Rủi ro từ "phong trào" lấy chồng ngoại:

Những đứa trẻ Việt kiều không quốc tịch

Thứ Hai, 26/08/2019, 11:10
Mấy năm trở lại đây, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hà (tên nhân vật đã được thay đổi xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) lúc nào cũng trong tình trạng "bận con mọn". Lý do bởi người con gái lớn của ông bà lấy chồng bên Đài Loan gửi mấy đứa nhỏ về nhờ ông bà chăm sóc.


Đứa nhỏ còn ẵm ngửa, đứa lớn sắp đến tuổi đi học nhưng chưa biết có xin được đến trường hay không vì không có hộ khẩu. Bà Hà than thở: "Gả con ra nước ngoài, vừa mất con, vừa phải đèo bòng thêm cháu. Đúng là ốc chẳng mang nổi mình ốc, lại còn vất vả mang cọc cho rêu...".

Hôn nhân đổ vỡ vẫn cố bám víu nơi xứ người

Phong trào lấy chồng nước ngoài tại huyện Kiến Thụy  bây giờ không chỉ diễn ra ở xã Đại Hợp. Chứng kiến sự phất lên của những gia đình có con dâu lấy chồng Tây, nhiều cô gái ở các xã Đông Phương, Đại Đồng... cũng ngấp nghé đi "xuất khẩu". Một khi cuộc sống yên ổn thì không sao, nếu có chuyện, các cô gái cũng không mấy người trở về. Họ tiếp tục lang bạt xứ người, tiếp tục kiếm tìm mối nhân duyên khác.

Cậu bé K mang 2 dòng máu Việt - Hàn hiện đang sống cùng ông bà ngoại.

Có thể hôn nhân đổ vỡ, lại không muốn ở Việt Nam, các cô gái để con cho ông bà ngoại rồi lại ra nước ngoài săn tìm hạnh phúc. Khi người mẹ lăn lộn với cuộc hôn nhân mới, họ phải gửi con - kết quả của cuộc hôn nhân thất bại trước đó - về Việt Nam. Đó là những công dân ngoại quốc chính hiệu, mang quốc tịch nước ngoài, tên nước ngoài, đôi khi còn chẳng biết nói một từ tiếng Việt nào. Ngoài ra, cũng có thể do cha mẹ bận làm ăn ở nước ngoài, không còn thời gian dành cho con nhỏ, các cô gái ở Đại Hợp bế con về cho ông bà nuôi giúp.

Những cô bé, cậu bé mang trong người hai dòng máu ngơ ngác lớn lên ở vùng quê xứ biển. Trong visa, các cháu mang những cái tên nước ngoài, song về quê ngoại, những Việt kiều bé nhỏ này đều trở thành "thằng Bin", "thằng Kiệt", "cái Trúc", "cái Mai"... Cứ nửa năm, ông bà ngoại lại tất tả mang visa lên thành phố để xin gia hạn thị thực cho các cháu. Hầu hết các cháu ở với ông bà ngoại đến lúc 6 tuổi, song cũng có những cháu bé sẽ ở với ông bà… vô thời hạn.

Cháu Dương Gia K. là một ví dụ điển hình. Cậu bé mang quốc tịch Đài Loan, nhưng đã ở Việt Nam từ bé vì bố già cả quá, không đi lại, làm việc được. Chuyện tưởng như đùa, song lại là sự thật. Số là, mẹ của cậu bé là chị Phạm Thị O., SN 1982. Chị O. lấy ông chồng Đài Loan chỉ kém bố đẻ đúng… 1 tuổi. Người chồng hiện nay già yếu quá, chỉ nhúc nhắc đi lại trong nhà.

Chị O. lo lắng lắm, một khi chồng qua đời, chị sẽ sống thế nào ở xứ người? Vì thế, chị gom góp tài sản, mua một mảnh đất ở quê, xây nhà cửa đàng hoàng và đưa con trai về cho ông bà ngoại nuôi. Chẳng may người chồng không còn, chị sẽ về Việt Nam.

Tính toán của chị O. là một bước đi chắc chắn chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Nhưng không phải cô gái nào cũng có điều kiện kinh tế mạnh như chị để tính đường lui cho mình. Chỉ mong rằng, các cô sẽ tìm được bến đậu yên vui hòng ấm lòng những người cha mẹ già cả, những đứa bé thơ dại hàng ngày vẫn mong ngóng tin từ xứ người.

Bà Lương Thị Ngân, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết: 

"Tình trạng các cô dâu ở Kiến Thụy lấy chồng nước ngoài 1, 2 năm nay đã giảm hơn rất nhiều so với những năm trước đó. Hầu hết những trường hợp lấy chồng nước ngoài thời gian gần đây đều qua giới thiệu của người quen biết chứ không phải qua mai mối. 

