Bi kịch cuộc đời cô dâu Việt bị sát hại ở xứ người

Thứ Hai, 19/01/2015, 08:00
Lấy chồng Hàn Quốc thông qua đường dây “tuyển vợ” với mong ước đổi đời, giúp đỡ gia đình, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân sang nước bạn làm dâu. Nhưng trớ trêu là thời gian sau, gia đình chồng phát hiện chị bị vô sinh và hậu quả là ngay lập tức bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Bơ vơ nơi đất khách quê người, chị sống bất hợp pháp trước khi bị người đàn ông mới chỉ quen một ngày sát hại. Câu chuyện càng thảm thương hơn khi gia đình của chị ở Việt Nam có hoàn cảnh vô cùng nghèo khó…

Gia cảnh nghèo khó của cô dâu Việt bị sát hại

Sáng 2/12, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Ngân (SN 1992), người mới bị một người đàn ông Hàn Quốc sát hại thảm thương tại đảo Jeju, Hàn Quốc. Căn nhà của gia đình chị ọp ẹp, cũ nát, được xây dựng hết sức tạm bợ với tường nhà được ghép lại bằng các miếng tôn hoen gỉ, chỉ rộng trên dưới 15m2 nằm sát con rạch nhỏ thuộc phường 2, quận 4, TP.HCM. Tuy vậy, đây lại là nơi trú ngụ của 13 người trong gia đình ba thế hệ. Không khí trong gia đình lúc này đầy ảm đạm, đau buồn. Di ảnh của chị Ngân được gia đình đặt tạm trên một chiếc bàn đơn sơ khiến ai nấy đều xót xa.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (60 tuổi), cha của cô gái 22 tuổi vừa bị sát hại đau xót chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về con gái và hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Trong khi trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt ông luôn nhìn lên bàn thờ có di ảnh con gái xấu số.

Theo lời ông Minh thì quê ông ở Bến Tre, hơn 20 năm trước, gia đình ông lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Do chẳng có nghề nghiệp, vốn liếng gì nên gia đình ông luôn rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn. Trong khi đó, vợ ông lại không may mắc bệnh ung thư. Do không có điều kiện để chữa trị chu đáo nên sáu năm trước vợ ông đã qua đời để lại mấy cha con ông tiếp tục sống lay lắt… Lâu nay, ông Minh hàng ngày cùng vợ chồng hai người con trai đi làm mướn để trang trải sinh hoạt cho cả nhà. Những người còn lại đa số là cháu nội của ông Minh đang độ tuổi đi học nên kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau.

Thực tế thì trước đây gia đình ông Minh cũng từng có một căn nhà nhưng đã phải đoạn đành bán đi để lấy tiền chữa bệnh ung thư cho vợ. Sau đó, ông trích ra một ít và dành dụm thêm để có tiền mua miếng đất nhỏ và cất lên căn nhà gia đình ông hiện đang trú ngụ. Cuộc sống nghèo khó nên ngay từ nhỏ chị Ngân là con gái út đã phải bỏ học phụ giúp cha mình bươn chải làm lụng để kiếm tiền sinh sống cho gia đình và nhất là có tiền chạy chữa cho mẹ. Ban ngày, chị Ngân giúp việc ở một tiệm mì Hàn Quốc. Ban đêm, chị lại làm phục vụ cho quán ăn. Số tiền thu nhập được chị Ngân dành hết cho gia đình nhưng cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu, khó vẫn hoàn khó.

Ông Minh (bố chị Ngân) lặng người bên bàn thờ con gái.

Đi làm được mấy năm, qua giới thiệu của bạn bè, Ngân đi đến hôn nhân với ông Kim Hyun Jun, với mong muốn sẽ có nhiều tiền để cha và các anh chị của mình cải thiện cuộc sống.

“Ðầu năm 2012, con tôi được giới thiệu cho một người đàn ông Hàn Quốc sang Việt Nam tìm vợ. Khi biết chuyện đó, tôi đã lựa lời can ngăn nó vì thấy người đàn ông này lớn gấp đôi tuổi của nó và lại bất đồng ngôn ngữ. Thấy nó không nói gì tưởng nó nghe lời tôi nhưng không ngờ nó lại âm thầm đi làm giấy đãng ký kết hôn với người đàn ông này. Chỉ khi gần đến ngày cưới, nó mới nói với tôi, lúc đó thì mọi chuyện đành phải thuận theo ý của nó mà thôi”, ông Minh đau buồn kể lại.

