Những người thầy CAND tâm huyết, đổi mới và sáng tạo

Tạo động lực, truyền cảm hứng cho người học (Bài cuối)

Thứ Năm, 17/11/2022, 08:17

Là giảng viên của Khoa Trinh sát An ninh, Trường Cao đẳng ANND I, Đại uý Đinh Thành Vinh luôn tâm niệm phải cố gắng học hỏi mỗi ngày để hoàn thiện thêm bản thân về kiến thức, kĩ năng sư phạm. Trước mỗi bài giảng, anh luôn xác định mục tiêu, yêu cầu về kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cần đạt được của bài giảng này là gì để từ đó xây dựng nội dung bài giảng phù hợp với học viên.

1. Năm 2022 có thể xem là một “nấc thang” mới trong sự nghiệp của Thiếu tá, TS. Tống Sỹ Tiến, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản và Ngoại ngữ, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi anh vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS ngành Vật lý. Kết quả này cũng là “trái ngọt” sau nhiều nỗ lực, cố gắng bền bỉ trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên 8X.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chàng trai quê ở Vũ Thư, Thái Bình đã trúng tuyển vào Trường Đại học PCCC trong đợt thi tuyển giảng viên. Đây có thể xem là một bước ngoặt quan trọng đối với giảng viên 8X khi cùng một lúc anh thực hiện được 2 ước mơ của mình, đó là vừa được làm thầy giáo đứng trên bục giảng, vừa được khoác trên mình màu áo Công an - một hình mẫu đẹp mà anh thầm ao ước từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Năm 2016, anh nhận bằng tiến sĩ ngành Vật lý tại ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

z3877536470132_e84ed43de39ce7c6f86b70ee3536a19c.jpg -0
Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học là niềm đam mê lớn của PGS.TS Tống Sỹ Tiến.

Là người thầy truyền cảm hứng, truyền thụ tri thức cho học trò, PGS.TS. Tống Sỹ Tiến luôn tuân thủ phương châm không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy với mục tiêu người học là trung tâm, ứng dụng thực tế của bài học là mục đích của kiến thức. “Bí quyết” giảng dạy của anh là không áp đặt kiến thức, không tạo áp lực cho học viên, luôn truyền cảm hứng cho học viên để học viên luôn cảm thấy có động lực và hứng thú khi học bài. Anh chia sẻ: “Giảng viên phải sống trong bài giảng mới tạo ra sự cuốn hút đối với học viên”.

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Tống Sỹ Tiến luôn xem việc nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng. Anh đã viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy, hàng chục bài báo khoa học chuyên ngành, trong đó có 15 bài báo đã được đăng trên các tạp chí ISI uy tín; tham gia nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, chủ nhiệm một số đề tài khoa học cơ sở; biên soạn và biên dịch nhiều tài liệu dạy học; hướng dẫn 3 học viên bảo vệ thành công luận án thạc sĩ; hướng dẫn nhiều học viên tham dự các cuộc thi Olympic sinh viên toàn quốc môn Vật lý…

Điều khiến PGS.TS Tống Sỹ Tiến trăn trở nhất hiện nay là dù đã được đào tạo bài bản trong các cơ sở đào tạo CAND, nhưng sau khi ra trường vẫn còn một số học viên chưa đáp ứng tốt các yêu về cầu nghiệp vụ và mất nhiều thời gian để thích ứng được với vị trí công việc được phân công. Nguyên nhân là ở các cơ sở đào tạo CAND, học viên chỉ có thể được trang bị một khối lượng kiến thức nhất định theo các chương trình đào tạo xác định, còn các tình huống nghiệp vụ thực tế thì “thiên biến vạn hóa”. Do đó, nếu học viên không có được năng lực tự học và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, sẵn sàng ứng phó được với các hình huống nghiệp vụ mới thì sẽ khó có thể phát huy hiệu quả các kiến thức đã học vào công việc thực tế…

Để giải quyết hạn chế này, theo PGS.TS Tống Sỹ Tiến, giảng viên trong các cơ sở đào tạo CAND nên đổi mới quan điểm và phương pháp dạy học theo hướng tập trung vào việc nâng cao năng lực tự học và kỹ năng giải quyết vấn đề cho học viên. Trong đó, trước hết phải định hướng vai trò của giáo viên không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức một chiều cho người học, mà còn là người truyền đam mê, kích thích người học hứng thú học hỏi, tìm tòi lĩnh hội kiến thức. Người thầy phải mạnh dạn đổi mới chương trình chi tiết môn học bằng cách tinh giản các nội dung lý thuyết thuần túy, tăng cường nội dung thảo luận và thực hành, lồng ghép các tình huống thực tế để minh hoạ cho nội dung bài giảng, liên tục cập nhật các kiến thức mới bám sát vào các nội dung liên quan trực tiếp đến công tác nghiệp vụ để học viên có thể áp dụng kiến thức đã học được tốt nhất trong các công việc nghiệp vụ sau này.

