Mẹo thống lĩnh của một cao thủ “trị” mẹ chồng

Thứ Tư, 23/01/2013, 15:19

Em cảm giác chẳng có lúc nào được riêng tư. Ngay cả lúc đóng cửa phòng lại chỉ còn 2 vợ chồng với nhau, thỉnh thoảng bà mẹ chồng lại từ cửa nói vọng vào… giục con trai đi ngủ sớm.

Thủy - Cô em tôi vốn được chiều từ nhỏ, chẳng hiểu sao lại lấy phải anh chàng có quê ở tận miền núi. Nó từ chối bao anh chàng đẹp trai hào hoa, rước về nhà giới thiệu với bố mẹ một anh béo ịch và lùn tịt. Hỏi nó tại sao lại yêu? Nó bảo rằng người béo béo một chút thường rất vui tính, mà phải là béo từ nhỏ cơ, về sau này ăn nhiều mà béo thì chỉ là bọn tham ăn và lười biếng. Nó chọn mãi mới kiếm được anh chàng “béo bẩm sinh” này.

Có lẽ Thủy nói vui vậy thôi, tôi thấy Quân, người yêu nó tuy xấu nhưng yêu chiều nó lắm. Quân đến chơi, nó chỉ cần thở dài nói là thèm món nọ, món kia… lập tức Quân sẽ phóng xe đi mua ngay. Mà những món Thủy thèm nào có đơn giản. Trời mùa đông mưa phùn, bỗng dưng Thủy thèm mì vằn thắn, mà phải là mì của một bà ở trên khu phố cổ. Thế là Quân lích kích cặp lồng, áo mưa chạy gần chục km để mang mì về cho Thủy.

Có hôm đã gần 10h đêm, Quân chuẩn bị về thì nó lại lên cơn thèm ghẹ rang me. Nó liệt kê ra một loạt quán có thể còn món đó vào lúc đêm muộn và giục Quân đi thật nhanh kẻo muộn. Thế rồi đến nửa đêm, Thủy cũng được thưởng thức món mình thèm. Tôi thì lo sợ cho cái tính đỏng đảnh của Thủy sẽ làm khổ Quân. Thủy nói: “Em chịu lấy chồng xấu là cũng có nghiên cứu cả đấy chứ”. Nói rồi Thủy cười hi hí.

Thủy hồn nhiên, vô tư quá. Quân tuy hình thức kém xấu nhưng nó là con độc nhất của một gia đình kinh tế cũng khá giả. Thời xưa kinh tế khó khăn, vậy mà từ nhỏ Quân đã béo phì thế là không phải chuyện đơn giản. Rồi sau này cưới nhau, đời nào họ cho phép con trai họ ra ở riêng. Mà sống với bố mẹ chồng, Thủy cứ đỏng đảnh bắt nạt Quân như thế thì trước sau gì cũng bị nhà chồng “xử lý”. Lúc đó hạnh phúc vợ chồng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Điều lo ngại của tôi hoàn toàn không thừa. Khi 2 gia đình vừa gặp mặt, nhà Quân có vẻ ưng Thủy, ngay lập tức ông bố Quân thân chinh xuống Hà Nội mua nhà. Ông thông báo với bố mẹ tôi là đã vay mượn đủ tiền để mua một mảnh đất khá rộng ở vùng ven đô. Ông sẽ xây một căn nhà kiểu biệt thự. Đợi 1 năm nữa bà mẹ của Quân về hưu thì sẽ bán căn nhà ở quê, cả gia đình sẽ về Hà Nội sinh sống. Một năm sau, căn nhà xây xong, thì cũng đến lúc đám cưới của Quân và Thủy diễn ra.

Đêm tân hôn, thấy Thủy gọi điện cho tôi nói rằng chả hiểu sao bà mẹ chồng cứ khóc lóc bảo muốn được... ngủ tại phòng hạnh phúc. Tôi cũng phát hoảng, nghĩ rằng thần kinh của bà ta có vấn đề. Tôi chỉ biết an ủi em cố gắng bình tĩnh chiều mẹ chồng, biết đâu bà có khúc mắc gì mà mình chưa hiểu. Đến trưa hôm sau, Thủy gọi điện về giải thích rằng hồi Quân còn nhỏ, mẹ Quân có hỏi con rằng: “Đến khi con lấy vợ thì con ngủ với ai?”. Quân nói rằng con vẫn ngủ với mẹ. Thế mà bao nhiêu năm sau, bà mẹ vẫn nhớ lời nói của đứa con trai. Cho đến lúc Quân lấy vợ, bà vẫn coi Quân là một đứa trẻ. Đêm đó, ông bố phải ra tay kéo bà mẹ Quân về phòng thì bà mới chịu. Bà vẫn sợ con trai lấy vợ là sẽ mất con, là con không còn yêu quý cha mẹ nữa.

