Lan tỏa mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”

Thứ Bảy, 04/11/2023, 08:34

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 10/2023, tại nhiều thôn, xã trên khắp địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra mắt mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự (ANTT)” (viết tắt là mô hình dòng họ) với nhiều tên gọi khác nhau. Sau một thời gian đi vào hoạt động và nhân rộng, mô hình dòng họ mang lại nhiều hiệu quả, nhất là trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.

Mô hình “Họ Đoàn ba quản” (họ tự quản; phái, chi, nhánh tự quản; gia đình tự quản) ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) là mô hình dòng họ đầu tiên được Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chọn lựa để làm điểm. Ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 1/2018, mô hình này đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bà con trong họ và nhân dân trong thôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong 5 năm qua, tình hình phạm pháp hình sự, hành chính trên địa bàn xã Vinh Mỹ không có người họ Đoàn vi phạm pháp luật. Ban điều hành dòng họ đã thành lập tổ hòa giải, khi gia đình, dòng họ có người lầm lỗi thì phối hợp với tổ hòa giải, cảm hóa, giáo dục.

mo-hinh.jpg -0
Công an xã Vinh Mỹ trao đổi tình hình với các bác trong Ban điều hành mô hình “Họ Đoàn ba quản” vào ngày 2/11.

Đại úy Nguyễn Duy Ninh, Phó trưởng Công an xã Vinh Mỹ phụ trách cho biết, các thành viên trong dòng họ Đoàn thường xuyên phối hợp với Công an đấu tranh, tố giác tội phạm, đã cung cấp hàng chục nguồn tin liên quan đến ANTT. Qua đó, giúp Công an xã xử lý các vụ đánh bạc bằng hình thức lô - đề, khai thác khoáng sản trái phép, gọi hỏi răn đe nhiều đối tượng vi phạm pháp luật và thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm. Đặc biệt, trong gần 25 năm nay, họ Đoàn là một điểm sáng trong phong trào xây dựng dòng họ khuyến học của tỉnh…

Đến nay, tại Thừa Thiên Huế, mô hình dòng họ đã được xây dựng khắp các huyện, thị xã, TP Huế. Có thể nói, một trong những mô hình mang đậm dấu ấn là mô hình “Họ giáo văn minh, gia đình công giáo gương mẫu” của họ giáo ở thôn Cổ Tháp, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền). Từ những kinh nghiệm quý báu của mô hình và triển khai có hiệu quả, giữa năm 2023, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo để các địa phương tham khảo, vận dụng nhân rộng… Điều đáng quý, có 4 mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” thuộc các dân tộc thiểu số ở các huyện vùng sâu, vùng xa gồm: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) hoạt động rất hiệu quả. Các mô hình này đã thu hút 3.377 hộ với 13.127 (hầu hết là người dân đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia. Thông qua mô hình dòng họ, chính quyền địa phương và Công an xã đã làm tốt tông tác tranh thủ người có uy tín, già làng, người có chức sắc trong các dân tộc thiểu số, trong các dòng họ trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).

Đặc biệt, thực hiện Đề án “Chuyển hóa tình hình ma túy tại địa bàn huyện A Lưới, tăng cường phòng ngừa ma túy xâm nhập tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn Thừa Thiên Huế”, đầu năm 2023, tại xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) ra mắt mô hình “Liên kết các dòng họ phòng, chống ma túy” có sự tham gia của 49 dòng họ gồm 1.289 hộ với 4.993 nhân khẩu đã góp phần làm cho mô hình càng phong phú về hình thức và nội dung hoạt động.

Các mô hình dòng họ được xây dựng trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và nguyện vọng các tầng lớp nhân dân trong các dòng họ nhằm bảo tồn, phát huy những truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của dân tộc, quê hương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mô hình dòng họ thực hiện các tiêu chí về công tác tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT; phòng, chống bạo lực, bạo hành gia đình; phòng, chống cháy, nổ, sự cố, thảm họa môi trường; phòng, chống tà đạo. Mỗi dòng họ tự đề ra những quy ước, quy chế, những giải pháp cụ thể…

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau một thời gian được triển khai nhân rộng đến nay, toàn tỉnh đã có 26 dòng họ tự quản (với 54 phái, 150 chi) xây dựng và duy trì hoạt động dưới nhiều tên gọi khác nhau như: “Họ ba quản”, “Dòng họ ba kỷ cương” hay “Dòng họ ba trọng”. Mô hình dòng họ đã phối hợp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở địa phương làm tốt công tác quản lý, giáo dục thành viên trong dòng họ vi phạm pháp luật hoặc có những vi phạm khác mà nay đã tiến bộ. Điển hình, có 7 thành viên của dòng họ Hồ (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc), 2 thành viên của dòng họ Trương Văn (xã Phong Hải, Phong Điền) vi phạm pháp luật, đến nay đã được giáo dục và tiến bộ. Bên cạnh đó, 9 thành viên dòng họ Trần (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) vi phạm các quy định khác, đến nay đã được giáo dục tiến bộ, không tái phạm.

Đặc biệt, mô hình dòng họ đã phối hợp, hỗ trợ Công an xã quản lý, giáo dục 18 đối tượng vi phạm pháp luật ở địa bàn dân cư, giải quyết 24 vụ, việc liên quan ANTT, 32 vụ, việc về trật tự công cộng, trật tự đô thị. Thành viên các mô hình dòng họ là lực lượng quần chúng tích cực, nhiệt tình và hỗ trợ kịp thời chính quyền, lực lượng Công an cơ sở trong công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian qua. Đồng thời, thành viên các mô hình dòng họ đã đề cao cảnh giác, phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan chức năng 143 vụ, việc liên quan ANTT, 41 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Công an huyện Phú Lộc cho biết, các dòng họ Đoàn, họ Võ Đại (huyện Phú Lộc) đã phát hiện, cung cấp cho cơ quan Công an xã, huyện 55 nguồn tin, giúp lực lượng Công an làm rõ nhiều vụ, việc...

Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, công tác xây dựng mô hình quần chúng tham gia về ANTT trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh được Ban Chỉ đạo 138, lực lượng Công an các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, nhất là trong thời gian triển khai Chương trinh mục tiêu Quốc gia xây dụng nông thôn mới. Nhờ vậy, công tác xây dựng các mô hình quần chúng tham gia về ANTT ở khu dân cư, xã, phường, thị trấn đã đạt được nhiều kết quả.

Đến nay, toàn tỉnh có 107 mô hình triển khai tại 967 khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Trong đó, có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, được nhân rộng toàn tỉnh như: “Camera an ninh”, “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản”, “Trẻ em ba không”, “Cùng em tiến bộ”… Trong đó mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” là mô hình nổi bật cùng với các mô hình khác có những đóng góp thiết thực trong công tác đảm bảo ANTT, phục vụ xây dựng nông thôn mới ở địa bàn xã, thôn trên toàn tỉnh.

Hải Lan
.
.