Sau đám cưới, tháng 6/2012, chị Ngân theo chồng về sinh sống tại tỉnh Jeju (Hàn Quốc). Từ đó đến khi mất, chị Ngân chỉ gọi điện chứ chưa về thăm nhà lần nào. Ông Minh bộc bạch: “Để con qua Hàn Quốc đúng ra lúc đầu tôi cũng có phần vui, vì sau khi sang đó nó có gọi điện về bảo rằng đã tìm được công việc ổn định…, nghe vậy, cả nhà ai cũng mừng. Nhưng không ngờ chẳng bao lâu sau (chính xác là cách đây khoảng 6 tháng) tôi lại nghe tin vợ chồng nó đã ly hôn. Điều đau đớn là con tôi đã bị gia đình chồng đối xử quá tàn nhẫn khi đuổi ra khỏi nhà và phải sống lang thang bất hợp pháp tại Hàn Quốc với lý do là khi đi khám con tôi bị kết luận không thể sinh con”.

Bị bỏ rơi, bơ vơ trên đất khách, ngôn ngữ nước sở tại lại không rành rẽ, Ngân phải sống dựa vào cộng đồng người Việt. Ai thuê gì làm nấy miễn kiếm được tiền sinh sống qua ngày. Thời gian gần đây chị Ngân được bạn bè giới thiệu làm quen với một người đàn ông khác tên là Kim Hee Cheol (SN 1973).

Ngày 30-11 vừa qua, chị Ngân cùng Cheol đi uống rượu. Sau đó, cả hai vào một nhà nghỉ để nghỉ ngơi. Tại đây, không hiểu vì lý do gì hai người đã phát sinh mâu thuẫn dẫn đến việc Cheol dùng dây siết cổ khiến chị Ngân bất tỉnh. Thấy nạn nhân nằm bất động, Cheol hoảng sợ đã gọi 119 để yêu cầu đưa chị Ngân đi cấp cứu nhưng chị đã tắt thở trước đó. Ngay sau đó, Cheol đã đến trụ sở Cảnh sát trên đảo Jeju tự thú và hiện đang bị tạm giữ để phục vụ việc điều tra làm rõ động cơ giết người.

Bi kịch “ảo tưởng về giấc mộng đổi đời” thêm dài

Ông Minh nghẹn ngào khi kể về thời điểm nhận được hung tin: “Sáng sớm hôm đó (30/11), tôi vừa tới quán phở để phụ dọn dẹp cho chủ tiệm thì nhận được cuộc điện thoại có mã số từ Hàn Quốc. Cứ tưởng con gái gọi, tôi vội nghe nhưng phía đầu dây bên kia một giọng nam xưng là bạn của con tôi. Người này thông báo, Ngân đã bị sát hại, gia đình nên chuẩn bị tiền bạc để sang nhận thi thể. Lúc đó tôi không tin vào tai mình, cứ tưởng người này nói nhầm nên hỏi đi hỏi lại mấy lần nhưng người này đã khẳng định điều đó. Quả thật, cái tin sét đánh ấy khiến tôi bủn rủn tay chân, đầu óc quay cuồng…”.

Tiếp đó, ông Minh và gia đình lại nhận được thư của Ðại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc gửi cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an phía Nam) thông tin khá chi tiết về sự việc đau lòng của con gái ông. Ðồng thời, cơ quan này đề nghị gia đình cử người thân sang Hàn Quốc giải quyết vụ việc và làm các thủ tục để đưa thi thể chị Ngân về nước.

Theo chị Tuyết Hồng (33 tuổi, chị lớn của chị Ngân), một tuần trước khi nhận hung tin, ngày 24-11 chính là ngày sinh nhật của chị Ngân nên cả nhà đã mua một bánh sinh nhật chưa đầy 30 ngàn về chụp hình cả nhà rồi gửi qua mạng xã hội facebook cho em gái xem. “Thấy hình cả nhà và tin nhắn chúc mừng, Ngân đã gọi điện về vừa nói vừa khóc vì nhớ nhà và xúc động. Và Ngân cũng nói rằng Tết năm nay sẽ về nước luôn vì ở bên đó rất cực khổ. Nghe vậy tôi cũng khuyên nó nên về, cả nhà sướng khổ có nhau. Thế mà chỉ mấy ngày sau, em tôi đã gặp nạn…”, chị Hồng bật khóc.

