Một ngày ở "làng HIV"

Thứ Hai, 06/02/2012, 06:30

Xóm Đá Bạc (xã Liên Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hòa Bình) trước đây dù nghèo nhưng bình yên là thế. Vậy mà kể từ khi những thanh niên trai tráng nơi đây kéo nhau đi tìm cơ hội đổi đời đã đem về theo nó biết bao hệ lụy đớn đau. Đá Bạc trở nên “nổi tiếng” bởi có tỉ lệ người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Những người nhiễm bệnh cứ lần lượt ra đi để lại đau thương cho bao người ở lại…

Tang thương Đá Bạc

Ngồi trước mặt tôi là ông Bùi Văn Biên và bà Bùi Thị Thược. Họ là chị em ruột của nhau. Căn bệnh thế kỷ đã cướp đi của bà Thược và ông Biên mỗi người hai cậu con trai.

Hồi ấy kinh tế gia đình khốn khó, nghe lời rủ rê của một số người đi trước, các con của ông Biên, bà Thược cũng kéo nhau vào bãi vàng mãi tận Quảng Nam - Đà Nẵng những mong tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nhưng đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy sau vài năm lang thang nơi đất khách, những đứa con của bà Thược và ông Biên trở về sức khỏe đều giảm sút nghiêm trọng. Ban đầu ai cũng nghĩ chắc do rừng thiêng nước độc ở những bãi vàng vẫn còn ám vào người họ nên mới khiến họ ốm đau quặt quẹo nhiều đến thế.

Chỉ đến một ngày khi cậu con trai thứ hai của ông Biên đi khám tuyển nghĩa vụ bộ đội, rồi bị người ta trả về với lý do trong máu tìm thấy vi rút HIV thì mọi người mới tá hỏa lên. Ca đầu tiên phát hiện bệnh. Ai nấy trong làng đều hết sức hoang mang, bởi đi cùng đợt với con trai ông Biên còn rất nhiều thanh niên cường tráng khác. Nhưng khi về hầu hết trong số họ thể trạng đều suy yếu. Ngay lập tức, những thanh niên đã từng đi cùng con trai ông được triệu tập đến Trạm Y tế xã để thử máu. Kết quả khiến nhiều người bàng hoàng: 34 người nhiễm H.

Ngồi bên chị dâu mình là bà Nguyễn Thị Bản. Dù rằng hai cậu con trai của bà đã đi xa thật xa không bao giờ có thể trở về bên bà nữa nhưng nhớ lại quãng thời gian khủng khiếp đó bà vẫn thấy rùng mình: "Hồi đó gia đình tôi khổ lắm, như sống trong địa ngục. Vì dân làng chưa hiểu nhiều về HIV nên họ kỳ thị ghê lắm. Họ tránh những người bị nhiễm đã đành, đằng này xa lánh luôn cả những người sống trong gia đình của những người nhiễm H. Khi nhà tôi ra đường, người làng tránh từ xa như tránh hủi ấy".

Nỗi đau, đầu bạc khóc đầu xanh.

Hai anh trai mất, cậu con trai út của ông bà Biên khi đó đang học cũng đành bỏ học vì bị bạn bè kỳ thị, xa lánh. "Nó chán nản, tự ti nên giờ đến tuổi lấy vợ rồi mà cũng có dám yêu đương ai đâu. Nếu vợ chồng tôi mà giục thì nó lại thở dài và bảo ai người ta dám lấy con chứ. Vợ chồng tôi buồn lắm. Hai thằng anh thì mất rồi, giờ thằng út thì mãi chưa lấy được vợ" - ông Biên thở dài não ruột. Trong ánh sáng mờ đục của bóng điện đỏ, ngôi nhà của ông bà càng trở nên hiu hắt và lạnh lẽo. Trong nhà dường như chả có gì đáng giá ngoài chiếc tivi đã cũ. Bao nhiêu tiền chắt chiu ông bà đã phải dồn hết cho hai cậu con trai để chữa bệnh rồi.

Bà Thược có vẻ may mắn hơn vợ chồng cậu em trai. Bởi lẽ, dù bà cũng mất tới hai cậu con trai nhưng bà vẫn còn hai cậu con trai nữa. Giờ mỗi đứa đều đã có gia đình riêng. Bà cũng đã có cháu nội để ẵm bồng, an ủi lúc về già.

