Nạn nhân là người vô tội

Thứ Hai, 04/07/2016, 18:35
Đang là một cô bé lành lặn dễ thương, chỉ vì mâu thuẫn tình cảm của cha mẹ, cháu Nguyễn Thị Hồng Tiến bỗng trở thành nạn nhân bị cha đổ xăng đốt cháy với thương tổn hơn 80%.


Nhìn hình ảnh cháu bé tội nghiệp với gương mặt và toàn thân gần như biến dạng, co quắp, khó ai có thể cầm được nước mắt, bởi cháu  đâu có lỗi gì trong mâu thuẫn của cha mẹ mình!

Bị vợ cũ cự tuyệt, cha đổ xăng tự thiêu cùng con gái

Cháu bé tội nghiệp này là Nguyễn Thị Hồng Tiến chỉ mới 10 tuổi (quê xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang). Hơn một năm trước, vì níu kéo tình cảm với vợ bất thành, cha ruột cháu là Nguyễn Phú Cường (38 tuổi) đổ xăng lên người cả hai cha con rồi bật lửa tự thiêu gây thương tổn nặng nề cho cả hai.

Dù được cứu sống nhưng anh Cường hoàn toàn mất khả năng lao động. Cô con gái 10 tuổi phải chịu thương tổn hơn 80% cơ thể, toàn thân gần như biến dạng, sống lay lắt, đau đớn vì những vết thương hành hạ và cũng do gia đình không có tiền để phẫu thuật cho cháu...

Cháu Tiến với thân hình hoàn toàn biến dạng hiện nay.

Mới đây chúng tôi gặp cháu Tiến tại Khoa Bỏng Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh khi cháu được bà nội Nguyễn Thu Thủy (59 tuổi) đưa lên đây để phẫu thuật cắt bỏ những phần sẹo lồi lõm, biến dạng trên cơ thể. Nhìn hai bà cháu lủi thủi ở bệnh viện khiến người ta không khỏi thương xót.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Thủy cho biết cháu Tiến gặp nạn vào ngày 4-4-2015. Hôm đó, anh Cường chở con gái đến sạp bán trái cây của vợ cũ (vợ chồng anh Cường ly dị 3 tháng trước đó) là chị Lục Thị Hồng Nhung (28 tuổi, quê Kiên Giang) chơi vì cháu Tiến luôn khóc lóc đòi gặp mẹ.

Anh Cường nói rõ mong muốn chị Nhung quay về hàn gắn lại tình cảm vợ chồng. Nhưng chị Nhung dứt khoát cự tuyệt. Do đó, giữa hai người đã xảy ra tranh cãi gay gắt. Bất ngờ anh bế cháu Tiến đi về phía xe máy của mình rồi cầm can xăng đã chuẩn bị sẵn đổ lên người cả hai cha con rồi bật lửa khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội.

Nghe tiếng kêu cứu của chị Nhung, người dân chạy đến dập lửa và đưa cả hai cha con đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn cấp cứu. Do bị bỏng quá nặng nên cả hai cha con anh Cường được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang rồi tiếp tục lên TP Hồ Chí Minh để điều trị.

Theo kết luận của các bác sĩ Khoa Bỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh ngày 6-4, anh Cường bị bỏng 48% cơ thể. Trong khi đó, bé Tiến được đưa đến cứu chữa tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh trong tình trạng sốc bỏng nặng, diện tích hơn 80% da toàn thân độ 2-3. Bản thân chị Nhung vào dập lửa cũng bị bỏng khá nặng ở cánh tay trái…

Theo bà Thủy kể lại thì mối lương duyên của vợ chồng con trai bà khá đặc biệt. Hơn 10 năm trước, khi anh Cường đang theo học nghề lái máy xây dựng trên thị trấn thì gặp và quen biết chị Nhung. Lúc đó, chị Nhung đang làm phục vụ quán cà phê nơi con trai bà thường lui tới. Hai người tự do tìm hiểu, yêu đương suốt thời gian dài mới quyết định tiến tới hôn nhân.

Trong quá trình tìm hiểu, anh Cường thừa nhận với người yêu chuyện mình bị bệnh động kinh, nên tính nết có thể thay đổi bất thường. Điều đáng nói là khi đó chị Nhung không lưu tâm quá nhiều đến điều đó và vẫn chấp nhận tiến tới hôn nhân với anh Cường.

