Đòi lại cô dâu sau 20 ngày cưới

Thứ Ba, 16/04/2013, 11:33
Một đôi trẻ tật nguyền thương yêu nhau, rồi cưới hỏi. Đám cưới rình rang, xe hơi rước dâu, cũng tổ chức đám tiệc linh đình mời quan viên hai họ. Nói chung là đầy đủ mọi thủ tục hỷ sự, trừ việc chưa đăng ký kết hôn. Cuộc sống vợ chồng êm ấm chỉ mới được 20 ngày thì đùng một cái nhà gái tuyên bố… đòi lại con!

Đằng sau câu chuyện bi hài diễn ra ở Bình Dương này nỗi buồn về ứng xử giữa những bậc cha mẹ với nhau trước hạnh phúc của con mình!

"Con gái tôi ở nhà là cơm hầu canh hạ"

Mọi chuyện bắt đầu khi đôi trẻ - anh Nguyễn Quốc Hùng (24 tuổi, ngụ xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, Bình Dương; bị bại liệt hai chân, di chuyển bằng xe lăn) và chị Nguyễn Thị Yến (26 tuổi, ngụ phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương; bị bại não bẩm sinh, thân hình cũng dị tật nên đi lại rất khó khăn) quen biết rồi thương yêu nhau trong thời gian học chung tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương. Thấy tình cảm đã chín, Hùng về nói chuyện với bố mẹ lo việc cưới hỏi, mọi chuyện sau đó có vẻ hết sức thuận lợi khi nhà gái chấp nhận cho đôi trẻ nên duyên (vào cuối tháng 1/2013).

Tuy nhiên, sau đám cưới khoảng 20 ngày, nhà gái đã đòi lại cô dâu. Và từ đó đến nay, đôi trẻ này đã mỗi người một nhà, dù anh Hùng cùng cha mẹ đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng địa phương "Yêu cầu ngăn chặn và xử lý nghiêm minh vi phạm Luật Hôn nhân gia đình và Luật người khuyết tật" với hai nguyện vọng: đưa Yến về sống chung và giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn.

Chúng tôi tìm đến nhà của cha mẹ Yến (phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một) vào giữa trưa với cái nắng nóng gay gắt. Căn nhà cấp 4 mái tôn nằm ngay sát bên cạnh rất nhiều ngôi mộ càng làm cho cái nóng thêm hầm hập.

Ông Nguyễn Hơn (45 tuổi, làm nghề tự do) và bà Trần Thị Lân (47 tuổi, làm nghề nướng bánh đa thuê) cho biết, Yến là con gái đầu trong bốn người con, Yến bị bại não bẩm sinh, đi lại khó khăn, suy nghĩ và nhận thức không được như người thường.

Hình đám cưới hạnh phúc của Hùng và Yến.

Và lý do ông bà đòi lại con gái là vì không muốn con tật nguyền phải chăm lo cho người khác, ngoài ra thái độ của bên sui gia không đúng mực, và cả chuyện tiền bạc khi tổ chức đám cưới cũng là nguyên nhân khiến cho vợ chồng ông bà không thoải mái …

Ông Hơn thở dài, kể lại sự việc: "Lúc đầu khi biết chúng nó quen nhau rồi anh chị sui xuống nhà nói chuyện, tôi cũng chưa đồng ý ngay vì con tôi vốn bị bệnh bại não, bản thân còn lo chưa xong, nhưng con Yến bỏ ăn hai ngày để phản đối quyết định của bố mẹ, chúng tôi chiều con đành phải đồng ý gả. Đám cưới xong mình cũng nghĩ họ tạo điều kiện để các con xuống nhà cho xóm làng biết nhà tôi có rể có dâu nhưng họ đã không làm được…".

