Giải oan cho người 28 năm mang tiếng giết chồng

Thứ Năm, 26/10/2017, 15:51
Mang tiếng oan vợ giết chồng, con giết cha, gia đình bà Đặng Thị Nga (Khối 8, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) phải ngậm đắng nuốt cay trong suốt 28 năm qua.


Bị gia đình bên nội hắt hủi, bị hàng xóm đàm tiếu, sự tủi hổ ấy cũng đã khiến người con cả của bà Nga phải phát bệnh rồi ôm mối hận cho đến khi nhắm mắt cũng không được minh oan. Và chỉ cho đến khi những lá đơn kêu oan được đưa tới đúng chỗ, mối oan ức suốt nửa đời người ấy mới được đưa ra ánh sáng và gột rửa hoàn toàn…

"Kỳ án" dưới chân đèo Pha Đin

Cho đến tận bây giờ, bà Đặng Thị Nga vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy, ngày mà bà phát hiện ra thi thể của chồng là ông Trịnh Huy Tùng ở dưới giếng, đó là khoảng 16 giờ ngày 18-9-1989. 

Khi phát hiện ra thi thể chồng, bà Nga vô cùng hoảng sợ và vội vàng báo cho cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, Công an huyện Tuần Giáo ngay lập tức đã có mặt ở hiện trường và làm công tác khám nghiệm.

Kết quả giám định cho thấy, sọ não nạn nhân thể hiện bị vỡ do đánh bằng búa và gậy. Sau đó, Công an huyện Tuần Giáo đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bà Đặng Thị Nga với tội danh “Giết người”. 

Hơn một tháng sau đó, vào ngày 26-10-1989, Phòng Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lai Châu ra Quyết định khởi tố bị can với anh Trịnh Công Hiến và anh Trịnh Huy Dương (con trai bà Nga) về tội “Giết người” và khoảng 1 tháng sau thì tiến hành bắt tạm giam đối với Hiến, Dương.

Ngày 25-1-1990, Viện KSND tỉnh Lai Châu đã có cáo trạng truy tố Trịnh Công Hiến, Trịnh Huy Dương về tội “Giết người” theo điểm a, khoản 1, điều 101 và truy tố Đặng Thị Nga về tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1, điều 246, Bộ luật Hình sự năm 1985. 

Ngày 12-4-1990, TAND tỉnh Lai Châu đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trịnh Công Hiến 18 năm tù, Trịnh Huy Dương 12 năm tù về tội “Giết người”; còn bị cáo Đặng Thị Nga bị phạt 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng về tội “Che giấu tội phạm”.

Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đều nhận tội. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, bị cáo Trịnh Công Hiến có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm hình phạt. Tiếp đó, bị cáo Trịnh Huy Dương cũng kháng cáo, xin giảm án. Trong thời gian này, các bị cáo có đơn kêu oan, đã thay đổi lời khai, không nhận tội. 

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 18-12-1990, Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lai Châu để tiến hành lại tố tụng từ giai đoạn điều tra với lý do có một số thiếu sót điều tra ở cấp sơ thẩm nay cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. 

Sau khi nhận lại hồ sơ vụ án, Viện KSND tỉnh Lai Châu đã trả hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Lai Châu để điều tra lại. Ngày 7-1-1992, VKSND tỉnh Lai Châu ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương với lý do “Hết thời hạn tạm giam”. Đây cũng là văn bản tố tụng cuối cùng được lưu trong hồ sơ vụ án.

Điều đáng nói, vào tù rồi lại được thả nhưng từ đó cho tới nay đã gần 30 năm, chẳng có một kết luận nào về vụ án. Liệu bà Nga và hai con trai có thực sự là thủ phạm giết chồng, giết cha hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ và điều đó đã khiến ba mẹ con bà Nga sống từng ấy năm trong cảnh họ hàng nghi ngờ còn người ngoài thì đàm tiếu.

Không chịu được nỗi oan ức ấy, trong gần 30 năm, bà Nga cùng hai người con sống vật lộn trong nỗi tủi nhục để ki cóp từng đồng, lặn lội mang lá đơn đi khắp nơi với ước mong được giải oan trước khi nhắm mắt. 

Anh Trịnh Huy Dương, con trai thứ của bà Nga sau khi ra tù đã phải bỏ xứ mà đi vì không chịu được sự miệt thị của mọi người, đi xin việc thì không ai nhận. Nhưng anh Dương vẫn còn may mắn hơn người anh trai Trịnh Công Hiến. Chỉ vì mang cái tiếng giết cha mà người yêu bỏ đi lấy chồng, còn anh từ đó mang bệnh rồi ôm hận mà từ bỏ cõi đời vào năm 2004.

Theo anh Vương – con trai út của bà Nga cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi xảy ra rất nhiều biến cố. Gia đình bên nội đã từng viết đơn đề nghị tử hình tất cả mấy mẹ con. Nhưng cho đến khi mẹ tôi được ra tù thì thái độ của họ mới dần bình thường trở lại. Khi cha tôi mất thì tôi mới được 10 tuổi nhưng cũng đủ để hiểu hết mọi chuyện”.