Sau đám cưới, hai người dọn về sống chung với cha mẹ chồng ở xã Mỹ Phú Đông. Anh Cường ban đầu đi lái xe lu cho một công ty xây dựng, thu nhập tương đối ổn định. Nhưng sau đó vì sợ chồng theo công trình đi đây đi đó, dễ nảy sinh chuyện “ngoài chồng ngoài vợ” nên chị Nhung đã nhỏ to khuyên nhủ anh Cường thôi việc.

Nghe lời vợ, anh Cường cùng vợ ở nhà theo cha mẹ canh tác nông nghiệp trên phần đất của gia đình. Dù vậy, do thương vợ nên hầu như anh Cường đều nhận việc về phần mình để vợ ở nhà lo công việc nội trợ.

Tuy nhiên, sau đó công việc sản xuất ngày một khó khăn, những vụ mùa liên tục mất trắng khiến kinh tế gia đình dần kiệt quệ. Từ đây, những mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Cường bắt đầu xuất hiện.

Và điều đáng nói là chứng bệnh thần kinh của anh Cường đã tái phát nhiều hơn. Trong những lần vợ chồng xích mích, anh Cường đã không ít lần xuống tay đánh đập người vợ đầu ấp tay gối…

Để giúp con trai ổn định tâm lý, bà Thủy đã nhượng lại cho hai vợ chồng anh Cường diện tích đất nhỏ dựng tạm mái nhà lá ở riêng. Anh Cường lại tiếp tục làm ruộng cố kiếm tiền cải thiện tình hình. Hơn một năm sau ngày cưới, vợ chồng anh Cường vui mừng đón chào thành viên mới là cháu Tiến ra đời. Những tưởng tổ ấm gia đình vì thế thêm bền chặt nhưng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại.

Sau khi sinh con, các khoản chi tiêu cũng nhiều hơn và mâu thuẫn giữa hai vợ chồng cũng ngày một nảy sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, sau đó hai vợ chồng anh Cường đã quyết định vay 50 triệu đồng để đầu tư cải tạo lại và mở rộng khu vườn trồng cây ăn trái sau nhà để kinh doanh bỏ mối giá sỉ lên TP Hồ Chí Minh.

Hình ảnh cháu Tiến lúc đang được cấp cứu trong bệnh viện.

Nhưng rồi công việc làm ăn không thuận lợi, càng đầu tư, càng lỗ… nên anh Cường bắt đầu chán nản, bỏ bê ruộng vườn, thậm chí la cà vào chuyện nhậu nhẹt say xỉn. Lúc hết tiền, anh Cường lại về bắt vợ phải đưa cho tiêu xài.

Những khi bí bách tiền bạc, chị Nhung không có đưa cho chồng là anh Cường chửi bới, gây gổ xích mích, đánh đập vợ. Chính vì những điều này mà chị Nhung đã bỏ ra ngoài thuê sạp nhỏ bán trái cây ở chợ và gần như ở hẳn ngoài sạp. Trong khi đó, cháu Tiến được ông bà nội chăm sóc.

Nỗi đau suốt đời con trẻ…

Cuộc sống ly thân khiến anh Cường hết sức thất vọng. Người chồng nhiều lần xuống nước yêu cầu vợ về sống cùng, nhưng chị Nhung không đồng ý. Anh Cường nổi máu ghen tuông hành hạ, đánh đập vợ nhiều hơn. Tình cảm vợ chồng cứ thế ngày một vơi đi. Có lẽ trong chuyện này, cháu Tiến là người phải gánh chịu hậu quả nặng nhất bởi sớm phải chịu cảnh cha mẹ ly tán, thiếu hụt tình cảm yêu thương của cả bố lẫn mẹ…

Sau đó, thấy không còn chút tình cảm nào với chồng, chị Nhung quyết định làm đơn ra tòa ly dị với lý do thường bị chồng bạo hành. Tòa án chấp nhận đơn ly hôn. Trong buổi xét xử, anh Cường được nhận quyền nuôi con mà không đòi hỏi bất cứ sự trợ cấp nào từ vợ.

