Những bà nông dân bỗng nhiên thành… sát thủ

Thứ Năm, 17/03/2016, 16:02
Họ - những người phụ nữ nông dân, cả đời chưa một lần trang điểm, chân tay luôn lấm lem bùn đất, chỉ biết làm lụng chăm chồng, nuôi con, bỗng một ngày vung tay dao cướp đoạt sinh mạng chồng, sau những bức xúc dồn nén bao nhiêu năm tích tụ. Nỗi thống khổ của họ, nếu không nói ra, chưa chắc đã có người thông cảm. Phận đàn bà như hạt mưa sa…


3 ngày 2 trận

Nguyễn Thị Mai vén mái tóc đã bạc già nửa, cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt trên đầu. Có vết dài nửa gang, có vết sâu khiến tóc không thể mọc trở lại. Đó là hậu quả của những lần bị chồng đánh. Khi thì ông chồng dùng đòn gánh, có lúc đang tiện cầm dao, phạt luôn cho vợ một nhát, lại có lúc ông ta nhặt đòn đá ném vợ, may không mù mắt. Người phụ nữ 55 tuổi, đã lên chức bà ngoại với 7 đứa cháu này có một gương mặt đượm buồn nhưng rất phúc hậu. Không hiểu tướng xấu nó ẩn chỗ nào mà cuộc đời bà Mai lại buồn khổ đến vậy.

Bố bà Mai mất sớm, để lại hai đứa con cho người vợ trẻ, thế nên gia cảnh nhà Mai vô cùng khó khăn. Là con gái vùng quê Đông Anh, Hà Nội, nhưng Mai lại chấp nhận theo anh bộ đội đóng quân gần nhà về làm dâu ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Cái sự lấy chồng cũng vô cùng đơn giản: Gặp nhau được vài ngày thì nhận lời, âu cũng vì nghèo quá. Lấy chồng khi đó được coi là giải pháp thoát nghèo. Cô gái 17 tuổi khi ấy chưa một ngày yêu, rồi thành vợ thành chồng, rồi sinh liền tù tì 3 cô con gái. Chưa đầy 1 tháng sau ngày về nhà chồng, Mai đã bị chồng đánh. Đó là lần đầu tiên, người phụ nữ này biết chồng mình có tính vũ phu.

Từ đó đến trước khi xảy ra vụ án đau lòng, hầu như ngày nào bà Mai cũng phải nhận những lời chửi bới, nhiếc móc thậm tệ từ chồng. Hôm nào may mắn thì thoát được đòn roi, hôm nào chạy không kịp thì ăn mưa bạt tai, cùi chỏ. Chồng Mai – ông Lê Huy Ngự (hưởng dương 59 tuổi), quê ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, sau khi xuất ngũ thì chưa từng làm một công việc gì cho ra hồn. Người đàn ông lẽ ra là trụ cột gia đình này lại rất ham cờ bạc, rượu chè. Và có lẽ, một trong những cái thú của ông Ngự là chửi vợ và… đánh vợ.

An Thị Thêu - Nguyễn Thị Mai.

“Ngày còn ở nhà cũ, mỗi lần ông ấy đánh, tôi không biết chạy đi đâu, vì cửa giả nào có ra gì. Chỉ biết đứng im chịu đòn chứ cũng không dám chống đỡ. Sau này sang nhà mới, cái nhà này là của đứa con gái lớn nó đi Séc cóp nhặt gửi về cho bố mẹ xây nhà, mỗi lần bị đánh, tôi chạy vào buồng rồi chèn két sắt lại, thì ông ấy không vào được, còn ông ấy mà túm được thì chỉ khi nào đánh mỏi tay, ông ấy mới dừng lại” – trong suốt cuộc tiếp xúc với chúng tôi, nước mắt luôn giàn giụa trên gương mặt người phụ nữ chưa một ngày được yêu thương này.

