Phối hợp tốt để bảo vệ hiệu quả rừng vùng giáp ranh

Thứ Năm, 12/01/2023, 07:23

Để ngăn chặn tình trạng lâm tặc lợi dụng thời điểm Tết cổ truyền tăng cường các hoạt động khai thác lâm sản trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng huyện Đắk Glong và Đắk Rlấp (Đắk Nông), đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát theo quy chế phối hợp giữ hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Huyện Bảo Lâm có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp lớn, lên tới hơn 82.000ha, chiếm khoảng 56% tổng diện tích tự nhiên, bao gồm rừng đặc dụng (5.433ha), rừng phòng hộ (9.900ha) và đất rừng sản xuất (66.683ha). Diện tích rừng này hiện do 51 đơn vị chủ rừng ngoài nhà nước và 3 đơn vị chủ rừng nhà nước (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam Bri, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc) quản lý. Huyện Bảo Lâm cũng là địa phương có diện tích rừng giáp ranh rất lớn với 80km rừng tiếp giáp huyện Ðắk Glong và Ðắk Rlấp (Đắk Nông), khoảng 15km rừng giáp với huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Riêng diện tích rừng giáp ranh với các địa phương trong tỉnh dài tới 300km, tiếp giáp với TP Bảo Lộc, huyện Di Linh, Cát Tiên, Ðạ Tẻh và Ðạ Huoai. Diện tích rừng giáp ranh lớn, địa bàn trải dài trên địa hình phức tạp, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Bảo Lâm gặp không ít khó khăn.

Thực tế, tại huyện Bảo Lâm đã từng xảy ra những vụ khai thác gỗ rừng trái pháp luật, gây thiệt hại lớn về lâm sản. Điển hình là tháng 7/2016, tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã mật phục, bất ngờ ập vào lán trại của các đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 5, thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm.

Phối hợp tốt để bảo vệ hiệu quả rừng vùng giáp ranh -0
Lực lượng chức năng tuần tra rừng giáp ranh tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng.

Vụ khai thác gỗ do đối tượng Lê Hồng Hà (quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), tức Hà “đen” cầm đầu đã gây thiệt hại khoảng 1.200m3 gỗ các loại, trong đó có nhiều loại gỗ quý hiếm. Sau đó, Hà “đen” và các đối tượng liên quan đã bị lực lượng Công an bắt giữ, khởi tố. Nhóm “lâm tặc” này bị TAND huyện Bảo Lâm tuyên phạt từ 18 tháng tới 6 năm tù. Sau vụ án trên, bài học về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông đã được cơ quan chức năng rút ra với nhiều lỗ hổng cần phải khắc phục.

Ngay trong năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đắk Nông cũng như UBND các huyện vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh đã khẩn trương xây dựng quy chế, kế hoạch phối hợp, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Từ đó, những kẽ hổng trong công tác bảo vệ rừng giữa hai tỉnh đã được bịt kín, trách nhiệm của lực lượng chức năng hai bên ngày càng được phân định rõ ràng, có sự phối hợp nhịp nhàng trong xử lý công việc. Nếu như trước đây, khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng phá rừng phía tỉnh Lâm Đồng thường chạy trốn sang địa phận tỉnh Đắk Nông hoặc ngược lại. Điều này thường khiến cho lực lượng chức năng của cả hai tỉnh “lực bất tòng tâm” vì không được phép vượt qua ranh giới, địa phận quản lý để truy đuổi “lâm tặc”. Nắm bắt được “điểm yếu” trên, lâm tặc tại khu vực này thường hoạt động hết sức manh động, táo tợn, thậm chí xem thường lực lượng chức năng.

Từ khi có quy chế phối hợp, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện có hiệu quả việc truy quét, ngăn chặn nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng, phá rừng trái pháp luật. Đối với những trường hợp khẩn cấp, cần sự hỗ trợ lực lượng để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, hành vi chống người thi hành công vụ, các bên có thể thông tin trực tiếp bằng điện thoại và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng để phối hợp ngăn chặn, truy đuổi, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.

Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm cho biết, nhờ công tác phối hợp ngày một hiệu quả, tại các khu vực giáp ranh đến nay không còn xảy ra tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép, những vụ xâm hại tài nguyên rừng cũng đã giảm mạnh. Nếu như năm 2016 trở về trước, Bảo Lâm là địa bàn phức tạp về những vụ phá rừng quy mô lớn, nổi cộm và có tổ chức thì nay tình trạng này không còn. Đặc biệt, trong năm 2022, rừng tại khu vực vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông không xảy ra vụ vi phạm nào. Để có được kết quả trên, cùng với tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, là việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng của 3 huyện giáp ranh hai tỉnh. Cơ quan chức năng hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông đã chủ động trao đổi thông tin về đối tượng vi phạm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, theo dõi và xử lý vi phạm. Việc hỗ trợ lẫn nhau trong công tác kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và giải tỏa cây trồng trái phép trên đất lâm nghiệp tại vùng giáp ranh cũng đã được lực lượng hai bên triển khai có hiệu quả.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ việc phức tạp. Để kịp thời phát hiện, chủ động xử lý các hành vi vi phạm, đơn vị đã trao đổi, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong và Đắk Rlấp, tăng cường triển khai các phương án, bố trí lực lượng, phân công gác trực, tuần tra bảo vệ... quyết tâm không để xảy ra các vụ việc bị động, bất ngờ liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Khắc Lịch
.
.