Trước hung tin của con gái, ông Minh và gia đình như chết lặng, đau đớn, và mong muốn lớn nhất lúc này là bằng mọi cách phải qua Hàn Quốc để đưa thi thể con mình về nước lo hậu sự. “Dù gì đi nữa thì con tôi cũng đã mất rồi, điều mong muốn tột độ của gia đình là có người qua Hàn Quốc để nhận con tôi về. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình tôi lại quặn thắt lo lắng vì nghe nói chi phí qua đó không hề nhỏ với gia đình tôi”, ông Minh tỏ ra vô cùng lo lắng.

Theo ông Minh chia sẻ thì khi thông báo sự việc cho các con để họ góp tiền làm lộ phí cho người con trai thứ hai qua Hàn Quốc đưa thi thể chị Ngân về nước, nhưng tất cả chỉ gom được 800.000 đồng vừa đủ chi phí làm hộ chiếu… Trong khi đó, chi phí dự tính phải hết khoảng 40-50 triệu đồng. Trước số tiền phải có vượt quá khả năng của gia đình, ông Minh đã chạy vạy khắp nơi để mượn tiền nhưng hầu hết không ai dám cho mượn vì lo gia đình ông sẽ không có khả năng chi trả.

“Từ hôm qua đến giờ tôi chạy vạy khắp nơi cũng chỉ mượn được 5 triệu, sau đó bà con láng giềng đã quyên góp được mấy triệu nữa, nhưng như thế cũng chẳng thấm vào đâu. Tôi sẽ cầm cố căn nhà này để có tiền đưa con tôi về…”, ông Minh nói như sắp khóc. Tuy vậy, khi ông Minh mang giấy tờ căn nhà mà cả gia đình đang sinh sống đi nhiều chỗ để cầm cố nhưng vẫn không vay được tiền. Trong lúc tuyệt vọng nhất, may mắn gia đình ông đã được người chủ công ty của con trai ông Minh hỗ trợ tiền mua vé máy bay để anh này sang Hàn Quốc.

“Dù có khó khăn đến đâu, gia đình tôi cũng quyết tâm đưa bằng được con gái tôi về nước. Tôi tính sẽ đặt con gái tôi cạnh mộ mẹ nó ở Bến Tre, để vong hồn nó không cảm thấy cô quạnh”, ông Minh nấc nghẹn.

Về cơ quan đoàn thể, được biết, sau khi biết tin, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 4 đã cử đoàn cán bộ đến thăm hỏi, chia sẻ và động viên tinh thần gia đình ông Minh. Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội cho biết, trước mắt, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 4 hỗ trợ gia đình 2 triệu đồng. Sau đó sẽ tiếp tục vận động các nguồn khác để hỗ trợ gia đình trong thời gian sắp tới…

Có thể nói, câu chuyện những phụ nữ Việt sang xứ Hàn làm dâu sau đó gặp nạn luôn khiến dư luận trong nước đặc biệt quan tâm và thương cảm. Tuy vậy, có một thực tế là nhiều cô dâu Việt Nam trước khi sang nước bạn đã “ảo tưởng về giấc mộng đổi đời” khi không hiểu và lường trước được những khó khăn sẽ gặp phải như việc hòa nhập với cuộc sống nước bạn, khả năng ngôn ngữ, về phong tục tập quán, lối sống gia đình… Điều đáng tiếc là đa số những trường hợp phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc đều thông qua mai mối, mặt khác kiến thức gia đình, ngôn ngữ và văn hóa về nước sở tại còn rất hạn hẹp. Chính điều này là nguyên nhân của nhiều bi kịch như thực tế đã xảy ra.

Bài học rút ra từ những bi kịch này là cần suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ mọi việc trước khi quyết định, nhất là cần tham khảo và học hỏi từ chính những người đã có kinh nghiệm sinh sống tại Hàn Quốc như các phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc trước đây.

Ánh Xuân
.
.
.