỏ phục vụ xã hội, nhất là hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, người dân chúng tôi rất chú trọng việc hương khói cho các Anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi luôn làm việc đó một cách thành tâm, trang nghiêm và ấm áp. Những mâm cơm là những sản vật làm ra từ đất đai hương hỏa của tổ tiên, như con cá, đĩa tôm đồng, bát canh rau xanh mướt, hay ly rượu trắng ngần nấu từ hạt gạo đồng đất mặn mà phù sa của dòng Thạch Hãn, cùng nén hương thơm thắp lên vái vọng, thỉnh mời anh linh các chiến sĩ, đồng bào hy sinh về dự hưởng, vui vẻ, đầm ấm, thiêng liêng như từng cùng nhau ăn cơm uống nước, sẻ chia với nhau từng củ khoai, hạt gạo trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm”…

Ngược dòng lịch sử, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long, đã lập dinh Quảng Trị tại làng Tiền Kiên. Đến năm 1809, dinh được dời tới đóng tại làng Thạch Hãn, sau này là thị xã Quảng Trị. Thị xã này vì thế được tính thời gian thành lập từ năm 1809… Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với cả nước, nhân dân thị xã Quảng Trị đã đứng lên khởi nghĩa, không tiếc hy sinh máu xương để đánh đuổi giặc thù, giành lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị tự hào ôn lại 50 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ, 47 năm giải phóng đất nước và công cuộc tái thiết, phát triển quê hương: “Sau giải phóng, nhân dân thị xã Quảng Trị trở về với hai bàn tay trắng; nhà cửa, phố phường tan hoang; tài sản duy nhất bà con có là khát vọng và niềm tin. Thế rồi, bằng chính khát vọng và niềm tin ấy, một đô thị trẻ đã hình thành trên mảnh đất này. Đến hôm nay, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và khang trang; hàng chục ngôi trường, trạm y tế, bệnh viện, chợ được đầu tư xây mới, đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Hơn 95% nhà cửa được xây dựng kiên cố; thu nhập bình quân đầu người đạt 40-45 triệu đồng/người/năm”...

thuyen-thach-han.jpg -0
Bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Bên cạnh phát triển kinh tế-xã hội, người dân thị xã Quảng Trị luôn chú trọng thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; học tập, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương. Đặc biệt, vào tất cả ngày rằm, đầu tháng; các ngày lễ như 30/4, 27/7 và những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mọi gia đình ở đây đều chỉnh chu sắm soạn những mâm cơm, vừa ấm cúng, vừa trịnh trọng, không chỉ trên bàn thờ tổ tiên, mà còn nhiều nơi khác như trước cổng, giữa sân nhà; các ngã đường, bến sông; ở Đài tưởng niệm; trong khuôn viên Di tích Thành cổ Quảng Trị; thắp lên đó những nén hương thơm bái vọng cầu mong anh linh các Anh hùng liệt sĩ về dự hưởng; thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn những người con vì Tổ quốc thân yêu, vì hoà bình, độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, nằm lại trên mảnh đất này.

Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị tâm sự rằng, có lẽ ít nơi nào như ở thị xã Quảng Trị, khách đến viếng Thành cổ, sau dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm, từng đoàn người toả ra 2 bến sông để tiếp tục thả xuống dòng sông Thạch Hãn những đoá hoa đăng, những vòng hoa tươi thắm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đối với người dân sống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và thị xã Quảng Trị nói riêng, việc thờ cúng, chăm sóc hương khói cho các Anh hùng liệt sĩ được tổ chức chu đáo, ấm cúng quanh năm.

Hằng năm, nhất là vào các ngày lễ trọng đại của đất nước, như 30/4, 27/7 và Tết cổ truyền của dân tộc, ngành CAND từ Trung ương đến các địa phương đều tổ chức chu đáo các cuộc thăm viếng, hành hương về nguồn tại Thành cổ Quảng Trị để vừa tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất, vừa tham quan, học tập, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng. Riêng với Báo CAND và Văn phòng thường trú Báo CAND khu vực miền Trung, hằng năm đều có những cuộc hành hương về Thành cổ Quảng Trị, tổ chức các buổi trao quà hỗ trợ những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Phan Thanh Bình
.
.