Mẹ chồng mà chăm con trai như thế thì kiểu gì con dâu cũng khốn khổ. Tôi và cả nhà đều lo lắng cho Thủy. Một vài lần Thủy gọi điện ca thán: “Em cảm giác chẳng có lúc nào được riêng tư. Ngay cả lúc đóng cửa phòng lại chỉ còn 2 vợ chồng với nhau, thỉnh thoảng bà mẹ chồng lại từ cửa nói vọng vào… giục con trai đi ngủ sớm”.

Thế nhưng những lần về thăm mẹ đẻ, tôi thấy Thủy cứ hơn hớn, chẳng phàn nàn gì về chuyện mẹ chồng nữa. Tôi cũng không tiện hỏi vì nghĩ rằng Thủy giấu vì sợ mẹ buồn. Nhưng đến một lần gặp Thủy cùng mẹ chồng tíu tít đi mua sắm ở trung tâm thương mại thì tôi mới ngớ ra. 2 người họ thân thiện còn hơn 2 mẹ con ruột thịt.

Ảnh minh họa.

Tối hôm đó, tôi gọi điện trêu Thủy. Thủy cười hi hí nói: “Em có cách “trị” mẹ chồng hữu hiệu lắm. Bây giờ em nói gì mẹ chồng cũng nghe. Thỉnh thoảng bà ấy còn phải xin ý kiến em ấy chứ!”. Thủy nói rằng mẹ chồng bị nó bắt vía rồi. Hỏi thế nào? Thủy bảo để cuối tuần về nhà chơi gặp nhau nó sẽ bày cho tôi chiêu thức “trị” mẹ chồng.

Thú thật là mẫu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu dù ít dù nhiều kiểu gì cũng có. Tôi có tiếng là được lòng mẹ chồng nhưng cũng không ít lần phải “ngậm đắng nuốt cay” chẳng dám thổ lộ cùng ai. Vậy nên nghe Thủy hứa hẹn bày cho chiêu thức “trị” mẹ chồng, trong lòng tôi khấp khởi muốn được hỏi cặn kẽ.

Chủ nhật đến, cả tôi và Thủy đều đưa chồng con về thăm bố mẹ đẻ. Vừa gặp Thủy, tôi kéo nó ra riêng một góc hỏi về “bí quyết” kia.

Hóa ra bí quyết của Thủy chỉ có 2 chữ: Vô tư. Vô tư thì tính Thủy vốn đã sẵn có rồi, còn để được vô tư như nó, có lẽ tôi phải luyện. Thủy kể: “Em vốn hay cười, mẹ chồng có chê là vô duyên thì em cũng cứ cười. Em làm như thế để mẹ chồng không thèm chấp em, nhưng thực ra là em đang không chấp bà ấy. Phải coi tất cả là “chuyện nhỏ” thì mới cười được chị ạ. Chị vẫn bảo em vốn vô tư, thì em chơi theo chiến thuật vô tư”.

“Thế là thế nào, kể đi. Chị sốt ruột quá rồi”. “Giả dụ mình có bị mắng, bị “soi” thì cũng đừng tỏ ra bực mình. Em mà bị mẹ chồng “bắt lỗi” thì cứ nhăn răng ra cười khì khì. Mẹ chồng mà cau có thì em túm lấy tay bà ấy năn nỉ xin xỏ, hứa thế nọ thế kia. Cứ như hồi xưa chị em mình làm nũng mẹ ấy. Thế là bà ấy cũng không chấp mình nữa.

Thỉnh thoảng đi đâu mua tặng bà ấy mấy thứ lặt vặt. Chị nhớ là lặt vặt thôi đấy nhé. Các bà mẹ thường rất tiết kiệm, các bà ấy sợ nhất là mình tiêu hoang phí tiền của con trai bà ấy, thế nên chỉ được mua những thứ rẻ tiền. Em thì lúc mua cái khăn, lúc mua đôi tất… Bà ấy có chê, có không dùng thì mình vẫn cứ mua.