Đúng ngày mùng 2 Tết Bính Thân, tức ngày 9-2, ông Ngự sau khi uống rượu tràn cung mây, về nhà bắt vợ đưa tiền. Ông Ngự đòi “mẹ con mày phải đưa cho tao 100 triệu đồng thì tao bán cho cái nhà cũ”. Bà Mai bảo chồng, “chuyện nhà cửa ông hỏi các con chứ tôi nào có biết gì”, chỉ chờ có thế, bà Mai lập tức bị chồng đuổi đánh. Vẫn như mọi lần, bà chui vào phòng và chèn két sắt lại để chồng không vào được rồi nằm im nghe ngóng, đợi chồng nguôi cơn thịnh nộ thì mới dám len lén đi ra. 

Ở trong phòng đến gần 3 tiếng thì khốn nạn cho cái người đàn bà này, bà buồn đi vệ sinh. Nhẹ nhàng lách ra ngoài, bà len lén đi tìm cái chậu để mang vào phòng, định là đi vệ sinh trong buồng để tiếp tục trốn ông Ngự, chẳng ngờ ông chồng nhìn thấy vợ đi ra, liền xấn xổ lao tới như một con thú, tiếp tục trút lên thân thể vợ mình những đòn đau chí mạng. Trong lúc bị dồn dến đường cùng, bà Mai chộp được con dao và chỉ kịp chạy vài bước, ông Ngự gục xuống, ngay trước mắt hai đứa cháu ngoại còn đang rất nhỏ.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, nạn nhân Lê Huy Ngự đi đánh bạc và bị thua cháy túi vào tối 6-2. Trong mấy ngày liên tiếp sau đó, ông Ngự thường xuyên uống rượu, chửi bới, bắt vợ phải đưa tiền, cho đến chiều 9-2 thì xảy ra sự việc đau lòng. 

Khi viết những dòng chữ này, tôi cứ tự hỏi, sao lại có kiếp người bạc phận đến vậy. Sao lại có những đức ông chồng suốt ngày chỉ đòi tiền vợ để chơi cờ bạc và uống rượu, và khi vợ không có tiền đáp ứng cho các nhu cầu nham nhở của họ, thì lập tức kết quả sẽ nhận được là trận đòn thù đến thâm thịt thối da. Cánh tay trái của bà Mai giờ vẫn sưng phồng dị dạng, hậu quả của một lần bị chồng phang gãy tay.

“Lúc ông ấy bình thường nhất, tôi cũng thủ thỉ, thôi ông ạ, tôi già rồi, chả sống được mấy nữa, ông cứ giày vò tôi thế này tôi sống làm sao…”, chân tình đến thế, nhịn nhục đến thế cũng không làm lay chuyển được bản chất vũ phu của ông Ngự. Và điều xấu nhất đã xảy ra sau gần 40 năm chung sống.

Bóp cổ chồng vì cứ say là chửi

Người đàn bà thứ hai trong bài viết này cũng chưa từng biết thế nào là yêu, qua mối lái rồi nên vợ nên chồng, chỉ sau một tháng biết mặt nhau. Cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn họ đi cùng những bộn bề lo toan thường nhật, thế nên cả hai cũng chẳng lấy đó làm buồn, bởi họ còn thời gian đâu mà lãng mạn. Cuộc hôn nhân không tình yêu nhưng vẫn đơm hoa kết trái với hai đứa con ra đời. Với một người phụ nữ nông thôn, chưa một lần biết cầm cây son di lên môi như An Thị Thêu, thì niềm vui của người phụ nữ này là công việc quay nước mía hằng ngày, không mơ ước đài các cao sang nhà lầu xe hơi. 

Anh Khang, chồng Thêu vốn rất siêng năng, chăm chỉ cần cù, cũng loay hoay đủ nghề kiếm tiền lo cho gia đình nhỏ. Nhưng không hiểu sao, 3 năm gần đây, anh này bỗng đổi tính đổi nết, ngày nào cũng vã rượu như voi rít bã mía. Trước, anh Khang chỉ uống khi đi đám giỗ chạp, hiếu hỉ, nhưng gần đây, ngày nào mâm cơm cũng phải có chén rượu thì anh này mới chịu. Và, mỗi lần say rượu, anh Khang lại về nhà lè nhè mắng chửi vợ con. Lần nào cũng một điệp khúc: "Mày đi đánh đĩ…", dù nhan sắc của Thêu ở vào hạng trung bình kém, có ném ra đường cũng chưa chắc có người đàn ông nào nhòm ngó.

