Nghề mới của ông trùm hoa hậu

Thứ Năm, 29/12/2011, 20:17

Bất kỳ ai đặt chân đến New York sẽ dễ dàng nhận thấy Tòa tháp Trump, cao 72 tầng, cách trụ sở Liên hiệp quốc không xa. Đó là một biểu tượng thành công của một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất nước Mỹ, Donald Trump. Chưa dừng lại, mới đây ông trùm bất động sản, đồng thời là người sở hữu Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu tuổi teen Mỹ, đã nhận lời làm chủ tọa cho phiên tranh luận trực tuyến giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2012.

Không xa với quyền lực

Đây không phải là lần đầu tiên, Donald Trump tỏ quan tâm đến các vấn đề chính trị. Năm ngoái, thậm chí ông còn tỏ ý định chạy đua chức Tổng thống Mỹ vào năm 2012. Đầu tháng 12 này, nghị sĩ Mỹ Michele Marie Bachmann còn đề nghị ông tham gia chạy đua vào năm tới với tư cách ứng viên Phó Tổng thống.

Trước khi đưa ra quyết định chính thức cho những siêu dự án chính trị trên, ông vừa có một quyết định mới, đó là nhận lời làm chủ tọa cho cuộc tranh luận giữa các ứng viên của đảng Cộng hòa cho chức vụ Tổng thống Mỹ năm 2012. Theo thông lệ, để có thể tham gia chạy đua vào vị trí ông chủ Nhà Trắng, các ứng viên trước hết phải thắng cử trong đảng mà mình là thành viên. Một đảng thường có vài ứng viên.

Điều này mới với Donald Trump ở chỗ ông chưa từng làm chủ tọa một cuộc tranh luận có tính chất như vậy. Tuy nhiên, xét về mặt truyền thông thì không phải đến lúc này Donald Trump mới nổi tiếng. Ông chính là chủ sê ri chương trình truyền hình thực tế Người tập sự (The Apprentice)  ăn khách trên kênh NBC, với hàng chục triệu người xem, là ông chủ của một số hãng truyền thông lớn ở Mỹ.

Như vậy nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, ngày 27/12 tới đây, ông sẽ xuất hiện trên kênh Ion TV, một mạng lưới truyền hình gồm 60 đài phát, nối cáp tới 99 triệu hộ gia đình trên toàn nước Mỹ. Người đứng ra kết nối phi vụ đình đám này là Steve Coz, Giám đốc điều hành của trang Newsmax.com, một website có quan điểm bảo thủ ở Mỹ. 

Trong một diễn biến có liên quan, ứng cử viên Cộng hòa cho chức Tổng thống năm tới, ông Herman Cain vừa dính vào vụ bê bối tình ái với một người phụ nữ tên là Ginger White, bà mẹ của hai đứa con. Bà White, 46 tuổi, tố giác đã ngoại tình với ông Cain 13 năm nay và tiết lộ gây sốc của bà đã giáng một đòn đau vào đảng Cộng hòa, trước mắt là đe dọa đến khả năng ông Cain có thể tiếp tục tranh cử.

Tỷ phú Trump với các Hoa hậu Hoàn vũ.

Bởi vậy, việc Donald Trump quyết định chính thức tham gia chiến dịch của đảng Cộng hòa có thể được xem như một cứu tinh cho đảng này. Năm ngoái, một cuộc điều tra dư luận ở Mỹ cho biết nếu chạy đua vào Nhà Trắng, Donald Trump chỉ kém Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama với số phiếu cách biệt không đáng kể. Hay nói cách khác, uy tín của ông là điều mà đảng Cộng hòa rất cần lúc này.

Chính trị là cá nhân

Mặc dù nhiều lần bày tỏ quan điểm chính trị, nhất là việc gần đây ông liên tục chỉ trích Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama trên một số vấn đề, nhưng Donald Trump vẫn chưa thể khiến những người ủng hộ ông yên tâm vì cá tính đặc biệt của ông. 

Là người ưa bày tỏ chính kiến, kể cả đối với những vấn đề gai góc, nhạy cảm trong chính trị Mỹ như kết hôn đồng tính hay sở hữu vũ khí cá nhân, nhưng dường như ông không mấy tin vào hiệu lực của lá phiếu. Theo ban bầu cử của tiểu bang New York, Donald Trump chưa hề đi bầu cử sơ bộ trong vòng 21 năm qua! Tuy ông liên tục bác bỏ nhưng vừa qua người phát ngôn của ban bầu cử đã chính thức xác nhận thông tin này.

Ngoài ra, tuy kiếm bộn tiền, kể cả kiếm tiền từ sở thích của chính ông bằng các khoản đầu tư vào lĩnh vực giải trí truyền hình, các cuộc thi sắc đẹp hay thể thao, song ông không thuộc tuýp người chỉ biết "ngậm miệng ăn tiền". Trong chính trị, nhiều khi ông hành động bất chấp ranh giới đảng phái khi quyên tiền ủng hộ cho ứng cử viên cả hai đảng. Chẳng hạn năm 2008, ông ủng hộ Thượng nghị sĩ John McCain. Đồng thời ông cũng hậu thuẫn cho cả ứng cử viên đảng Dân chủ như Thượng nghị sĩ John Kerry hay cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

Gần đây, ông quyết định gặp tất cả các ứng cử viên Tổng thống năm 2012 của đảng Cộng hòa để bàn chiến lược tranh cử, nhưng chỉ riêng một người ông "kiên quyết" từ chối không gặp, đó là Jon Huntsman, cựu Thống đốc tiểu bang Utah. Sở dĩ có chuyện là vì hai nhân vật thế lực này đã có cuộc va chạm nảy lửa trên mạng xã hội Twitter.

Từ chỗ bất đồng quan điểm, ông Jon Huntsman châm biếm sẽ không bao giờ tranh luận với kẻ "Tổng thống tập sự" (Presidential Apprentice), nhại lại tên chương trình của Trump. Còn Donald Trump dĩ nhiên chưa bao giờ là tay vừa nên viết thẳng trên trang Twitter cá nhân rằng Jon Huntsman sẽ "trượt thẳng cẳng". Ông nói, "Còn nếu ai đó nói tôi còn muốn gặp ông ta thì đây là câu trả lời: Thì giờ là tiền bạc, mà tôi thì không muốn lãng phí".

Đối với Donald Trump, quyền lực xã hội trước hết phải đi cùng với dấu ấn cá nhân. Xét cho cùng, nếu có thất bại về mặt chính trị, Donald Trump vẫn còn một vương quốc tài sản khổng lồ và rất nhiều người đẹp. Phải chăng vì vậy, ngoài biểu tượng thành công, Donald Trump còn là chủ đề ưu thích của trào lưu châm biếm Mỹ

Thạch Linh
.
.
.