Vừa phòng, chống dịch, vừa giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Chủ Nhật, 15/08/2021, 07:39

Trong những ngày Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP, Chỉ thị 16 của Chính phủ, hình ảnh người chiến sỹ Công an Thủ đô luôn có mặt tại các khu dân cư, khu vực phong tỏa, các chốt kiểm soát, các tổ công tác truy vết cũng như những chiến công trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đã để lại ấn tượng trong lòng người dân.

Cũng trong thời điểm này, có một cháu bé mới chào đời bố mẹ đặt tên “Công An” để khắc ghi công ơn những người chiến sỹ Công an Thủ đô. Phóng viên chuyên mục “Trò chuyện cuối tuần” có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội về “cuộc chiến chống giặc COVID” mà Công an TP đang chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, người dân thực hiện nhằm hạn chế tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư ở mức thấp nhất.

Vừa phòng, chống dịch, vừa giữ gìn trật tự, an toàn xã hội -0
Đại tá Trần Ngọc Dương.

Phóng viên (Pv): Thưa đồng chí, ngay từ ngày đầu tiên (24/7/2021) TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Công an TP đã triển khai những biện pháp gì để đảm bảo việc phòng, chống dịch và đảm bảo ANTT trong tình hình mới?

Đại tá Trần Ngọc Dương: Ngay sau khi Chủ tịch UBND TP ban hành Chỉ thị số 17, Công an TP đã chủ động, tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã triển khai ngay các nhiệm vụ công tác Công an phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và với mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”, đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên trước hết, điển hình là:

- Thành lập Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Công an TP do đồng chí Giám đốc Công an TP là Chỉ huy Trưởng, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác. Đồng thời, phân công ứng trực 24/7 và kết nối trực tuyến tới Sở Chỉ huy TP tại Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP.

- Để phòng ngừa nguồn xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài theo chỉ đạo của TP, Công an Hà Nội đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành (Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã) lập 23 chốt để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện tại các cửa ngõ lớn ra, vào TP; đồng thời, chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thị xã lập 44 chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào TP tại các đường nhánh, đường ngang, ngõ tắt giáp ranh các tỉnh ngoài.

- Trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, dự báo một số loại tội phạm sẽ có xu hướng, điều kiện nảy sinh, gia tăng như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản; Công an TP đã chỉ đạo Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã, nhất là lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự phải tăng cường tuần tra phòng, chống tội phạm trên toàn TP vào ban đêm, kịp thời phát hiện, trấn áp ngay các loại tội phạm.

Pv: Do đặc thù là trung tâm hành chính lớn nhất cả nước, việc đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt là không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm, Công an TP Hà Nội đã tổ chức các chốt giao thông tại các cửa ngõ để kiểm soát người ra, vào TP; tổ chức "luồng xanh" rất hiệu quả, xin đồng chí hãy nói rõ về việc này?

Đại tá Trần Ngọc Dương: Như trên đã nói, ngay từ ngày đầu thực hiện  Chỉ thị số 17 của UBND TP, Công an TP đã chủ trì, phối hợp thành lập 23 chốt tại các cửa ngõ lớn của Thủ đô và 44 chốt của các quận, huyện tại các đường ngang, ngõ tắt, lối mở đi ngoại tỉnh để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào TP. Thời gian đầu triển khai, lượng người và phương tiện ra vào TP còn nhiều, dẫn tới tình trạng ùn ứ dài tại các chốt kiểm soát, Công an TP đã chủ động phối hợp với Sở GTVT, Công an các tỉnh, thành phố giáp ranh, Cục CSGT, Bộ Công an triển khai quyết liệt việc phân luồng, hướng dẫn giao thông cho các phương tiện từ xa không đi qua Hà Nội và hướng dẫn, phân luồng riêng cho các phương tiện có nhận diện "luồng xanh" theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu rõ các diện đối tượng và hướng dẫn người dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ra vào TP, qua đó đã giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát.

Pv: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đại bộ phận người dân có ý thức tuân thủ nhưng vẫn còn có một số người dân lơ là, Công an TP đã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Trần Ngọc Dương: Đúng là vẫn có bộ phận không nhỏ người dân còn lơ là, chủ quan, thậm chí cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là tình trạng người dân ra đường không thuộc diện cấp thiết. Để giải quyết hiệu quả tình trạng này, Công an TP đã chỉ đạo Công an quận huyện thị xã tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cùng cấp thành lập hơn 4.000 chốt kiểm soát tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các nội dung trong Chỉ thị số 17 trên toàn TP; đồng thời, thành lập gần 800 tổ công tác cơ động (với hơn 2.000 CBCS) tổ chức tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Qua 14 ngày thực hiện, đã phát hiện, xử phạt hơn gần 16.000 cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm với tổng số tiền phạt gần 25 tỷ đồng.