Tiếp lời chồng, bà Lân cho hay: Chúng tôi lên nhà họ chơi rồi chở thằng rể xuống nhà ở mấy ngày với mục đích xem hai đứa chung sống với nhau thế nào. Và trong một tuần ở đây, tôi thấy rất không ổn, mọi sinh hoạt của thằng rể gần như con tôi đều phải lo, ngay như việc đi tiểu con tôi cũng phải đổ nước tiểu cho nó, đi tắm con bé cũng phải vào tắm cho nó, rồi sau đó thay đồ, giặt quần áo cho nó… Có lẽ ở nhà chồng, nó cũng phải làm y vậy thôi, thấy thế tôi mới nghĩ con mình đã tật nguyền lại còn phải chăm lo cho người khác thì không được rồi…

Vì thế, khi anh chị sui xuống nhà với ý định rước cả hai đứa về, tôi bảo họ cứ chở con rể về trước, còn Yến thì cứ để ở lại với chúng tôi ít ngày nữa, rồi từ từ ngày nào rảnh tôi sẽ chở lên. Vừa nghe thế, chị sui đã lớn tiếng nói là ngày nào thì anh chị phải nói rõ ngày đó cho tôi biết, tôi tức quá vì thấy sui gia mà ăn nói kiểu đó coi không được, nên tôi cũng lớn tiếng lại rằng “chị muốn rõ ràng thì tôi nói luôn là chị chở con chị về đi, để con Yến lại đây tôi tính sau…".

Nghe vợ nói chuyện, ông Hơn tỏ ra bức xúc: "Con gái tôi ở nhà là cơm hầu canh hạ, nhưng tôi thấy khi về nhà chồng thì nó phải làm mọi việc. Chồng nó ngồi một đống có làm gì được đâu, mà biết thằng rể có sống được mấy năm nữa, lỡ khi nó chết, mình lại phải đem con mình về chăm sóc à, mà họ đã kêu thì mình không thể bỏ con mình được".

Sau khi trò chuyện một lúc, Yến được bố mẹ gọi từ nhà trong đi ra với những bước chân khá khó khăn. Yến nói không rõ tiếng nên rất khó nghe, phải nhờ sự "nói lại" của bố mẹ Yến chúng tôi mới hiểu hết lời Yến nói.

Ý em giờ sao, chúng tôi hỏi. Câu trả lời của Yến khiến chúng tôi bất ngờ: "Em sẽ ở đây, anh ấy còn thương em thì xuống đây thăm em, vậy thôi. Em thấy về đó (ý là về nhà chồng) không có tương lai, mà lại khổ cho ba mẹ em nữa - mất công khổ cả đám luôn, em nghĩ kỹ rồi".

"Giờ mình buồn thì ít mà con nó buồn thì nhiều"!

Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi tìm tới nhà Hùng. Ông Nguyễn Hữu Tài (49 tuổi, làm bảo vệ một công ty ở gần nhà), bà Lý Ngọc Giao (43 tuổi, nội trợ) là bố mẹ của Hùng và Hùng đang ngồi ở chiếc bàn để giữa sân nhà như chuẩn bị tiếp đón khách nhằm trình bày câu chuyện "oái ăm" của gia đình mình.

Bà Giao buồn bã giãi bày: "Lúc chúng tôi xuống nhà hỏi chuyện cưới xin, tôi nghĩ mình đi hỏi là để cho con nó vui thôi, được thì được mà không được thì con mình cũng mát bụng.

Lúc đầu tôi thấy mọi chuyện đều tốt đẹp chứ không có gì cả, cho tới ngày 14 Tết khi chúng tôi xuống nhà sui gia định rước vợ chồng Hùng về sau một tuần chúng nó ở bên nhà vợ thì sui gia bảo rằng Hùng tàn tật không nuôi nổi vợ, giờ họ bắt con lại… Nghe thế tôi mới nói, đáng lẽ từ đầu anh chị đừng gả, chứ giờ đám cưới rồi không có lý do gì mà anh chị bảo bắt dâu tôi ở lại là tôi không đồng ý, vừa nói dứt câu, anh sui chửi mắng và yêu cầu chúng tôi ra khỏi nhà, khiến tôi tức phát khóc… 

Hùng và bố mẹ bức xúc trước việc "đòi lại dâu".