2. Năm 2021, Đại uý, Thạc sĩ Đinh Thành Vinh, giảng viên Khoa Trinh sát An ninh, Trường Cao đẳng ANND I đã vinh dự nhận danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Bộ. Sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ đều công tác trong lực lượng CAND nên ngay từ nhỏ, chàng trai Đinh Thành Vinh (SN 1990 tại Minh Hoá, Quảng Bình) đã luôn cố gắng học giỏi để có thể tiếp nối truyền thống gia đình. Trong suốt những năm tháng học tập tại Trường Đại học ANND, không chỉ say mê với việc học, chàng trai trẻ còn đam mê bóng đá và “cháy” hết mình cho phong trào Đoàn, từng nhận nhiều bằng khen của Trung ương Đoàn. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh được phân công về công tác tại Trường Cao đẳng ANND I phân hiệu TP Hồ Chí Minh.

z3877538543518_035ae14d6d678f695e55d44ef725ec46.jpg -0
Với Đại uý Đinh Thành Vinh, nhận được sự yêu quý của học viên chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy.

Là giảng viên của Khoa Trinh sát An ninh, Đại uý Đinh Thành Vinh luôn tâm niệm phải cố gắng học hỏi mỗi ngày để hoàn thiện thêm bản thân về kiến thức, kĩ năng sư phạm. Trước mỗi bài giảng, anh luôn xác định mục tiêu, yêu cầu về kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cần đạt được của bài giảng này là gì để từ đó xây dựng nội dung bài giảng phù hợp với học viên. Bên cạnh đó, anh cũng luôn đặt mình vào vị trí của người học để xem người học mong muốn điều gì từ người thầy khi truyền giảng, để từ đó xây dựng nội dung bài giảng và phương pháp sư phạm phù hợp. Ngoài thời gian lên lớp, anh luôn dành thời gian để tâm sự, trò chuyện cùng các em học viên để nắm thêm về tâm tư, tình cảm, từ đó hiểu hơn về học trò của mình.

“Nhớ nhất là kỉ niệm về những lần thực hiện bài dạy giỏi cấp trường, cấp Bộ, các em học viên phụ giảng vừa học bài để thi học kì, vừa lên tập giảng cùng thầy tới 12h đêm, nhiều em tập giảng xong lại đi trực gác. Nhìn các em vất vả, cố gắng vì thầy đã khiến tôi càng quyết tâm, nỗ lực cố gắng hơn khi thực hiện bài dạy giỏi để mang lại kết quả tốt nhất”, Đại uý Đinh Thành Vinh chia sẻ.

Thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia hiện nay luôn có sự thay đổi, do đó giáo viên dạy các môn nghiệp vụ chuyên ngành phải cập nhập bổ sung kiến thức thường xuyên, đi thực tế để thu thập tài liệu giảng dạy. Bên cạnh đó, trong giảng dạy các môn nghiệp vụ chuyên ngành, khó khăn lớn nhất có lẽ là lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp, xây dựng nội dung bài giảng gắn với hướng dẫn kĩ năng tay nghề cho các em, làm sao để mỗi em ra trường đều bắt nhịp ngay công tác tại Công an các đơn vị, địa phương. Trong quá trình giảng dạy, anh luôn lấy dẫn chứng sinh động từ các vụ việc cụ thể trong thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, có thể là hình ảnh minh họa, phim tài liệu, từ đó phân tích dẫn chứng gắn với nội dung bài giảng; đặt ra các câu hỏi nghiên cứu cho các em học viên, để các em tự tìm tòi học hỏi, đào sâu, nắm chắc từng phần kiến thức.

Theo thầy Đinh Thành Vinh, giảng viên trong các trường CAND nói riêng cần chú trọng, bổ sung thêm một số yêu cầu, phẩm chất để có thể đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Đó là tinh thần học hỏi nâng cao trình độ về ngoại ngữ và công nghệ thông tin, để từ đó làm chủ công nghệ và ứng dụng trong dạy học. Cùng với đó, phải luôn là tấm gương tự học, tự đào tạo, hoàn thiện mình, nâng cao trình độ chuyên môn, biết định hướng giúp học viên khai thác những tri thức mới phục vụ học tập. Đặc biệt, người giảng viên trong các trường CAND phải luôn là hình mẫu toàn diện, tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ của thời kì hội nhập và phát triển…

Huyền Thanh
.
.