Pv: Cùng với việc gia tăng các trường hợp dương tính, nhiều địa bàn dân cư phải thực hiện phong tỏa, Công an TP đã triển khai việc lập các điểm chốt, hỗ trợ người dân trong khu vực này ổn định cuộc sống thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Ngọc Dương: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp F0 ngoài cộng đồng, Công an các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng khảo sát ngay địa bàn, khu vực để tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương tổ chức phong tỏa, lập chốt đảm bảo ANTT, quản lý, giám sát ngay địa điểm cư trú (và nơi làm việc) của trường hợp F0. Việc này nhằm đảm bảo kịp thời trong công tác khoanh vùng, dập dịch, không để lây nhiễm dịch bệnh từ các địa điểm trên ra bên ngoài cộng đồng và ngược lại với tinh thần phong tỏa hẹp, quản lý chặt (không để người ra, vào các địa điểm trên, không để xảy ra tình trạng trốn cách ly y tế hoặc không chấp hành các yêu cầu của nhân viên y tế...). Đồng thời, đã hỗ trợ tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và phối hợp các lực lượng chức năng giải quyết những thắc mắc và những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng khác của người dân.

Pv: Xin đồng chí cho biết về công tác truy vết để hỗ trợ ngành Y tế, chính quyền địa phương mà Công an TP đã thực hiện?

Đại tá Trần Ngọc Dương: Đối với công tác truy vết, lực lượng Công an có vai trò quan trọng trong việc khai thác toàn diện, đầy đủ các thông tin về lịch sử dịch tễ, xác định người thuộc diện tiếp xúc (các trường hợp F1, F2, F3) của các trường hợp F0, nhất là đối với các trường hợp có biểu hiện giấu giếm thông tin, lịch trình di chuyển, tiếp xúc để đảm bảo "thời gian vàng" cho công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các biện pháp nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người và "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép; rà soát, nắm bắt những người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch.

Công an TP Hà Nội đã tham mưu UBND TP thành lập các tổ COVID-19 cộng đồng do lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, phường, thị trấn đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng, qua đó, đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quản lý di biến động của người dân; kịp thời nắm tình hình, phát hiện người trở về từ các vùng dịch mà không khai báo để kịp thời phối hợp với lực lượng y tế áp dụng các biện pháp cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Pv: Tôi được biết, trong khi thực hiện giãn cách xã hội, có nhiều câu chuyện cảm động về việc người cán bộ Công an Thủ đô hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Nếu có thể, đồng chí hãy chia sẻ thêm với chúng tôi?

Đại tá Trần Ngọc Dương: Có thể khẳng định bằng sự nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm của người chiến sỹ CAND, cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô đã vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao "vừa đảm bảo an ninh trật tự", "vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch", trong đó cũng có rất nhiều tấm gương, câu chuyện cảm động của cán bộ, chiến sỹ giúp đỡ người dân trong quá trình thực hiện nhiệm phòng, chống dịch và đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an với tinh thần "vì nhân dân phục vụ".

Câu chuyện cán bộ Công an phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm giúp đỡ kịp thời sản phụ Đinh Thị N, sinh năm 1997, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chuyển dạ, sinh “mẹ tròn con vuông” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên địa bàn tại quận Bắc Từ Liêm là một ví dụ. Cái kết của câu chuyện là gia đình chị N sau đó đã thống nhất đặt tên cho cháu bé là “Công An” khiến chúng tôi rất xúc động.

Hay như trường trường hợp cán bộ, chiến sỹ Công an quận Nam Từ Liêm cùng quyên góp tiền mua một chiếc xe máy, trao tặng cho chị Lê Thị Trâm, nhân viên nhân viên tổ môi trường Đại Mỗ, chi nhánh Cầu Diễn thuộc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội). Chị Trâm là nạn nhân vụ cướp xe máy xảy ra vào khoảng 3h30 ngày 3/8/2021 trên địa bàn phường Đại Mỗ. Đây là sự động viên chị Lê Thị Trâm vượt qua khó khăn, áp lực công việc và cuộc sống, tiếp tục làm đẹp cho đường phố. Và cũng như câu chuyện trên, cái kết trong câu chuyện này cũng rất đẹp khi ngày 5/8, các lực lượng Công an TP đã điều tra, bắt giữ các đối tượng liên quan đến vụ cướp để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Còn nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm giữa người chiến sỹ Công an Thủ đô và người dân; về những tấm gương cán bộ, chiến sỹ Công an trong mùa dịch mà tôi không thể kể hết ra đây. Qua cuộc trao đổi này, tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng để cùng Công an TP đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.

Pv: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này.

C.Hồng – X.Mai (Thực hiện)
.
.