Những câu chuyện đau lòng, những gia cảnh tang thương như thế ở Đá Bạc không hiếm. Nhưng tôi thực sự bị ám ảnh trước số phận quá nghiệt ngã của một người đàn bà nhiễm H ở đây. Chị tên là Nguyễn Thị Quyết. Mới ngoài ba mươi tuổi nhưng trông chị Quyết như đã bước vào tuổi ngũ tuần. Khuôn mặt gầy gò, nhăn nheo in hằn sự khổ đau, tuyệt vọng. Chị bảo trong đời mình có quá nhiều lần chị có ý định tự vẫn. Nhưng mỗi lần như thế, hình ảnh đứa con gái bé bỏng lại ùa tới và ngăn chị đến với hành động điên rồ.

22 tuổi chị lấy chồng, 23 tuổi chị trở thành góa bụa. Cơn say rượu của người anh chồng đã cướp đi người chồng và người cha của đứa con đang nằm trong bụng chị. Khi đó chị mới mang bầu được chưa đầy năm tháng. Con gái chị sinh ra chưa một lần được biết mặt cha. Vượt qua nỗi đau mất chồng, chị gắng gượng để nuôi con thơ. Mười năm sau ngày chồng mất, chị kết hôn với một người cùng thôn. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, tai họa lại tiếp tục ập xuống.

Người chồng mới của chị cũng lại ra đi sau một trận ốm thập tử nhất sinh. Khi chồng bị bệnh, chị đã đưa anh xuống tận bệnh viện trung ương, những mong ở đây thầy giỏi thuốc tốt thì chồng chị sẽ qua khỏi. Ai ngờ đâu, chính tại nơi đó người ta thông báo cho chị biết chồng chị bị nhiễm H giai đoạn cuối. Tin đó đã làm chị gục ngã. Vì chị hiểu, chắc không chỉ có chồng mà rất nhiều khả năng cả chị và đứa con trai chị vừa có với anh cũng sẽ bị lây nhiễm. Quả đúng với những gì chị Quyết suy đoán. Chồng mất chưa đầy một trăm ngày thì cậu con trai cũng vĩnh viễn lìa xa chị.

Chồng mất, con trai mất, bản thân cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ, chị như kẻ mộng du, mất phương hướng. Nhiều lúc chị tự hỏi mình sống để làm gì, và sống cho ai? Cuối cùng thì chị cũng tìm được câu trả lời cho chính mình, rằng chị phải sống vì đứa con gái với người chồng trước. Con gái chính là cứu cánh cho chị trong những lúc tuyệt vọng, cô đơn nhất.

Sự kỳ diệu của số phận

Trong số những người nhiễm H cùng thời điểm đó thì có vẻ như anh Nguyễn Văn Chung là người may mắn nhất. Bởi lẽ, đã có một người con gái thật lòng yêu thương anh, muốn gắn bó cuộc đời mình với anh và chia sẻ cùng anh những đớn đau bệnh tật. Người phụ nữ dũng cảm ấy là chị Nguyễn Thị Hương.

Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ chia sẻ.

Một người nhiễm H và một người bình thường yêu thương nhau và kết hôn với nhau thật không dễ dàng gì. Chị Hương và anh Chung quen biết nhau vì cùng làm thuê tại một nơi. Ban đầu, chị Hương hoàn toàn không biết anh Chung đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Quý anh Chung ở đức tính thật thà, chịu khó rồi chị Hương đem lòng yêu anh lúc nào không hay. Nhưng khi tình cảm đã sâu nặng thì cũng là lúc anh Chung lấy hết can đảm để thú nhận với người yêu về căn bệnh của mình. Nghe tin như sét đánh bên tai. Biết bao dự định cho tương lai chung giữa hai người mà chị vẫn mơ tới giờ tan tành mây khói.

Khỏi phải nói cảm giác của chị Hương lúc đó tuyệt vọng đến thế nào. Và anh Chung cũng thế, dù khi nói ra là đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho mọi chuyện nhưng anh vẫn không thể không đau lòng trước sự suy sụp của người yêu. Nhưng rồi, có mơ anh cũng không tin là sau những phút giây choáng váng, sau những ngày vật vã, giằng xé, chị Hương vẫn quyết tâm đi cùng anh tới hết cuộc đời.