Thỉnh thoảng rủ bà ấy đi siêu thị, đi chợ. Để ý một chút sẽ thấy bà ấy thích món gì. Có khi các bà thích mà không dám mua. Em để ý gu mua sắm của bà. Những gì bà không dám mua vì tiếc tiền, thì mình sẽ mua tặng. Nhưng tuyệt đối không được mua ngay lúc đó vì các bà mẹ vẫn quan niệm rằng con dâu luôn dùng tiền của chồng. Em sẽ mua món đồ đó tặng mẹ chồng vào một dịp khác, ví dụ như lúc lĩnh lương, lúc nhận tiền thưởng… Bà mẹ chồng của em khó tính thế mà cứ “phê” em tít thò lò. Đến lúc đó bà mới bộc lộ, mới tâm sự hết. Mình cũng dựa vào tâm tư của bà mà lựa cách ứng xử”.

Cô em gái tôi không ngờ lại “cao thủ” đến như vậy. Tôi là con gái cả, chăm làm, luôn biết lo toan cho gia đình nhà chồng, ấy vậy mà bà mẹ chồng chưa bao giờ tâm sự gì với tôi. Đôi khi bà mẹ chồng còn hằm hè nói xa nói gần về những điều bà chưa vừa ý. Thú thật là những lúc đó, tôi rất ức chế nhưng luôn phải nín nhịn. Càng nhịn, càng bực và nảy sinh những rạn nứt tình cảm. Giá mà mẹ chồng tôi cũng cởi mở tâm sự với tôi như bà mẹ chồng của Thủy.

“Em dạy chị vài chiêu “chinh phục mẹ chồng” nhé. Chị sẽ tuyển tập lại thành một cuốn sách để sau này dạy cho con gái”, tôi đề nghị. Thủy cười hi hí nói: “Cái khó nhất là chị không vô tư. Trước tiên phải biết vượt qua sự bực tức và coi đó là chuyện… thật buồn cười. Chị có bao giờ chủ động tâm sự với một người mà người đó luôn làm cho chị khó chịu không? Chị có bao giờ vui vẻ rủ một người mà chị ghét đi ăn vặt không? Rất khó có phải không? Nhưng em thì khác. Chẳng ai làm em tức được.

Những người càng cố gắng làm em tức, em càng thấy họ… buồn cười. Em vẫn muốn họ nói chuyện, đi chơi, ăn uống cùng em để… cho vui, để hiểu rõ cái điều buồn cười ấy của họ. Mình thật lòng, có thể họ chưa thật lòng, nhưng cái thật lòng của mình phải ở vị thế cao hơn cái chưa thật lòng ấy của họ. Lúc đó chị sẽ từ trên nhìn xuống thấy được tổng quát và nguyên nhân của sự mâu thuẫn. Chị sẽ thấy nực cười vì tại sao mình lại nhỏ nhặt mà chấp vặt những chuyện như thế.

Em lấy ví dụ thế này nhé. Một hôm em dánh vỡ cái đĩa mà bà mẹ chồng rất quý. Cái đĩa đó thực ra chẳng đẹp đẽ gì, bà ấy mua từ cái thời xa lắc nào đó và ở cái thời đó thì nó thực sự có giá trị. Lúc đánh vỡ nó, nhìn ánh mắt “đau đớn” của mẹ chồng, thú thực em cũng hoảng. Em rối rít xin lỗi bởi vì em thấy thực sự mình có lỗi khi làm hỏng một vật mang nhiều kỷ niệm của người khác. Lúc ấy mà mình nghĩ là: “Có mỗi cái đĩa cũ mà làm gì to chuyện thế”, nghĩ thế thì ánh mắt và hành động xin lỗi của mình nó sẽ giả tạo. Các bà ấy phát hiện ra ngay. Tháng sau, em mua về một bộ đủ loại bát đĩa rất đẹp của Hàn Quốc và nói là của mẹ tặng bà thông gia. Bà ấy sướng mê.

Chị cứ để ý xem, các bà mẹ chồng nào mà thích nấu nướng, đương nhiên sẽ rất thích bát đĩa và dụng cụ làm bếp. Mà với các bà thì những thứ đó chẳng bao giờ thừa. Chị cứ mua về biếu mẹ chồng nói là để mẹ đỡ vất vả, vừa được tiếng lại vừa được dùng”.

Thủy nói rất có lý, nhưng để áp dụng phải bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi tự hỏi và nhận ra: Tất cả phải bắt nguồn từ sự vô tư, không chấp nhặt, phải “nâng cấp” tấm lòng của mình quảng đại hơn cả tấm lòng của mẹ chồng

Minh Hòa
.
.
.