Thấm thoát đã 28 năm trôi qua, từ một đứa trẻ, anh Vương giờ đây đã là một người đàn ông tứ tuần. Trong từng ấy năm, anh đã cùng mẹ mình làm đơn gửi nhiều nơi để kêu oan, chứng kiến mẹ mình từ một người phụ nữ đầy sức sống rồi dần dần tiều tụy ra sao. 

Cũng do gia đình anh rơi vào hoàn cảnh như vậy nên các anh em trong nhà đều không được học hành đến nơi đến chốn, chị gái anh Vương thì làm may còn anh gắn bó với nghề xây dựng. Hiện tại, do sức khỏe không được tốt nên bà Nga chuyển về ở với con gái để tiện chăm sóc.

Bà Nga nhận quyết định đình chỉ điều tra.

Nỗi oan được giải

Tưởng rằng cho đến cuối đời cũng không giải được nỗi oan của mình và hai con thì cách đây không lâu, lá đơn của bà Nga đã đến được nơi cần đến. Theo đó, ngày 4-10-2016, Viện KSND tỉnh Điện Biên nhận được đơn kêu oan đứng tên bà Đặng Thị Nga trong vụ án “Giết người” cách đây 28 năm. 

Ngay sau khi nhận được đơn, lãnh đạo Viện KSND tỉnh và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã khẩn trương tổ chức họp bàn giải quyết đơn của bà Nga; đồng thời chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai phối hợp truy tìm, thu thập các tài liệu của hồ sơ vụ án, tìm gặp, yêu cầu các cán bộ đã từng tham gia giải quyết vụ án báo cáo quá trình giải quyết nhằm làm rõ kết quả điều tra, truy tố, xét xử để có cơ sở trả lời đơn kêu oan của bà Nga.

Trong quá trình xem xét đơn kêu oan của bà Nga, Công an tỉnh Điện Biên đã khẩn trương chỉ đạo đơn vị chức năng tìm lại hồ sơ và gặp những người trước đây có tham gia giải quyết vụ án. Tuy nhiên, do vụ án đã xảy ra quá lâu nên các cán bộ phụ trách tìm kiếm lại hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn. 

Bởi lẽ, khi xảy ra vụ án, huyện Tuần Giáo thuộc tỉnh Lai Châu và do các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lai Châu giải quyết (năm 2004 tỉnh Lai Châu được chia tách thì huyện Tuần Giáo thuộc tỉnh Điện Biên), đa số những người trực tiếp tham gia giải quyết vụ án đã chết nên rất khó khăn trong quá trình đánh giá, kết luận về vụ án...

Trước tình hình đó, ngày 11-10-2017, liên ngành tố tụng tỉnh Điện Biên đã trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành tố tụng Trung ương về việc giải quyết vụ án và giải quyết đơn của bà Nga; đồng thời, chỉ đạo Cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra đối với các bị can Đặng Thị Nga, Trịnh Công Hiến, Trịnh Huy Dương, công khai xin lỗi và bồi thường theo quy định pháp luật.

Có lẽ không ai nghĩ rằng, rồi có một ngày căn nhà cấp 4 nằm nép dưới chân đèo Pha Đin sau từng ấy năm chất chứa u uất bỗng có một ngày tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Người thân, họ hàng ở khắp nơi và cả những người hàng xóm khi biết tin gia đình bà Nga được minh oan liền sang chia vui. 

Tối ngày 18-10, sau khi nhận được giấy mời của cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên, anh Dương vội vã lên xe về Tuần Giáo ngay trong đêm. Rồi sáng ngày hôm sau, hai mẹ con bà Nga dậy từ rất sớm mặc bộ quần áo mới nhất và đi cùng luật sư lên trụ sở UBND thị trấn Tuần Giáo để nhận Quyết định đình chỉ điều tra bị can. 

Đối với họ, tờ giấy mỏng manh này giống như bản khai sinh lần thứ hai, giúp những người trong gia đình được sống ngẩng cao đầu, bước sang một trang mới. Việc tổ chức công bố và trao quyết định đình chỉ điều tra cho bà Đặng Thị Nga (80 tuổi, trú thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo) cùng hai người con trai là Trịnh Công Hiến (đã chết) và Trịnh Huy Dương (47 tuổi) do đại diện Viện KSND và Công an tỉnh Điện Biên tổ chức.

Theo ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, TAND tỉnh Điện Biên sẽ chủ trì buổi xin lỗi công khai đối với gia đình bà Đặng Thị Nga tại khối 8, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tại trụ sở UBND thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo vào sáng 24-10-2017. 

Buổi xin lỗi công khai này sẽ minh oan cho gia đình bà Đặng Thị Nga, đồng thời thể hiện trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Điện Biên. 

Ông Nam cũng cho biết, TAND tỉnh Điện Biên đã đề nghị Công an tỉnh Điện Biên bảo vệ tuyệt đối cho buổi xin lỗi công khai và sẽ làm tất cả mọi việc để minh oan cho gia đình bà Đặng Thị Nga, giúp gia đình không còn phải chịu cảnh oan ức suốt 28 năm qua.

Đinh Hiền - Lê Phong
.
.
.