Đối với những cô dâu lấy chồng nước ngoài, Hội phụ nữ cơ sở đến tận nơi và hỏi xem việc kết hôn này có tự nguyện hay không, có bị ai ép buộc không. Khi họ nói là tự nguyện thì chúng tôi sẽ tư vấn và giới thiệu cho họ đến những địa chỉ uy tín để học nghề, học nấu ăn, học cả về phong tục tập quán của đất nước mà họ chuẩn bị đến. 

Trước kia phụ nữ xuất ngoại lấy chồng chủ yếu là vì nhu cầu kinh tế, nhưng bây giờ ở nhà họ cũng có việc làm. Một nguyên nhân khác cũng khiến tình trạng lấy chồng nước ngoài giảm xuống là bởi họ tận mắt chứng kiến những trường hợp cô dâu trước đó lấy chồng nước ngoài nhưng không được như mong đợi nên khi về họ cũng bảo nhau. 

Bản thân Hội Phụ nữ của huyện cũng làm rất tốt công tác tuyên truyền như xây dựng mô hình phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra Hội cũng thành lập Nhóm Đồng Đẳng, nhóm này hỗ trợ cả những phụ nữ lấy chồng ngoại quốc hoặc bị lừa bán trở về. Chúng tôi vừa động viên, vừa tạo điều kiện cả về công ăn việc làm cho họ".

Những hệ lụy khôn lường

Theo thống kê chính thức của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hải Phòng, mỗi năm có khoảng 1.000 cô dâu lấy chồng Hàn. Ðáng nói là gần đây, những cuộc hôn nhân du lịch được xếp đặt ngày càng nhiều để tránh việc đăng ký kết hôn.

Cứ nửa năm ông bà ngoại của K lại phải mang visa của cháu lên thành phố để ra hạn thị thực.

Nhiều cá nhân môi giới liên tục tiếp cận, thuyết phục những cô gái mới lớn sống ở nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc chưa có công việc ổn định... Họ hứa hẹn về viễn cảnh tốt đẹp khi kết hôn với người nước ngoài để tạo niềm tin đối với các cô gái. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin và mong muốn có được sự bảo đảm kinh tế của các cô dâu Việt Nam, các công ty môi giới sẵn sàng cung cấp thông tin giả mạo.

Bên cạnh chuyện lấy chồng ngoại, lợi dụng tâm lý của những người dân nơi đây, nhiều kẻ đã tổ chức chuyện "làm quen, lấy chồng" như một cuộc tuyển chọn. Điều đó làm giá trị của những cô dâu Việt trở nên rẻ rúng hơn bao giờ hết. Chưa kể đến chuyện có những kẻ nhận tiền để "xuất khẩu" những cô dâu Việt cho những gã chồng không ra gì. Và trong số những cô gái đó, liệu có bao nhiêu số phận bị đối xử tàn tệ, bị ngược đãi như một số trường hợp chúng ta đã thấy được trên báo chí, truyền thông?

Bà Phương Thúy, Trưởng phòng tư vấn Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Ngôi nhà Bình Yên, 20 Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết: 

"Ở Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm thì chủ yếu đón những cô gái bị lừa bán ra nước ngoài và buộc phải trở thành nô lệ tình dục hay buộc phải làm vợ người ta. 

Đối với những cô gái dù là chủ động hay bị động ra nước ngoài, thân cô thế cô, không có ai để dựa dẫm, lại không biết tiếng khi bị bạo hành hoặc gặp rủi ro thì hãy tìm đến công an sở tại, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hoặc liên hệ về gia đình để thông báo địa chỉ mà họ đang ở để nhờ giải cứu. 

Đối với những trường hợp khi đã trở về Việt Nam và tìm đến Ngôi nhà Bình yên để tạm lánh thì chúng tôi thường có gói dịch vụ toàn diện: từ việc ăn ở an toàn cho đến việc chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ về tâm lý, thậm chí là trị liệu tâm lý (trong trường hợp bị khủng hoảng hay sang chấn tâm lý nghiêm trọng), hỗ trợ về kỹ năng sống, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng trong vòng 24 tháng. 

Ngoài ra Trung tâm còn hỗ trợ về nghề nghiệp, việc làm. Hiện Trung tâm có mạng lưới hỗ trợ nghề nghiệp rộng nên ai có nhu cầu, hay có khả năng học về cái gì thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho học cái đó. 

Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là dạy cho họ nhận thức rõ về cái quyền của mình và kỹ năng để ứng phó với bạo lực giới. Ví dụ bạo lực gia đình thì phải biết kêu gọi ai hỗ trợ, ví dụ bị lừa bán thì phải đảm bảo việc di cư an toàn… Có như vậy mới tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra".

Phong Anh
.
.
.