Cơn ghen khủng khiếp và sự mê tín kiêng “vui vẻ” trong ngày Tết

Thứ Hai, 18/02/2013, 16:36
Tất cả các món ăn có vẻ chẳng ăn nhập gì với ngày Tết đó được vợ tôi soạn ra để dành riêng cho tôi. Không phải cô vợ mới cưới của tôi vụng, không biết nấu ăn, mà là bởi một lý do vô cùng đặc biệt và kỳ quái. Mục đích cô ta bắt tôi chỉ được ăn những món đó để… kiêng “chuyện ấy”.

Ngày Tết, nhà người ta luôn có những món ăn thật bổ, thật ngon, thật lạ. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, các cụ đã đúc rút cả rồi. Cho dù có nghèo đến đâu thì chuyện ăn uống trong ngày Tết là hết sức quan trọng. Thế nhưng ở cái tổ ấm của tôi thì ngược lại.

Tôi được vợ “nuôi” bằng những món rất kỳ lạ trong dịp Tết, nào là đậu phụ đủ loại như rán, luộc, sốt cà chua…; trứng tráng, luộc…; canh đậu tương, lạc rang, muối vừng…; bánh trưng thì đặt riêng loại nhân toàn thịt mỡ…; món ăn để đỡ ngán là dưa bắp cải muối. Đó là chế độ ăn kiêng mà vợ bắt tôi phải thực hiện.

Đọc đến đây chắc các bạn sẽ thắc mắc là kiêng kiểu gì mà chẳng ra chay cũng chẳng ra mặn như thế? Vâng! Mục đích của các món ăn đó là có tác dụng khác. Cô ta bắt tôi ăn những món “bổ âm” đó để tuyệt đường ham muốn của tôi trong dịp Tết. Cô ấy cho rằng, ngày Tết là thời khắc linh thiêng nhất trong một năm, tôi tuyệt đối không được đòi hỏi “chuyện ấy” vì nó sẽ làm uế tạp sự linh thiêng đó. Chúng tôi phải ngủ riêng để giữ sự thanh tịnh cho những buổi đi chùa đầu năm cầu may.

“Ngày đầu tháng người ta còn kiêng nữa là… Chịu khó kiêng “chuyện ấy” những ngày Tết thì cả năm sẽ được may mắn”, vợ tôi lấy lý do đó để bắt tôi phải ăn uống kham khổ. Cô ấy nói rằng ăn những món đó thì sự ham muốn sẽ bị dập tắt.

Vợ tôi liệt kê những tác dụng của món ăn “thanh tịnh” đó: đậu phụ, đậu tương, thịt mỡ và trứng… chứa nhiều hóc môn sinh dục nữ, đàn ông ăn vào da sẽ đẹp, tốt cho sức khỏe và quan trọng nhất là không còn “bức xúc” tình dục. Dưa bắp cải muối thường có rất nhiều rau dăm, đó là thứ cây có tính chất làm giảm ham muốn tình dục. Chính vì vậy, những món ăn đó trở thành thực đơn của tôi trong ngày Tết.

Khổ một nỗi là ăn những món đó một, hai bữa còn được, chứ ăn ròng cả tuần thì quả thực là một cực hình. Để thứ “thuốc” ngấm đúng vào những ngày đầu năm mới, cô vợ bắt tôi phải thực hiện chế độ ăn uống hà khắc đó từ ngày cúng ông Công, ông Táo. Thôi thì vợ mới cưới, vừa trẻ vừa đẹp, tôi cũng phải nhắm mắt nhắm mũi mà chiều theo lời vợ.

Thú thực là chuyện “nhịn” quan hệ vợ chồng thì nửa tháng tôi cũng làm được, nhưng khổ nỗi vợ tôi có tính ghen kinh hoàng. Nếu không cần đến các món đồ ăn hỗ trợ kia mà tôi vẫn cứ “phơi phới” thì thế nào cô ấy cũng nghi ngờ nọ kia, rồi sau đó là các cuộc tra khảo đại loại như: Anh “đổ” đi đâu? Ăn uống toàn đạm thế kia mà không “đổ” thì không tin được, chắc là anh lén gặp con nào rồi phải không? Thôi đúng rồi, hôm nọ tôi thấy anh cười với con bé bán hàng ở đầu ngõ… Chỉ cần tưởng tượng ra cơn ghen và những lời tra khảo của vợ mà tôi đã toát mồ hôi hột, sống lưng gai gai như người bị cảm lạnh.

