Rủi ro từ "phong trào" lấy chồng ngoại:

Kẻ khóc, người cười vì lấy chồng ngoại

Thứ Tư, 21/08/2019, 14:08
Lấy chồng ngoại không có gì là xấu và ước mơ về một cuộc sống sung sướng, nhàn hạ là điều ai cũng mong muốn. Trên thực tế đã có nhiều phụ nữ giúp gia đình được "nở mày nở mặt" khi lấy chồng ngoại quốc.


Nhưng có không ít chị em phải chịu cảnh chìm nổi, truân chuyên nơi đất khách quê người khi bị bạo hành hoặc biến thành nô lệ tình dục và có những người vĩnh viễn không bao giờ trở về quê hương…

Những bà mai quyền lực trong kỹ nghệ lấy chồng ngoại

Ở thôn My Sơn, xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), việc đẻ con trai với nhiều gia đình lại không được coi trọng nữa. Bởi theo nhiều người quan niệm, con trai chưa chắc đã có khả năng giúp đỡ bố mẹ như nhiều cô gái nơi đây. Khi đẻ ra một đứa con gái, họ đã chắc mẩm rằng chỉ khoảng 18, 20 năm sau, đứa con này có thể lấy chồng nước ngoài và gửi tiền về cho bố mẹ.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hải Phòng thì mỗi năm có khoảng 1.000 cô dâu lấy chồng Hàn Quốc. Song con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Đóng góp trong sự nhộn nhịp ấy là vai trò rất quan trọng của các bà mai mối người Việt Nam, được gọi mỹ miều là "madame".

Chúng tôi có dịp làm quen với "Madame" Th. - người nổi tiếng trong việc mai mối cho các cô gái lấy chồng nước ngoài. Năm 2014, Th. kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc và chỉ sau đó không lâu, chị này chuyển sang làm nghề mai mối cho các cô gái Việt muốn lấy chồng Hàn Quốc. 

Theo phân cấp, Th. sẽ là người trực tiếp dẫn các cô gái đi tuyển chồng. Do đặc thù "công việc", các "madame" quan hệ càng tốt với công ty môi giới thì "gà" của họ, tức là những cô gái ngấp nghé lấy chồng ngoại sẽ càng có cơ hội lớn hơn để kiếm được vị hôn phu tử tế, có điều kiện kinh tế và không có "vấn đề" gì trầm trọng ("vấn đề" ở đây muốn nói đến chuyện chàng rể Hàn Quốc quá nhiều tuổi, ngoại hình xấu, hoặc đôi lúc tâm thần bất thường - PV). Chính vì thế, chọn được "madame" uy tín là khâu quan trọng bậc nhất trên con đường xuất ngoại của các cô gái.

Một khóa "tốt nghiệp" của các cô gái chuẩn bị lấy chồng Hàn Quốc.

Theo chia sẻ của "madame" Th. đàn ông Hàn Quốc tìm đến các tỉnh phía Bắc để tuyển vợ ngày càng nhiều. Đa phần các chàng rể Hàn này đều đứng tuổi, có học thức và tương đối kỹ tính. Họ đã nghiên cứu tỉ mỉ trước khi đặt yêu cầu muốn lấy vợ là người miền Bắc. 

"Madame" Th. lý giải: "Phụ nữ Bắc đôi khi nhan sắc không quá nổi trội, song được cái chịu thương chịu khó. Và dễ chung sống với nhà chồng hơn. Ít xảy ra trường hợp cô dâu người gốc Bắc bỏ ra ngoài làm việc hay là bỏ chồng. Điểm này thì phụ nữ ở các tỉnh phía Bắc được đánh giá khá cao trong mắt các rể Hàn. Do đó, mấy năm gần đây, "gà" của chị toàn được gả vào chỗ tốt đẹp, khá giả".

Thông qua phiên dịch, phóng viên cũng được nghe điều tương tự từ hai người đàn ông Hàn Quốc (chừng 40 tuổi) đang chờ tuyển vợ ở Thủy Nguyên (Hải Phòng). Cả hai đều được "madame" Th. giới thiệu là giảng viên Đại học, có mức thu nhập cao, chưa từng lấy vợ. Họ yêu cầu rõ ràng là tìm cô dâu người miền Bắc, và đã chờ đợi "người thương" ưng ý gần 1 tháng. 

Trong câu chuyện, một trong 2 người chia sẻ: "Bạn bè bảo tôi nên vào các tỉnh phía Nam để tìm vợ, vì trong ấy phụ nữ trẻ hơn, đẹp hơn. Nhưng mà sau khi tìm hiểu mọi thứ, tôi quyết định nhờ công ty mai mối tìm vợ ở ngoài Bắc. Phụ nữ Bắc ít "bật" chồng, đó là điều tôi cần...".

Chàng rể Lee Chong (SN 1979) đang chờ kiếm vợ Việt Nam.

Nơi trọng nữ hơn nam

Ở thôn My Sơn, số gia đình có con gái lấy chồng Hàn Quốc khá nhiều, có những gia đình có tới 3 người con gái thì cả 3 đều lấy chồng Hàn Quốc.

Người đầu tiên lấy chồng Hàn Quốc ở đây là chị Hương. Theo nhiều người dân nơi đây kể lại rằng, trước đó chị Hương có quen với một người đàn ông Hàn Quốc. Người đàn ông này từng có thời gian dài làm việc tại Việt Nam nên anh cũng biết chút ít tiếng Việt. 

Sau khi quen biết một thời gian, cả hai quyết định đi tới hôn nhân. Ban đầu chị Hương vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những người thân trong gia đình. Họ lo lắng cho con gái một mình nơi đất khách quê người nếu có gặp bất hạnh, rủi ro sẽ không có ai ở bên. Nhưng trước sự chân thành và quyết tâm của chàng rể Hàn, bố mẹ chị Hương đã buộc phải đồng ý.

