Cuộc đời hiện tại của cựu đệ nhất phu nhân Ai Cập Suzanne Mubarak

Thứ Ba, 31/01/2012, 10:25

Dù chồng không còn đương quyền cai trị đất nước song cựu đệ nhất phu nhân Ai Cập Suzanne Mubarak vẫn đang kiểm soát đất nước Ai Cập đằng sau chốn hậu trường. Ngỡ như Suzanne sẽ trở lại kiếp sống cơ cực sau khi chồng rời ghế Tổng thống, nhưng không, một năm sau khi tiến hành cuộc cách mạng Ai Cập, gặp lại Suzanne thời điểm này tôi (tác giả) vẫn thấy bà trẻ trung, lịch lãm và vẫn sống hạnh phúc trong cuộc sống xa hoa, vương giả.

Suzanne Mubarak, "bóng hồng" mạnh mẽ trong cuộc đời của Hosni Mubarak

Vào những ngày đầu tiên diễn ra cuộc cách mạng Ai Cập, phu nhân Suzanne Mubarak, vợ của ngài Tổng thống Hosni Mubarak, đã có cuộc nói chuyện với bà bạn thân Farkhonda Hassan qua điện thoại. Các toà nhà ở Cairo bị đốt cháy. Farkhonda Hassan nhớ lại: "Bà đệ nhất phu nhân trông rất kiên cường và bình tĩnh". Suzanne không hề tin về một cuộc khủng hoảng đang tới. Bà còn không nhận ra "cung điện" của gia đình Mubarak đang bị thất thủ. Đặc biệt vào những năm sau này của mình, Suzanne Mubarak hầu như không bỏ sót việc quan sát các tuyến đường ở Cairo thông qua một ô cửa nhìn trộm được mạ vàng.

Trong thâm tâm của Suzanne, các bức tường được quét vôi mới, nhiều loài hoa được trồng trọt lại, cỏ mọc xanh mơn mởn, người Ai Cập đang nở nụ cười mãn nguyện. Nếu bạn là một phần của đoàn xe hộ tống Hoàng gia Ai Cập thì chí ít bạn sẽ nhìn thấy một Ai Cập sạch sẽ và dân Ai Cập đang hạnh phúc. Báo chí phương Tây thường nhớ lại hình ảnh của đệ nhất phu nhân Suzanne Mubarak với vẻ mâu thuẫn nhẹ nhàng, bà là mẫu phụ nữ đầy nữ tính và ráng sức làm những công việc "không công" trong thể chế kinh doanh của gia đình. Một hồ sơ vào năm 1988 đăng trên tờ New York Times đã mô tả con người của Suzanne Mubarak là "tự tin và lưu loát".

Dù vậy Suzanne Mubarak không muốn làm cái bóng sau tấm lưng trần khổng lồ của chồng mình, bằng chứng rõ ràng là quyền lực chính trị của bà phát triển như nấm ngay sau khi sức mạnh của chồng tiêu tan. Một nhà nữ quyền khẳng định: "Suzanne không liên quan gì đến chế độ này, bởi đơn giản bà là vị vua tối cao của nó".

Trong suốt triều đại của mình, Hosni Mubarak chỉ là một Pharaoh không ấn tượng - một Hoàng đế ảo. Trong vòng 5 năm cầm quyền cuối cùng của mình, Hosni Mubarak đã lui về ở ẩn trong một biệt thự nghỉ mát tại đặc khu Sharm al-Sheikh và lệ thuộc hoàn toàn vào vợ và các con trai. Đệ nhất phu nhân hay el hanem theo cách gọi kính trọng của người dân Ai Cập dành cho Suzanne Mubarak.

Sau khi Hosni Mubarak thoái vị, cựu đệ nhất phu nhân Ai Cập cũng lui về hậu phương của chồng, song cũng kể từ đó bà dường như "biến mất" khỏi tầm mắt của cư dân và công luận. Nhưng thực tế vào tháng 5/2011, Suzanne gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn sau khi bản thân bị chính quyền mới giam giữ và thẩm vấn về những khoản tài sản bị nghi là phi pháp. Và Suzanne cũng nhanh chóng được phóng thích sau khi đã đóng khoản tiền phạt lên tới 3,4 triệu USD và một biệt thự ở Cairo - mặc dù một số nguồn tin cho biết gia đình Suzanne hiện đang có khối tài sản lên đến nhiều tỷ USD.