Tôi còn nhớ như in năm trước chở cô ấy khi đó còn là người yêu đi sắm Tết. Siêu thị đông nghìn nghịt, đi chọn đồ mỏi nhừ chân. Được một lúc, cô ta ra lệnh cho tôi đứng xếp hàng thanh toán để cô ấy lấy thêm một số món đồ nữa.

Lúc xếp hàng gần đến lượt tôi, bỗng một cô gái trẻ ở đâu xuất hiện đưa ra trước mặt tôi mấy món đồ nói: “Anh ơi, giúp em với. Em chỉ có vài thứ lặt vặt thôi mà xếp hàng dài quá. Anh thanh toán giúp em nhé!”. Cô gái khá xinh, khi tôi nhìn vào đôi mắt tuyệt đẹp của cô, hai má cô bỗng ửng đỏ. Tôi cười: “Em muốn gửi gì cũng được”. Đâu ngờ tôi đã quá chú ý vào cô gái mà không biết người yêu đã đứng ở phía sau. Cô ấy rít lên: “Không có gửi gắm gì hết. Định lừa đảo à?”. Cả tôi và cô gái trẻ đều giật mình.

Cô gái định thanh minh, nhưng nhìn thái độ hằm hằm của người yêu tôi, cô ta lảng đi chỗ khác. Còn hôm đó tôi bị tra tấn bằng hàng loạt những câu hỏi hóc búa kiểu: Cô ta là ai? Tại sao không quen mà lại nhìn nhau thân tình như thế? Anh và cô ta nói những chuyện gì? Lúc đứng xa em thấy anh có rút điện thoại ra, anh đã xin số của cô ta chưa?...

Sau hàng loạt nhưng câu hỏi của cô ấy, tôi phải giải trình từng số điện thoại mà tôi lưu trong điện thoại. Quả là mệt mỏi. Sau vụ đó, mỗi lần đi với người yêu, tôi chỉ biết vênh mặt nhìn thẳng chứ không dám liếc ngang liếc dọc nữa, cho dù xung quanh là những cô gái xinh như hoa hậu thì tôi cũng không dám. Tôi đã quá sợ cơn ghen của cô ấy rồi.

Bây giờ cô ấy đã là vợ của tôi và dường như máu ghen của cô ấy còn nhiều hơn trước. Đó cũng là lí do mà tôi ngoan ngoãn tuân theo cái thực đơn quái gở của vợ để đỡ điếc tai, đau đầu bởi những câu hỏi “tra tấn” của vợ.

Chỉ có chuyện ăn uống kiêng khem thì cái Tết đối với tôi đã không nhiều sự bực bội đến như vậy. Chưa bằng lòng với thực đơn “triệt yêu”, trong một tuần chờ “thuốc ngấm”, vợ tôi bắt tôi phải “yêu” cô ấy hết công suất. Chẳng hiểu cô ấy lấy đâu ra cái lý thuyết là “yêu” càng nhiều, tôi càng “ngán” mà không dám léng phéng trong những ngày đầu xuân bị cấm vận.

Bị ăn uống “thanh đạm”, lại phải “phục vụ” quá công suất, tôi trở nên xanh xao hốc hác, lúc nào cũng thèm ngủ. Công việc ở công ty lúc cuối năm chồng chất, nào là cân đối tiền thưởng Tết cho anh em, nào là lo tổ chức tổng kết cuối năm, rồi văn nghệ, rồi chúc Tết các đơn vị đối tác. Tôi bị quá tải nên làm mọi thứ cứ nhầm lẫn tùm lum. Kết quả là tôi bị nhầm mất một khoản tiền lớn của công ty, bị sếp cắt thưởng Tết.

Vừa về đến nhà, chưa kịp ta thán đã nhìn thấy mâm thức ăn toàn đậu phụ với trứng tráng, tôi ngán ngẩm bỏ ra ngoài. Vợ tôi thấy bộ mặt mệt mỏi của tôi thì nói luôn: “Anh đi đâu đấy. Ăn cơm rồi mình lên phòng sớm”. Tôi nổi cáu: “Tôi không ăn!”.

