Ấn Độ:

“Thế hệ trẻ 4.0” sẵn sàng bước qua rào cản định kiến hôn nhân truyền thống

Thứ Hai, 23/07/2018, 01:00
Một kết quả khảo sát mới được công bố cho hay, giới trẻ Ấn Độ trong thời công nghệ số có quan điểm cởi mở hơn rất nhiều so với truyền thống về các vấn đề liên quan đến đẳng cấp và hôn nhân. Nhiều chuyên gia xã hôi học nhận định, đây thực sự là tín hiệu đáng mừng trong sự phát triển của xã hội Ấn Độ.


Tín hiệu đáng mừng

Cuộc khảo sát được tiến hành trên Inshorts - một ứng dụng có khoảng 10 triệu người dùng Ấn Độ. Theo đó, hơn 130 nghìn người trong độ tuổi từ 18 đến 35 đã tham gia vào cuộc khảo sát. 70% cho biết, cảm thấy “hài lòng” với cuộc hôn nhân giữa những người thuộc đẳng cấp khác nhau. 70% nam giới cho rằng, phụ nữ không cần phải thay đổi họ của mình sau khi kết hôn.

90% sẵn sàng chia sẻ chi phí đám cưới – quan điểm hoàn toàn trái ngược với truyền thống khi gia đình cô dâu phải chi trả mọi thứ. 84% phụ nữ cho rằng, không quan trọng nếu chồng kiếm được ít tiền hơn. Trong khi đó, chỉ có 7% nam giới cảm thấy không thoải mái nếu vợ kiếm tiền giỏi hơn.

Nhiều bạn trẻ Ấn Độ có quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân, vai trò của phụ nữ trong gia đình.

“Kết quả khảo sát cho thấy một thế hệ mới đang phá vỡ quan niệm cũ về đẳng cấp, chế độ gia trưởng hay tình trạng phụ nữ phụ thuộc vào nam giới. Các bạn trẻ ngày nay có cái nhìn cởi mở hơn về hôn nhân, vai trò của phụ nữ trong gia đình. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng. Thực tế cho thấy, hôn nhân giữa đẳng cấp cao với đẳng cấp thấp vẫn còn ít trong xã hội Ấn Độ. Nhiều bang đã khuyến khích các cặp đôi kết hôn khi một trong hai người có xuất thân từ đẳng cấp thấp hoặc một Dalit bằng cách cung cấp tiền cho họ”, Azhar Iqbal, Giám đốc điều hành của Inshorts nói.

Hitesh Dhingra, người đồng sáng lập ứng dụng hẹn hò TrulyMadly cho rằng, có hai lý do để lý giải về số liệu khảo sát. Một là, những người Ấn Độ trẻ tuổi thường xuyên sử dụng Internet và mạng xã hội được tiếp xúc với những tư tưởng mới nên có cái nhìn cởi mở hơn so với truyền thống. Hai là, khi sử dụng các ứng dụng hẹn hò trên mạng, các bạn trẻ quan tâm đến tính cách và sự phù hợp hơn là đẳng cấp và tôn giáo.

“Với hôn nhân sắp xếp, cha mẹ sẽ cân nhắc yếu tố truyền thống và đẳng cấp. Tuy nhiên, khi những người trẻ tuổi tự tìm kiếm đối tác, họ sẽ thay đổi tiêu chí. Đẳng cấp, tôn giáo và thu nhập không phải vấn đề quan trọng nhất. Tính cách và hành vi của đối tác mới là điều cần phải quan tâm”, Hitesh Dhingra nói. Một cuộc khảo sát thực hiện trên ứng dụng Inshorts trước đây cũng cho hay, 80% trong số 140 nghìn người được hỏi ủng hộ quan điểm này.

"Đã đến lúc phải phá hủy truyền thống đó"

Sanjay Kumar Jadav, 27 tuổi, một chàng trai xuất thân từ đẳng cấp Dalit (đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, từng được coi là “không đáng đụng tới”) nói rằng, sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ vẫn là bài toán chưa có lời giải. Sắp tới, Jadav kết hôn và anh đã phải đấu tranh rất nhiều để có thể cùng đoàn nhà trai đi qua con đường có ngôi nhà của người thuộc đẳng cấp cao hơn để đến nơi vị hôn thê Sheetal sinh sống.

Sanjay Kumar Jadav – người được coi là một Dalit thế hệ mới ở Ấn Độ.

Jadav được coi là một Dalit thế hệ mới. Anh cố gắng đấu tranh để vượt qua phong tục truyền thống và định kiến của xã hội. Jadav nói rằng, anh tự tin vì là người có học thức. Anh từng theo học chuyên ngành luật tại Đại học Hồi giáo Aligarh và hiện là một nhân viên xã hội hoạt động rất tích cực. 

“Khi tôi lên kế hoạch sẽ dẫn đoàn đón dâu đi qua khu vực có người thuộc đẳng cấp trên sinh sống, rất nhiều người đã phản đối. Họ nói rằng, những chú rể Dalit phải đi tránh xa con đường chính và không được phép cưỡi ngựa. Họ nói tôi chống lại truyền thống. Tôi đáp trả lại rằng, đã đến lúc phá hủy truyền thống đó”, Jadav nói.

Sheetal, vợ chưa cưới của Jadav nhận những lời đe dọa rằng, khi đám cưới kết thúc và không còn cảnh sát bảo vệ, họ sẽ bị trả thù. Tuy nhiên, điều đó không làm Jadav thay đổi ý định. “Tôi phải sử dụng học thức để đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng. Nếu tôi không đấu tranh thì ai sẽ là người thực hiện sứ mệnh đó. Tôi cũng là một công dân, tại sao tôi không có quyền đi trên con đường mà tất cả mọi người vẫn đi?”, Jadav nói.

Tuy nhiên, Jadav cũng cho biết thêm, anh sẽ không ngạc nhiên khi đoàn đón dâu thấy một số căn nhà trống rỗng trên đường đi. “Một số gia đình thuộc đẳng cấp khác cho biết, họ sẽ rời khỏi nhà vào ngày diễn ra lễ cưới vì không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy chúng tôi đi qua”, Jadav nói tiếp.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.