Xa mẹ khi còn nhỏ và cũng chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra giữa hai người lớn là cha mẹ mình, nên Tiến thường xuyên khóc lóc đòi mẹ. Nhất là vào ban đêm, nhiều lần Tiến khóc ngặt nghẽo một hai đòi cha bế đưa đi tìm mẹ. Hôm bi kịch ập xuống, anh Cường đã làm theo mong muốn của con gái. Anh dự định năn nỉ vợ quay về hàn gắn hạnh phúc xưa.

Bị chị Nhung cự tuyệt, người đàn ông tuyệt vọng quyết định tự thiêu cùng con gái. Dù giữ lại được tính mạng nhưng anh Cường hoàn toàn mất khả năng lao động khi chỉ mới 38 tuổi. Còn cháu Tiến, trong quá trình điều trị, có những thời điểm tưởng như cô bé tội nghiệp không qua khỏi.

Nhưng rồi như một phép mầu, sức khỏe Tiến dần cải thiện. Sau 3 tháng nằm viện, cháu đã vượt qua cơn nguy kịch và bảo toàn được mạng sống nhưng những thương tích trên khắp người cháu thì sẽ không bao giờ trở lại bình thường được nữa.

Và kể từ ngày đó cháu Tiến từng ngày phải vật lộn với những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Giờ đây toàn thân cô bé chi chít sẹo lồi lõm, các mảng da nhăn nhúm, chân tay bị co rút…

Không đành lòng để cháu gái sống chung với ngoại hình dị biệt, gia đình bà Thủy từng nhiều lần muốn đưa cháu Tiến đi phẫu thuật nhưng không đủ kinh phí. Bởi hoàn cảnh gia đình bà Thủy vô cùng khó khăn, tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều phải trông cậy vào diện tích đất trồng rau củ ít ỏi của nhà.

Sau lần “tự thiêu”, anh Cường hoàn toàn mất khả năng lao động. Anh và con gái sống nhờ sự cưu mang của cha mẹ già và những người thân khác. Vợ chồng bà Thủy ngoài việc làm ruộng còn phải đi làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo thuốc men cho con trai và cháu nội.

Điều bà Thủy buồn bã là mẹ cháu Tiến sau thời gian vào viện chăm sóc lúc cháu mới bị phỏng đã gần như bỏ mặc đứa con nhỏ. Bà Thủy giãi bày: “Mẹ cháu vẫn buôn bán ở chợ cách nhà chưa đầy 5km nhưng cô ấy chẳng bao giờ đến thăm con.

Nhiều hôm nghe con bé bảo rằng sao các bạn khác có mẹ chăm sóc còn con thì không, chúng tôi cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Điều an ủi là dù phải chịu nhiều tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng cháu nội tôi học rất giỏi. Cháu vừa kết thúc năm học lớp 3”.

Hai bà cháu tại bệnh viện để phẫu thuật giúp khôi phục lại phần nào ngoại hình của cháu Tiến.

Theo bà Thủy cho biết thì mới đây, được một số tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm giúp đỡ bà mới mạnh dạn đưa cháu gái trở lại bệnh viện. Bà Thủy nghẹn ngào nói: “Có được bao nhiêu tiền gia đình tôi sẽ chữa trị cho cháu bấy nhiêu, lúc nào hết tôi lại đưa cháu Tiến về nhà. Những ngày ở bệnh viện, để tiết kiệm chi phí hai bà cháu phải đi xin cơm từ thiện ăn.

Điều tôi mong ước là gia đình sẽ có tiền để phẫu thuật giúp cháu khôi phục lại phần nào ngoại hình của cháu để mai này cháu đỡ mặc cảm. Bởi bây giờ Tiến còn quá bé để nhận ra tương lai cháu sẽ rất mờ mịt khi suốt đời phải mang một hình hài biến dạng như vậy”.

Câu chuyện đáng buồn này bắt nguồn từ mâu thuẫn của người lớn và nạn nhân vô tội mang thương tật suốt đời lại chính là con cái của họ. Đây là một bi kịch, một nỗi đau mà đôi khi những người lớn vẫn không ý thức hết được hành vi tàn nhẫn của mình!

Ánh Xuân
.
.
.