Hậu làn sóng ly hôn chồng ngoại ở miền Tây

Thứ Ba, 15/11/2016, 14:54
Những năm trước, qua mai mối, hàng chục ngàn cô gái trẻ vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lấy chồng nước ngoài mang theo "giấc mơ đổi đời".


Cuộc sống làm dâu xứ người không như mong muốn, hàng loạt cô gái ly hôn, ôm con về ngoại. Phần lớn những trường hợp này đều gặp nhiều khó khăn về pháp lý, kinh tế... Gần đây, số phụ nữ ly hôn ngày càng tăng, những đứa trẻ ra đời sau các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài càng nhiều và kéo theo nhiều hệ lụỵ.  

"Khoảng 2-3 năm trở lại đây, số trẻ con lai về nước tăng đột biến, nảy sinh nhiều vấn đề tư pháp, nhân thân. Toàn tỉnh có 160 học sinh có yếu tố nước ngoài, nhưng chỉ mới có 1/3 số học sinh này được đăng ký khai sinh tại Việt Nam", thầy Bùi Đức Quang - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang) nói.

Hàng chục ngàn phụ nữ ly hôn

Hậu Giang là một trong những tỉnh có số lượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài chiếm tỷ lệ khá cao tại vùng ĐBSCL. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 13.900 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Sau hôn nhân, việc học hành của những đứa con lai gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý.

Trong số đó, có hơn 5.700 trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Số còn lại đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài (ghi chú kết hôn). Ghi chú kết hôn với Hàn Quốc 8.256 trường hợp, chiếm 99,77%.

“Trong 3 năm gần đây, các trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam có xu hướng tăng. Năm 2013 tăng 287 trường hợp, năm 2014 tăng 335 trường hợp và năm 2015 tăng 428 trường hợp", một cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang cho hay.

Số phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài tăng cao, số vụ ly hôn cũng không ít. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hậu Giang giải quyết ghi chú ly hôn 956 trường hợp (trong đó ly hôn với người Hàn Quốc là 630 trường hợp).

Theo lãnh đạo Sở Tư Pháp tỉnh Hậu Giang, thủ tục kết hôn tại Hàn Quốc tương đối dễ và không cần phải có mặt cô dâu (chú rể), nhưng cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc vẫn thừa nhận việc kết hôn này.

Huyện Vị Thuỷ là một trong những địa phương có nhiều phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Cán bộ tư pháp xã Vị Thắng (huyện Vị Thuỷ) cho biết, trên địa bàn có hơn 230 phụ nữ lấy chồng ngoại (đa số là Đài Loan và Hàn Quốc).

Phần lớn những cô gái này gia đình đều có kinh tế khó khăn, muốn thoát nghèo kiếm tiền gửi về quê. Có nhiều trường hợp, cưới xong gia đình chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng, nhưng họ chấp nhận, với hi vọng ra nước ngoài làm việc kiếm được tiền.

Qua mai mối, G (20 tuổi) lấy người chồng Trung Quốc. Khi sang làm dâu, G phát hiện nhà chồng ở tận vùng nông thôn heo hút. Gia đình chồng rất nghèo, gạo cũng chẳng đủ ăn và thường xuyên phải lót dạ bằng rau xanh nên đã bỏ trốn về nước. Tương tự, D (23 tuổi, cùng ngụ huyện Vị Thuỷ) được mai mối lấy chồng Hàn Quốc.

Do bất đồng về văn hoá, ngôn ngữ nên D thường xuyên bị chồng đánh đập. "Chồng tôi luôn nghe theo lời của mẹ anh ấy, đánh đập vợ không thương tiếc. Cuộc sống quá cực khổ, tôi buộc lòng phải ôm con trai về ngoại sinh sống", D nói.

Hôn nhân đổ vỡ, các cô gái ôm con về ngoại. Tại 8 huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Hậu Giang, từ năm 2000 đến nay, có 340 trẻ em là con lai của các cuộc hôn nhân với người nước ngoài.

Thầy Bùi Đức Quang - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang) cho biết, khoảng 2-3 năm trở lại đây, số trẻ con lai về nước tăng đột biến, nảy sinh nhiều vấn đề tư pháp, nhân thân.

Toàn tỉnh hiện có 160 học sinh (mầm non 23 em; tiểu học 86 em và còn lại là trung học cơ sở) có yếu tố nước ngoài, nhưng chỉ mới có 1/3 số học sinh này được đăng ký khai sinh tại Việt Nam.

Trong đó, huyện Vị Thuỷ chiếm gần 50% học sinh có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Có hàng trăm trường hợp ly hôn đã gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi đi bước nữa hoặc tìm kế mưu sinh.

Cô Nguyễn Thu Giang, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Vị Thuỷ cho biết, toàn huyện có 75 trường hợp đang theo học ở cả 3 cấp. Phần lớn các em đều mang tên nước ngoài, một số ít mới có tên Việt Nam.

Do lấy phải chồng nghèo, Hằng về nước dụ dỗ các cô gái trẻ bán sang Trung Quốc.

Các em đến trường bằng cam kết của gia đình, bản dịch giấy khai sinh từ tiếng nước ngoài, hộ chiếu, giấy xác nhận tạm trú hoặc bằng hình thức học gửi và chờ bổ sung hồ sơ sau.

Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài trong độ tuổi đi học được tham gia học tập.

Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ cho biết: từ năm 2005-2015, tại Cần Thơ có 72.830 trường hợp cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Trong đó, số vụ ly hôn lên đến 14.871 trường hợp.