Theo ông Tài thì lúc đầu nhà gái hoàn toàn không nói gì đến chuyện bệnh tật 'bại não' của Yến. "Lúc qua cưới hỏi, nhà gái giấu bảo là con họ khỏe hơn con tôi nữa, con gái họ dù đi yếu nhưng vẫn đỡ hơn con tôi không đi được và họ không hề nói gì đến chuyện Yến bị bại não. Khi tổ chức đám cưới, nhà gái cũng đòi hỏi xe hoa, sính lễ tùm lum hết… ông Tài phân trần.

Nhìn đứa con trai ngồi buồn lặng nghe chuyện, bà Giao lắc đầu ngao ngán: "Tự nhiên cưới dâu về được có 20 ngày mà họ đành đoạn bắt con lại để cho hai đứa trẻ đều buồn vậy, tôi thấy quá đau. Chỉ thương cho hai đứa trẻ thôi".

Nhắc tới con dâu, đôi mắt bà Giao ánh lên niềm vui: "Yến đối xử với gia đình tôi đàng hoàng lắm, nó lo lắng cho chồng đâu ra đó, tôi thấy dù không làm được gì nhiều cho mình và chỉ sống với chúng tôi có ít ngày, nhưng tôi thương nó lắm, ở nhà cứ một điều mẹ hai điều mẹ, đến chiều nó bảo mẹ đi tắm trước đi để nó giặt đồ cho, mà tôi đã giấu bộ đồ đi rồi vậy mà nó vẫn mon men đi kiếm mang vào giặt. Rồi sân trước nhà lá cây rụng nhiều, dù đi lại khó khăn nó vẫn lấy chổi quét, dù ngã lên ngã xuống vẫn đứng dậy quét tiếp, la nó đừng có quét mà nó vẫn làm. Nó thương mình bằng cả tấm lòng và mình cũng thương nó như vậy!".

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì sáng ngày thứ 6 (5/4/2013), Ban Tư pháp phường Phú Hòa sẽ mời gia đình hai bên cùng tới để hòa giải mọi chuyện. Tuy vậy, dù kết quả hòa giải có ra sao thì có lẽ trong câu chuyện này, hai chữ tình người chưa được coi trọng, cách xử sự giữa hai nhà với nhau chưa được tế nhị, khéo léo, có lẽ không ít thì nhiều chuyện tiền bạc cũng đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt giữa hai bên sui gia, và dù gì đi nữa, buồn khổ nhất vẫn là đôi trẻ tật nguyền!

Theo vợ chồng ông Tài thì vợ chồng ông có cả thảy bốn người con, Hùng là con đầu, sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến chừng 8 - 9 tuổi người mới bị teo tóp dần, chân co rút lại, khi đi khám các bác sĩ chẩn đoán Hùng bị bệnh 'loạn dưỡng cơ'. Điều đau lòng là đứa em trai thứ ba của Hùng cũng bị bệnh gần giống như Hùng, chân tay, cột sống cũng biến dạng, cơ teo tóp dần, với chẩn đoán bệnh bị 'teo cơ giả phi đại' do có hai nhóm máu (?)

"Ngoài Hùng và đứa con trai thứ ba thì chúng tôi còn có đứa con gái thứ hai đang học lớp 12 và thằng út đang học lớp 7. Hai đứa này hiện vẫn bình thường, khỏe mạnh nhưng theo các bác sĩ chẩn đoán thì rất có thể thằng con trai út cũng sẽ diễn tiến bệnh giống như hai anh em Hùng do nguồn gốc gen di truyền… Buồn lắm chú ơi, không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến là đau xót khôn nguôi, nếu thằng út cũng bị như vậy chắc tôi không sống nổi", bà Giao cố ngăn dòng nước mắt buồn đau.

Theo bà Giao thì người chị ruột thứ ba của bà cũng có một đứa con trai bị tình trạng giống như hai anh em Hùng. Qua bài viết này, vợ chồng ông Tài rất mong muốn được các nhà khoa học, các bác sĩ chuyên khoa nghiên cứu giúp đỡ để làm sao cho đứa con trai út của ông bà không bị bệnh giống như hai anh của mình.

Phú Lữ
.
.
.