Từ sau khi lui về hậu trường, Suzanne chỉ liên lạc với một vài người bạn và tờ Daily Beast đã hết sức cố gắng trong việc tiếp cận bà để có được những tiết lộ chưa từng được công bố từ trước tới nay. Người Ai Cập đưa ra những giải thích khác nhau về trạng thái tinh thần rối loạn của Hosni Mubarak đã nhấn chìm đất nước trong suốt 3 thập kỷ cầm quyền: gia đình Mubarak tin rằng Ai Cập sẽ sụp đổ nếu không có bàn tay của họ. Riêng bà bạn thân Farkhonda Hassan đã thốt lên với vẻ tiếc nuối: "Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mọi chuyện sẽ diễn ra như thế này. Anh có biết lý do tại sao không?".

Người phụ nữ mạnh mẽ và đề cao vai trò của người vợ trong gia đình 

Suzanne Mubarak hay cái tên thời con gái là Suzanne Thabet, đã chào đời trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở thị trấn Minya ven bờ sông Nin huyền thoại. Cha của Suzanne là một bác sĩ, còn mẹ người gốc xứ Wales (Anh) là một y tá. Lớn lên thêm chút nữa, gia đình của Suzanne đã dọn đến sinh sống ở khu phố sang trọng Heliopolis thuộc Thủ đô Cairo, thiếu nữ Suzanne thường thích đắm mình bơi lội tại Heliolido Club ở Heliopolis.

Gia đình Hosni Mubarak trong bức ảnh chụp vào năm 1984, bức ảnh đặc tả buổi lễ tốt nghiệp đại học của cậu con trai Gamal.

Một bài viết đăng trên tờ Daily Beast từ năm 1956 đã nói rằng cô thiếu nữ 15 tuổi Suzanne Thabet là người đam mê các mẫu truyện trinh thám và yêu thích múa ba-lê, cô ao ước khi trưởng thành sẽ trở thành "nữ tiếp viên hàng không". Những nụ cười tươi tắn và duyên dáng trong những bức ảnh thời đó nhanh chóng đã trở thành định mệnh cuộc đời của Suzanne Thabet. Bản thân Suzanne là một phần của một thế hệ những người trẻ kết hôn với nhau, và hiếm khi vì tình yêu.

Khi Suzanne tròn 17 tuổi, một lần tình cờ cô đã gặp gỡ chàng sĩ quan quân đội 30 tuổi tên là Hosni Mubarak, tình yêu tình cờ đã ươm thành trái ngọt: họ có hai cậu con trai xinh xắn tên là Alaa và Gamal.

Sau khi chồng trở thành Phó Tổng thống Ai Cập và các con trai đi học đại học thì tham vọng và sự tò mò trong con người Suzanne cũng tăng theo. Bà đã đăng ký theo học ngành Khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo, sau đó nhận được bằng Thạc sĩ Xã hội học. Suzanne có ý thức trong lĩnh vực giáo dục nhưng sự quan tâm đến nhà nước lại đến đầu tiên.

Cánh tay mặt vững chắc cho sự nghiệp của chồng 

Tầm nhìn của Suzanne Mubarak ngày một lớn mạnh sau khi Hosni Mubarak trở thành Tổng thống Ai Cập vào năm 1981. Trong vòng 10 năm đầu tiên làm đệ nhất phu nhân, Suzanne vẫn còn là con người khiêm tốn, kiệm lời, bà chú trọng vào giáo dục và chăm sóc con cái. Nhưng điều khiến cho các nhà phê bình nhiệt liệt hoan nghênh Suzanne chính là chương trình "Đọc sách cho mọi người", bà đã cho xuất bản hàng ngàn quyển sách giá rẻ, hầu hết dành tặng cho các gia đình nghèo khổ.

Trong thập niên 1990, Suzanne đã làm việc cận kề với Bộ trưởng Văn hoá Ai Cập để xây dựng nên các viện bảo tàng và thư viện sách. Mặc dù tỏ ra quan tâm tới phụ nữ song dưới thời cầm quyền của chồng, chính quyền của Hosni thậm chí còn cấm các tổ chức nữ quyền phi chính phủ hoạt động.

Khi gia đình Mubarak bước vào thập kỷ thứ 3 cầm quyền của mình, bà Suzanne đã chuyển hướng quan tâm của mình từ sân khấu trong nước đến sân khấu quốc tế. Trong hồ sơ cá nhân của Suzanne có vô số danh hiệu vì những hoạt động nhân đạo mang tính toàn cầu của bà. Thực vậy, khi được hỏi liệu điều gì là quan trọng nhất đối với Suzanne thì ông Farouk Hosny, Cựu Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập đã không hề giấu giếm mà rằng: "Bà Suzanne Mubarak không thôi ao ước rằng một ngày nào đó sẽ tự mình chiến thắng một giải thưởng quốc tế". Nhiều người Ai Cập tin rằng bà Suzanne luôn mơ về giải Nobel.