Bữa đó tôi gọi mấy anh bạn ra quán nhậu một bữa tất niên và từ chối tất cả các cuộc gọi của vợ. Nghe đám bạn kể đứa này thưởng Tết nhiều, đứa kia thưởng Tết nhiều hơn mà tôi buốt cả ruột. Tôi nói rằng năm nay tôi không được thưởng Tết thì cả bọn chả đứa nào tin. Chúng nói chắc là tôi bị vợ tịch thu hết tiền rồi. Thế là nỗi bực vẫn hoàn bực, chẳng chia sẻ được chuyện buồn với ai, tôi còn bị thêm cái tiếng sợ vợ.

Đến khuya tôi mới về đến nhà. Đương nhiên cả cái tổ ấm của tôi lúc đó tràn ngập những tiếng chì chiết chủa cô vợ, tôi bỏ ngoài tai hết và không nói lại một lời nào. Cho đến khi cô vợ túm lấy áo tôi hỏi: “Thế công ty anh đã có tiền thưởng Tết chưa? Hay là lại nướng hết vào nhậu nhẹt rồi”. Lúc đó tôi đã phát khùng lên và nói rằng: “Không có một đồng thưởng Tết nào đâu, tất cả là tại cô hết đấy!”. Vợ tôi lập tức bù lu bù loa lên: “Ối giời ơi! Làm gì có chuyện vô lý thế! Không được nhiều thì cũng được ít, anh vẫn nói là công ty năm nay làm ăn được cơ mà. Thôi đúng rồi, lại đem tiền cho gái rồi phải không? Tôi biết ngay mà, cái mắt nhìn gái cứ hau háu… Anh trở thành kẻ phụ bạc vợ rồi có phải không? Trời ơi, đồ khốn nạn…”.

Đến lúc đó thì tôi không thể chịu đựng được nữa, sự bực bội bị dồn nén đã đến lúc nổ tung. Tôi dang tay tát vợ một cái rất mạnh. Cái miệng xinh xinh đang bù lu bù loa bỗng nhiên im bặt. Cô ta tròn mắt nhìn tôi như nhìn người hành tinh khác. Sau đó vợ tôi trở về phòng, lục đục thu dọn đồ đạc. Lúc trở ra, cô ta tuyên bố sẽ ly dị và trở về nhà mẹ đẻ 3 ngày.

Kiêng cữ mệt mỏi, chẳng thấy năm mới vui vẻ gì mà chỉ thấy đen đủi. Mùng một Tết, tôi phải vác bộ mặt mệt mỏi đến nhà bố mẹ vợ để xin lỗi, để nghe mắng, để rước vợ về nhà, chính điều này mới làm tôi thấy xúi quẩy.

Tôi vốn không mê tín, nhưng cái sự kiêng nó cũng có chút lý do khoa học nào đó. Ví như sáng sớm, vừa mở cửa ra đã gặp chuyện vui, thế là tinh thần phấn chấn, lao động tốt hơn và dĩ nhiên với vẻ mặt vui tươi thì khi tiếp xúc với người khác cũng gặp nhiều thuận tiện. Có người nói rằng sự vui vẻ xuất hiện vào buổi sáng sẽ mang “năng lượng tốt” cho suốt một ngày. Chính vì thế nên sáng sớm, người ta kiêng to tiếng, kiêng nói đến những điều không tốt. Kiêng thế còn có chút cơ sở chứ kiêng theo cái kiểu của vợ tôi thì đúng là cuồng tín.

Đón vợ về, tôi hỏi: “Anh kiêng như thế đã vừa lòng em chưa. Chắc năm nay vợ chồng mình gặp nhiều may mắn em nhỉ”. “Cãi nhau thì may mắn nỗi gì?”. “Đấy em thấy không. Điều cần giữ vào dịp năm mới chính là niềm vui chứ không phải là mấy thứ kiêng vớ vẩn kia. Mê tín nó ác thật, suýt lấy đi niềm vui cả năm của vợ chồng mình. Mình phải phục thù mới được”. “Phục thù thế nào?”. “À, mình phải vui vẻ để cả năm ngập tràn niềm vui”. Tôi kéo tay vợ vào căn phòng hạnh phúc. Cô ấy đã nở nụ cười, một nụ cười mang lại “năng lượng tốt” trong suốt một năm

Hoàng Nguyễn (CSTC Xuân 2013)
.
.
.