Sang Hàn Quốc, chị cũng có công việc ổn định, gia đình nhà chồng lại khá giả nên chị có tiền chuyển về nhà cho bố mẹ đẻ. Chuyện đổi đời của chị Hương đã lan xa đến mức, mỗi khi về nước, các cô gái trong xóm lại túm tụm đến hỏi thăm để nhờ… dắt mối.

Chứng kiến những cuộc xuất ngoại lấy chồng sau đó giúp đỡ được rất nhiều cho gia đình nên nhiều người dân nơi đây chỉ mong muốn đẻ con gái. Tâm lý "trọng nữ khinh nam" bắt đầu xuất hiện. Tìm đến nhà bà Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), chúng tôi thực sự bất ngờ bởi ngôi nhà khang trang mới hoàn thiện. 

Bà Hoa cho biết: "Tôi có hai cô con gái, đứa bé sinh năm 1989 mới lấy chồng bên Hàn Quốc được 3 năm. Sang đó một năm thì nó sinh được một cháu trai nên nhà chồng rất quý. Bây giờ nó cũng đi làm thêm rồi, cứ vài ba tháng lại gửi tiền cho tôi một lần. Căn nhà này cũng là tiền chồng nó cho".

Ông Đỗ Mạnh Cương, Trưởng xóm 4 - thôn My Sơn cho biết: "Những gia đình có con gái đi lấy chồng Hàn ở đây thì nhiều lắm. Cũng có một số trường hợp không phải vì tiền mà chỉ vì muốn có một gia đình tử tế nên mới chọn lấy chồng Hàn. 

Bởi từ trước đến nay, ở My Sơn chưa có trường hợp cô dâu Việt nào đi lấy chồng ngoại bị đối xử tàn tệ cả. Hầu hết mọi người sang đó đều gửi tiền về nên chuyện lấy chồng Hàn vẫn còn được nhiều người chuộng lắm. Vì thế mà không chỉ tại xóm tôi mà các xóm khác cũng xảy ra những câu chuyện trái ngang về việc bỏ trai Việt để lấy trai Hàn".

Trong số các cô gái theo chồng sang xứ người, không ít trường hợp cũng rơi vào cảnh thất vọng, ê chề.

Những ngôi nhà khang trang ở Lập Lễ.

Vỡ mộng nơi xứ người

Chỉ tính riêng xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã có gần 1000 cô gái lấy chồng ngoại quốc. Nhiều gia đình nhờ con lấy chồng ngoại quốc đã có nhà to, xe đẹp, chất lượng cuộc sống được nâng lên đáng kể. Nhưng bên cạnh những cô gái may mắn ấy thì cũng có không ít những phụ nữ đã gặp phải cảnh trớ trêu, bỏ không được mà ở cũng không xong.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Bùi Thị Út, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp cho biết: "Công bằng mà nói thì việc các cháu lấy chồng nước ngoài đã giúp nhiều nhà từ rất nghèo nay đã trở thành khá giả. Nhưng không phải tất cả đều màu hồng đâu, cái gì cũng có giá của nó, nhiều câu chuyện éo le lắm".

Lấy chồng ngoại quốc chẳng khác nào như đang chơi một canh bạc lớn, bởi cô dâu hầu như không biết gì về người chồng sắp cưới, hoặc có biết thì cũng chỉ là đôi chút thông tin qua người môi giới. Vì thế, chuyện lấy phải chồng hơn vài chục tuổi, thậm chí là chồng bị down, chồng bại liệt, chồng vô công rồi nghề, nát rượu… cũng không hiếm gặp ở Đại Hợp.

Bà Út kể: "Con bé G. kết hôn với anh chồng người Đài Loan năm 2009. Nó chỉ nghe người môi giới nói là anh chồng làm kỹ sư xây dựng, giám đốc doanh nghiệp gì đó. Ai ngờ anh chồng là công nhân phụ hồ. Gia đình nhà chồng lại nghèo túng, vất vả, nên nó chán. Ở được một năm thì nó bỏ ra ngoài. Sau đấy, nó lại cặp với một người đàn ông ngoại quốc khác, lại lấy ông ta. Cuộc sống của nó thế là trôi nổi lắm".

Chồng già, chồng nghèo đã là "tai nạn" rất đáng buồn, song chẳng may nên duyên với anh chồng bệnh tật mới là nỗi cay đắng cùng cực. Thông qua môi giới, năm 2010, chị Nguyễn Thị M. quyết định lấy một anh chồng Hàn Quốc chỉ sau 1 lần gặp. 

Ngày cưới, anh chồng cứ ngây ngây ngô ngô, ai hỏi gì cũng không thấy phản ứng, đến trao nhẫn cưới cho vợ cũng phải nhờ người môi giới. Nhiều người đặt nghi ngờ, nhưng người môi giới thì một hai cho rằng do bất đồng ngôn ngữ nên mới vậy. Không ngờ khi sang Hàn Quốc, chị M. mới biết chồng mình bị down. 

Quá buồn, chị M. thậm chí đã nghĩ đến chuyện quyên sinh. Song trong cái rủi có cái may, gia đình nhà chồng thấu hiểu nỗi đau của cô dâu Việt Nam nên đã đồng ý cho chị ly hôn. Sau khi chia tay người chồng bệnh tật, chị M. ở lại Hàn Quốc. Sau đó không lâu, chị lại kết hôn với một người đàn ông khác. Cuộc sống nơi xứ người thực sự trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những cô gái thiếu may mắn.

Phong Anh
.
.
.