Ai Cập từng được cai quản bởi thể chế "gia đình trị".

Từ sau khi rời xa chốn chính trường, gia đình Mubarak bắt đầu cuộc sống ẩn dật tại các cung điện, từ chối cho phép các tờ báo đối lập đặt chân vào nơi ở của họ. Đất nước Ai Cập đang bước sang một thời kỳ khi mà không chỉ chính quyền quân sự còn non trẻ mà nạn tham nhũng giữa các tầng lớp quý tộc cầm quyền đang mặc sức lan tràn.

Dân số Ai Cập đang trương phình, quyền truy cập Internet được nới rộng và thế hệ trẻ bắt đầu chia sẻ những mối quan hệ khác nhau với nhà cầm quyền của mình. Dù thoái vị song bà Suzanne không hề nao núng mà vẫn tiếp tục thúc đẩy gia đình mình duy trì quyền lực. Một số người quen biết với gia đình Mubarak nhận xét rằng Suzanne là người lôi cuốn, kỹ lưỡng trong mọi tính toán, luôn thuyết phục chồng không nên yếu mềm.

Bên cạnh niềm say mê được trở thành người vợ tốt, chăm sóc tận tụy cho chồng con thì Suzanne còn muốn con cái, cháu chắt và cả người dân trên quê hương bà nhận được một nền giáo dục tốt hơn và mạnh tay hơn trong công tác đấu tranh chống lại nghèo đói.

Bằng lòng với cuộc sống sau ánh vàng kim 

Các nhà điều tra đã tìm thấy những tài khoản đáng ngờ tại các tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan văn hoá của Suzanne - một nhà báo đã cáo buộc cựu đệ nhất phu nhân đang kiểm soát một tài khoản trị giá 145 triệu USD liên quan đến Thư viện Bibliotheca Alexandrina. Kể từ thời gian ngắn bị tạm giữ vào năm ngoái 2010, Cơ quan lợi ích bất hợp pháp của Ai Cập (IGA) đã tiếp tục theo đuổi các khoản tài sản của Suzanne. Phía ngân hàng Thụy Sĩ đã cho đóng băng các tài khoản trị giá 340 triệu USD thuộc về gia đình Mubarak và cơ quan phía Ai Cập đang mong đợi sẽ khám phá ra nhiều hơn các khoản tiền bị che giấu. Ước đoán phạm vi tài sản của gia đình Mubarak dao động từ 2 tỷ USD lên đến con số 70 tỷ USD.

Sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống chính trị cùng chồng trong khoảng thời gian dài trước đó, hôm nay cựu đệ nhất phu nhân Suzanne Mubarak đang yên ả trong một biệt thự xinh đẹp toạ lạc ở ngoại ô Cairo, hằng ngày bà cùng tài xế lái xe riêng đến thăm chồng khi ông đang đợi ngày ra phiên toà xét xử. Hai cậu con trai Gamal và Alaa cũng đang ngồi tù trong cùng buồng giam. Theo luật sư riêng của gia đình Mubarak thì nhà chức trách Ai Cập thanh toán tiền viện phí, thăm khám, thuốc men cho cựu Tổng thống Hosni Mubarak, trong khi đó phu nhân Suzanne sống nhờ đồng lương hưu của chồng, ước tính vào khoảng 15.500 USD/tháng, một số tiền quá cao khi mà thu nhập trung bình của một người làm công ăn lương ở Ai Cập chỉ vào khoảng 100 USD/tháng.

Mặc dù là người đàn bà lừng danh sau lưng chồng, song có một sự thật đáng ngạc nhiên là người dân Ai Cập không biết nhiều về bà. Cả hai vợ chồng Mubarak đều rất kín tiếng và chưa từng bộc lộ bất kỳ cá tính cá nhân nào ra trước công chúng. Không có bất kỳ điều gì đặc biệt về hai vợ chồng nhưng dù thế nào đi nữa, ngay cả trong và sau ánh vàng son huy hoàng, Suzanne vẫn không bỏ rơi Hosni, bà nhủ thầm rằng cuộc đời sướng khổ ngọt bùi đã đủ đầy, bà không muốn đi thêm bước nữa khi chỉ có Hosni mới thấu hiểu con tim bà đang nghĩ gì về ông và gia đình nhỏ của mình

Nguyễn Thanh Hải (theo Daily Beast)
.
.
.