Khởi sắc làng Mường dưới chân núi Bạch Mã

Thứ Sáu, 18/08/2023, 07:40

Cách đây gần 30 năm, một số hộ dân là đồng bào dân tộc Mường ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập (Phú Thọ) đã tìm đến vùng đất nằm dưới chân núi Bạch Mã thuộc thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (ThừaThiên-Huế) để tìm kế mưu sinh, lập nghiệp. Được sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và lực lượng Công an cơ sở, đến nay cuộc sống của người dân làng người Mường ở vùng đất mới đã có nhiều khởi sắc.

Từ trung tâm xã Lộc Trì, men theo con đường bê tông qua nhiều đoạn dốc, PV Báo CAND tìm đến làng người Mường dưới chân núi Bạch Mã vào một ngày trung tuần tháng 8/2023. Hai bên đường là những cánh rừng keo lá tràm và vườn cây ăn quả được các hộ dân đồng bào dân tộc Mường chăm sóc phủ màu xanh ngát cả một vùng rộng lớn.

Được Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Phó trưởng Công an xã Lộc Trì và Thượng úy Hồ Đình Thọ, cán bộ Công an xã dẫn đường, chúng tôi ghé đến căn nhà của ông Hà Xuân Lâm nằm giữa rừng cây ăn quả xanh tươi. Nghe tiếng xe máy chạy vào cổng, ông Lâm niềm nở:“Chào cán bộ Chung, cán bộ Thọ đến nhà!”. Nói rồi ông Lâm đon đả pha trà mời khách.

Trang 30 ĐB: Khởi sắc làng Mường dưới chân núi Bạch Mã -0
Một góc làng người Mường nằm dưới chân núi Bạch Mã.

Khi được hỏi về buổi ban đầu đến vùng đất mới nơi đây lập nghiệp, ông Lâm hướng ánh mắt nhìn ra vườn cây và bồi hồi kể, năm 1993,ông và một số người Mường ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lặn lội vào Huế, sau đó lên vùng Bạch Mã để làm rừng và tìm trầm. “Thấy mảnh đất nơi đây rộng lớn, cây cối xanh tốt, khí hậu quanh năm mát mẻ lại ít người sinh sống nên sau 2 năm bám rừng Bạch Mã, tôi quyết định trở về quê hương để đưa vợ và 5 người con vào vùng Rẫy Làng thuộc thôn Khe Su, xã Lộc Trì dựng nhà tạm sinh sống với mong ước con cháu sau này sẽ được đổi đời”, ông Lâm nhớ lại.

Và đất không phụ lòng người!. Nhờ cần mẫn khai hoang, trồng cây gây rừng dưới chân núi Bạch Mã nên ông Lâm và vợ là Đinh Thị Toàn dần gây dựng cho mình một cơ ngơi kinh tế ổn định. Sau nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vợ chồng ông Lâm đã có trong tay hơn 1 mẫu ruộng, 2 ha trồng cao su và keo lá tràm. Tận dụng diện tích đất xung quanh vườn nhà, vợ chồng ông Lâm còn trồng hàng chục gốc bưởi và thanh trà đến nay cho quả trĩu cành. Theo chân ông Lâm, nhiều hộ dân người Mường ở xã Phúc Khánh cũng đã vượt gần 1.000 cây số để vào Huế. Từ vài ba căn nhà tạm ở Rẫy Làng, giờ đây có đến 14 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mường an cư dưới chân núi Bạch Mã. Là người có uy tín, được bà con người Mường tin tưởng nên ông Hà Xuân Lâm còn được Công an xã Lộc Trì tín nhiệm giao làm Công an viên ở thôn Khe Su.