Lúc cáu lên, Thêu cũng vặc lại, và hai vợ chồng xảy ra xô xát, cãi vã như cơm bữa. Một đêm nọ, Khang trong cơn say tuyệt đối, chân nam đá chân chiêu, mò về quán hàng, đây vừa là nơi bán hàng, vừa là nơi để ngủ, bắt cậu con trai đang ngon giấc phải đi về nhà. Thương đứa con trai đang dở dang giấc ngủ, Thêu can chồng đừng bắt con về. Không những không đồng ý, anh Khang còn tóm cậu con lôi dậy nhưng cậu bé vùng vằng không đồng ý. Anh này tức giận đá vợ rồi túm tóc đánh. Cả nắm tóc dài và dày của Thêu bị anh chồng tóm chặt. Người đàn bà vốn quen nín nhịn không chịu được nữa, thực ra, đó là một giọt nước khiến chiếc ly uất hận tràn cả ra ngoài.

Nghĩ lại những lời mắng nhiếc vô cớ của chồng, Thêu vùng dậy đẩy anh chồng ngã bổ chửng rồi ngồi đè lên. Cánh tay to khoẻ quen quay nước mía của chị ta siết chặt cổ chồng, cho đến lúc anh chồng chỉ còn là cái xác mềm nhũn.

Tôi luôn tự hỏi, nếu không có những ông chồng cờ bạc, say xỉn, vô cớ chửi mắng, đánh đập vợ, thì trại giam liệu có bao giờ xuất hiện những người phụ nữ khoác áo tù xuất thân từ nông dân như Thêu, như Mai. Và thêm một người đàn bà nông dân này nữa - Đỗ Thị Đượm, ở Ninh Giang, Hải Dương. 

Trước khi trở thành "sát thủ", Đượm là một bà ô sin đúng nghĩa, ô sin cho người và ô sin cho nhà mình. Phong trào đi xuất khẩu lao động tràn về các vùng quê, Đượm vay mượn anh em rồi sang Đài Loan làm giúp việc. 9 năm lăn lộn ở xứ người, bỏ lại hai cậu con trai cho chồng nuôi, người đàn bà này mơ ước đồng tiền mang về sẽ đỡ đần gia đình, giúp con cái học hành. Thế nhưng, chị ta không ngờ, vợ chồng khi xa nhau, là nảy sinh biết bao mâu thuẫn, mà một trong những mâu thuẫn lớn nhất là anh chồng nghi ngờ vợ trong thời gian ở Đài Loan đã có mối quan hệ khác.

Tuy chỉ là những suy nghĩ một chiều nhưng nó càng ngày càng khiến tình cảm vợ chồng xa cách. Đượm liên tục bị chồng đánh mắng, chửi rủa vì những nguyên nhân không đầu không cuối. Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra đúng ngày lễ tình nhân. Khi đang làm thịt vịt thì Đượm bị chồng vật ngã ra giữa sân, dưới thời tiết mười mấy độ lạnh giá và bóp cổ, đổ vào mồm chậu nước bẩn. Người đàn bà khốn khổ khốn nạn ấy ặc ặc vài tiếng, lấy hết sức bình sinh chống đỡ, tay đang cầm sẵn con dao mổ vịt, chị ta vung lên khua khoắng, và mũi dao không có mắt đã đâm trúng đùi ông chồng vũ phu, khiến ông này tử vong tại chỗ.

Vì nhiều lý do, những người đàn bà trong bài viết này đều nín nhịn, cam chịu cho đến khi tức nước vỡ bờ thì tất cả đã quá muộn. Họ - bỗng dưng mang tiếng giết chồng - mà nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ lỗi của các đức lang quân. Họ đáng thương hay đáng giận?

Đinh Hiền
.
.
.