Do những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ và không hợp tính cách chồng nên các cô gái rất khó hoà nhập và dẫn đến ly hôn. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ đã làm cuộc khảo sát đối với phụ nữ kết hôn di trú chuẩn bị đi Hàn Quốc. Những người này cho biết, họ chỉ gặp chồng được một vài lần rồi đi đến kết hôn.

Phần lớn những cô gái được khảo sát đều trả lời gặp chồng tương lai chỉ vài lần, rồi đi đến kết hôn. Có đến 70,8% phụ nữ trả lời chỉ gặp chồng 1-2 lần, 21,1% gặp chồng 3-4 lần và 8,1% gặp chồng trên 5 lần.

Tỉnh táo trước "hôn nhân mai mối"

Một thực tế đã và đang xảy ra tại nhiều vùng nông thôn sông nước là không ít cô gái xem việc lấy chồng ngoại như một cơ hội đổi đời, báo hiếu gia đình. Qua mai mối, những cuộc hôn nhân diễn ra chóng vánh.

Chàng rể ngoại cho gia đình cô dâu số tiền tượng trưng sắm lễ, tổ chức đám tiệc cùng lời hứa hẹn cuộc sống xa hoa... Nhiều vụ án được cơ quan điều tra làm rõ, các trường hợp sang làm dâu xứ người bị đối xử tệ bạc, bị đánh đập phải bỏ trốn.

Có trường hợp được "giải cứu" nhưng vì mặc cảm đã bỏ xứ hoặc lần nữa "đánh đu số phận". Qua sự môi giới của bà Nguyễn Thị Bảnh (61 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), chị Trần Thị H (22 tuổi, ngụ huyện Phong Điền) đồng ý lấy chồng ngoại.

Quá trình làm thủ tục cho H xuất cảnh gặp trở ngại vì đã từng lấy chồng và sống tại Trung Quốc. Cuộc sống hôn nhân bế tắc, H bỏ trốn về Việt Nam nhưng không làm thủ tục xuất cảnh nên không thể làm hộ chiếu.

Để hợp thức cho H, bà Bảnh tìm mua giấy CMND mang tên Nguyễn Thị Thúy Hằng (24 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang). Bảnh lấy ảnh của chị H dán vào để làm hộ chiếu và làm giả giấy xác nhận tình trạng độc thân.

Sau đó, chị H được dẫn đi làm hộ chiếu và đến Đại sứ quán Trung Quốc làm thủ tục đăng ký kết hôn bằng tên mới là Nguyễn Thị Thúy Hằng. Khi Bảnh tiến hành giao dịch nhận tiền môi giới tại TP HCM thì bị lực lượng Công an TP Cần Thơ bắt quả tang.

Đường dây môi giới chồng ngoại do Bảnh tổ chức bị bắt quả tang.

Qua điều tra, bà Bảnh thừa nhận tổ chức cho 2 người đàn ông Trung Quốc gặp gỡ nhiều phụ nữ Việt Nam cưới làm vợ, với giá 120 triệu đồng mỗi trường hợp (trừ chi phí, gia đình các cô gái chỉ nhận 40 triệu đồng).

Dù sự việc đã trôi qua vài tháng, nhưng đến giờ Th (17 tuổi, ngụ quận Ô Môn) vẫn còn ám ảnh chuyện bị lừa bán qua Trung Quốc bằng thủ đoạn "cưới chồng ngoại" để có cuộc sống giàu sang.

Th kể, một lần lên mạng Zalo làm quen với người phụ nữ tên Hằng. Vài lần trò chuyện, người này giới thiệu cùng quê Ô Môn và đang có cuộc sống rất hạnh phúc, sung túc với người chồng Trung Quốc.

Qua lời kể của Th, cha làm thợ hồ. Bản thân không có nghề nghiệp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi đó, Hằng tỏ ra quan tâm, thương cảm hoàn cảnh của Th. "Nhờ người ta mai mối, chị lấy được tấm chồng nước ngoài, vừa thật thà lại cưng chiều nên giờ sung sướng lắm", Hằng nói với cô gái trẻ.

Hằng hứa sẽ mai mối cho Th một người đàn ông cùng xóm với chồng mình bên Trung Quốc, vừa đẹp trai, có nghề nghiệp ổn định và giàu có. Nếu lấy được người đàn ông này, Th sẽ có cuộc sống sung sướng. Nhà chồng cho trước khoảng 70 triệu đồng để phụ giúp gia đình.

Trung tá Phạm Quang Công, Đội trưởng Đội điều tra án xâm phạm nhân thân (Phòng Cảnh sát hình sự), Công an TP Cần Thơ khuyến cáo: "Các đối tượng hoạt động tội phạm, buôn bán người luôn nghĩ ra những chiêu thức mới để lừa gạt dụ dỗ các cô gái trẻ. Từ giới thiệu việc làm có thu nhập cao, nay bọn chúng chuyển sang môi giới gả chồng nhưng cùng mục đích là đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán.

"Nhiều đối tượng, từng là nạn nhân trong các cuộc hôn nhân với người nước ngoài, sau đó câu kết với chồng và gia đình bên chồng thực hiện hành vi phạm tội.

Những người này trực tiếp về Việt Nam gặp gỡ rồi tìm cách đưa các cô gái sang Trung Quốc. Hầu hết các nạn nhân chúng nhằm vào là những cô gái có hoàn cảnh khó khăn, chưa nghề nghiệp ổn định, gia đình éo le, cha mẹ ly hôn…".

Văn Vĩnh
.
.
.