Ngoài gia đình ông Lâm, vợ chồng ông Đinh Văn Giáp – một người dân tộc Mường ở thôn Khe Su cũng được nhiều người biết đến là người “dám nghĩ dám làm”, mạnh dạn vay vốn để đầu tư chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng rừng keo tràm. Đến nay gia đình ông Giáp có trong tay 3 ha rừng, đàn trâu bò hơn 30 con.“Những ngày đầu đến vùng đất mới, cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vất vả khi đường sá đi lại khó khăn, điện, nước đều thiếu thốn, nhiều con em không có điều kiện đến trường học tập nên bị mù chữ”, ông Giáp kể. Tuy nhiên từ năm 2000 đến nay, cuộc sống của người Mường ở vùng đất nơi đây dần đổi thay từng ngày khi người dân chú trọng trồng rừng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đơn vị, tổ chức nên con đường bê tông đã nối dài từ trung tâm xã lên đến vùng Rẫy Làng, điện và nước sạch đều được kéo đến tận nhà dân. Con em được đến trường học chữ, học văn hóa nên tiến bộ rõ rệt và đã có nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Riêng ông Giáp có 2 con út đang theo học trường THCS và THPT với học lực giỏi nên vợ chồng ông đang cố gắng lao động để nuôi các con học đến đại học.

Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Phó trưởng Công an xã Lộc Trì cho biết thêm, để giữ vững ANTT ở địa bàn xã, nhất là địa bàn thôn Khe Su, trong đó có làng người Mường sinh sống dưới chân núi Bạch Mã, thời gian qua, ngoài thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác đảm bảo ANTT địa bàn, lực lượng Công an xã còn thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền pháp luật và vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước. Qua đó nhiều hộ dân là người Mường sinh sống trên địa bàn xã đã tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, tin tưởng và cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến công tác đảm bảo ANTT. Nhiều người lớn tuổi, già yếu được cán bộ, chiến sĩ Công an xã đến tận nhà để làm thủ tục cấp CCCD. Đến nay 100% người dân đồng bào dân tộc Mường ở thôn Khe Su đều được cấp CCCD và được hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.

Đặc biệt, ngoài được hỗ trợ đất đai sản xuất, người Mường ở thôn Khe Su còn được chính quyền xã Lộc Trì tạo điều kiện, giải quyết thủ tục để cấp đất ở lâu dài, được nhập hộ khẩu. Ngoài ra mỗi gia đình còn được cấp mỗi hộ 15 triệu đồng để xây nhà tránh bão từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ. Như mới đây vào ngày 17/7 vừa qua, UBND xã Lộc Trì phối hợp với các đơn vị đã tổ chức bàn giao căn nhà tình thương cho gia đình anh Đinh Văn Tuyến, là người dân tộc Mường thuộc hộ nghèo của xã với kinh phí xây dựng hơn 100 triệu đồng, trong đó 65 triệu đồng do chính quyền địa phương vận động từ các tổ chức tài trợ, giúp gia đình anh Tuyến có chỗ ở ổn định.

Trang 30 ĐB: Khởi sắc làng Mường dưới chân núi Bạch Mã -0
Ông Hà Xuân Lâm giữa vườn cây ăn quả xanh ngát.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, kể từ khi di cư vào vùng đất dưới chân núi Bạch Mã, những hộ dân người Mường gốc từ Phú Thọ đã được chính quyền địa phương và các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó quan trọng nhất là việc cấp đất ở, đất rừng, đất ruộng để người dân có nơi ở ổn định và có điều kiện sản xuất phát triển kinh tế.

“Bên cạnh đó, nhờ các cán bộ Công an xã thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nên đồng bào dân tộc Mường ở địa bàn xã đã chấp hành nghiêm các quy định, hòa đồng, đoàn kết với người dân địa phương. Một số hộ dân thuộc diện hộ nghèo được địa phương vận động kinh phí để làm nhà ở kiên cố tránh mưa bão. Hiện các hộ dân đều xem Lộc Trì là quê hương thứ hai và nỗ lực lao động sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế để nuôi dạy con em ăn học, góp phần làm thay đổi vùng đất dưới chân núi Bạch Mã”, ông Cái Trọng Như khẳng định.

Anh Khoa
.
.