Không lâu sau họ làm đám cưới. Nghĩ về cái ngày trọng đại đã qua, chị Hương vẫn cảm thấy bùi ngùi: "Tủi thân lắm chị ạ. Quyết định lấy anh Chung em đã giấu tình trạng bệnh tật của anh ấy không cho gia đình và người thân của mình biết. Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió, ai ngờ… Một ngày trước khi cưới ai đó đã nói hết bệnh tình của anh Chung cho bố mẹ em biết. Thế là bố mẹ em gọi em vào chửi mắng nhiều lắm. Rồi ông bà tức tốc mang cau trầu đến trả nhà trai. Bố mẹ em còn bảo nếu quyết định lấy anh Chung thì bố mẹ coi như chưa từng có em trên đời".

Thế sau đó em làm gì? - "Em quỳ xuống van xin bố mẹ nhưng bố mẹ nhất quyết không đồng ý. Hôm đó em bỏ trốn sang nhà chú rể và đám cưới chỉ được tổ chức bên nhà trai thôi. Không có một ai của nhà em đến cả. Sau này em nghĩ mọi chuyện đã rồi chắc bố mẹ sẽ bỏ qua cho vợ chồng em nên em dẫn chồng em về. Vừa về đến ngõ, bố mẹ em đã đuổi hai vợ chồng em không thương tiếc thế là lại dắt nhau ra về".

Những ngày tháng đen tối ấy rồi cũng qua. Với tình yêu và sự dũng cảm của mình, chị Hương đã giúp anh Chung lấy lại sự tự tin trong cuộc sống. Bởi cuối cùng thì anh Chung cũng đã có một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình với người vợ can đảm, một mực yêu thương chồng và một đứa con trai kháu khỉnh sắp tròn hai tuổi. Có một điều thật kỳ diệu là cả vợ và con trai của anh đều không bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng.

Có gia đình, anh Chung không nề hà làm bất cứ việc gì người ta thuê mình để có tiền nuôi vợ nuôi con. Nhưng cuối cùng thì anh cũng chỉ có thể làm thuê những việc đơn lẻ như cày cho người ta một thửa ruộng, bổ cho người ta một đống củi chứ không thể hòa nhập vào một tập thể đông người.

Bằng chứng là mới đây thôi anh xin vào làm công nhân cho một công ty, sau khi phát hiện ra anh nhiễm H, rất nhiều người trong nhà máy đã làm đơn kiến nghị Ban giám đốc buộc anh phải nghỉ việc. Sau sự việc đó anh đã buồn rất nhiều. Cũng may bên anh vẫn có một người vợ luôn sẵn sàng chia sẻ cùng anh mọi buồn vui đau khổ trong cuộc sống. Có lẽ với anh đó là một ân huệ lớn mà ông trời đã ban cho…

Ông Bạch Văn Viên (trưởng thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn): Được sự giúp đỡ của chính quyền và địa phương, năm 2006, Câu lạc bộ Chia sẻ của thôn Đá Bạc đã ra đời. Ban đầu số lượng thành viên tham gia câu lạc bộ rất ít, sau đó thấy được ý nghĩa của câu lạc bộ nên số thành viên tham gia đã tăng lên rất nhiều. Không chỉ những người nhiễm H mà ngay cả những người không nhiễm H cũng tham gia. Mục đích của Câu lạc bộ là động viên, khích lệ những người nhiễm H sống có ích, tự tin vào cuộc sống.

Câu lạc bộ sinh hoạt mỗi tháng một lần. Họ đến đó để cùng nhau chia sẻ cách phòng chống lây nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày. Xem những đĩa về tuyên truyền phòng chống AIDS để hiểu hơn về bản chất căn bệnh mà họ và những người thân đang mắc phải. Từ đó mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn nên không còn hiện tượng kỳ thị đối với những người nhiễm H và người thân của họ. Câu lạc bộ cũng thường xuyên giao lưu với các câu lạc bộ khác trong tỉnh để trau dồi kiến thức và hòa nhập hơn trong cộng đồng.

Ngọc Anh
.
.
.