Tai nạn nhớ đời với ông bố vợ bỗng dưng dở thói

Thứ Năm, 26/04/2012, 11:23

Một hôm tôi về nhà, thấy ông bố vợ nằm im trong phòng. Tưởng ông ốm, tôi vào hỏi thăm thì thấy mặt mũi ông sưng vù. Gạn hỏi thì ông bảo bị ngã, nhưng hỏi hàng xóm thì tôi được biết rằng ông có va chạm với lũ con của bà Loan. Sau hôm đó, ông buồn lắm, cứ ru rú ở nhà chứ không đi tập thể dục như mọi khi. Bà Loan cũng không thấy sang chơi như trước nữa.

Tôi là con trai thứ, trên có một ông anh đã lấy vợ. Khi tôi lập gia đình, tất cả chúng tôi chen chúc sống trong ngôi nhà của bố mẹ.  Nhưng cũng giống như bất kỳ nơi nào, càng đông người thì càng nảy sinh phức tạp. Mẹ tôi thì khó tính, lại thêm bà chị dâu suốt ngày kèn cựa với vợ tôi.

Trước đây khi tôi chưa lấy vợ, chị dâu cũng thường ngọt nhạt chào hỏi. Nhưng đến khi tôi lập gia đình và chưa thể mua được một căn hộ để ở riêng, bà chị dâu dần có thái độ khác hẳn. Cả nhà ăn chung, vợ tôi phận em nên phải lo cơm nước và rửa bát. Thế mà suốt ngày bị chê là không biết nấu nướng. Bực quá, thế là chúng tôi thuê nhà ở riêng. 2 vợ chồng tôi tự do thoải mái đi chơi tối ngày.

Những ngày tự do thoải mái ấy diễn ra cũng chẳng được lâu. Vợ tôi nhận được điện thoại báo bố cô ấy ở quê ốm nặng. Nhà vợ tôi chỉ có một mình cô ấy. Mẹ mất sớm, ở quê chỉ còn mỗi ông bố cũng đã cao tuổi, đau yếu bất thường. Vợ tôi phải xin nghỉ để về chăm bố, sau thấy vất vả quá, chúng tôi đón ông lên ở cùng với chúng tôi cho tiện chăm sóc.

Một hôm vợ tôi hí hửng kéo tay tôi lên giường thủ thỉ: “Với số tiền vợ chồng mình dành dụm được, nếu bố em bán mảnh đất ở dưới quê, bố mẹ anh hỗ hợ thêm một chút, gộp tất cả lại cũng mua được một căn hộ chung cư cỡ 70m2. Mình sẽ không phải thuê nhà nữa, bố sẽ lên đây ở cùng với chúng ta. Mới cả sắp tới còn chuyện bầu bí, con cái cũng rất cần trong nhà có thêm một người để hỗ trợ”.

Mới đầu tôi giãy nảy không chịu. Ai đời đi thuê nhà để 2 vợ chồng được tự do thoải mái, nay lại mua nhà để ở chung với bố vợ thì khác gì như trước. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy cũng chẳng có cách nào khác. Thế là trong năm đó, tôi vinh dự được đứng tên chủ hộ một căn chung cư trên tầng 15, tuy một nửa số tiền là của ông bố vợ.

Đến ở với chúng tôi, mỗi sáng ông dậy thật sớm để đi đánh cầu lông. Buổi chiều ông cùng với các cụ cao tuổi đi bộ xung quanh khu đô thị. Có bạn có bè, sinh hoạt ăn uống điều độ, ông bố vợ trở nên vui vẻ và hết sạch bệnh tật.

Bố vợ tôi rất chăm chỉ, ở nhà ông lau dọn nhà cửa, thậm chí rửa bát và giặt rũ giúp chúng tôi. Nói là giặt nhưng thực ra là vơ quần áo tống vào máy giặt và phơi thôi. Nhưng nói thế để hình dung ra ông không nề hà bất cứ việc gì. Tôi và bố vợ rất tâm đầu ý hợp.

Mỗi bữa cơm, tôi lại có người nhâm nhi ly rượu cùng. Thỉnh thoảng có sự kiện chính trị gì, tôi cũng có người bàn luận cùng.  Mỗi trận bóng đá, tôi lại có người xem cùng… Nhưng tất nhiên là cũng có những sự bất tiện hết sức tế nhị, đó là mỗi khi vợ chồng chúng tôi quan hệ, không còn được thoải mái như trước nữa.

Có một lần chúng tôi gặp sự cố, tất cả bắt nguồn từ sự ham mê bóng đá của ông bố vợ. Tối hôm đó, tôi quên béng là có một trận ở giải ngoại hạng Anh Liverpool gặp Everton diễn ra lúc 21h05

Thế quái nào hôm đó vợ tôi lại làm toàn món rất hợp để uống rượu, tôi uống quá tiêu chuẩn mấy chén. Hậu quả là đến 9 h tối, tôi thấy người ngợm phừng phừng và rủ vợ... đi ngủ sớm. Gian phòng nhỏ nên chúng tôi không sắm giường và chỉ để một tấm đệm. Chỉ cần sơ tán tấm đệm đi chỗ khác, căn phòng này nhanh chóng biến thành nơi tiếp khách thân quen. Vào những hôm chủ nhật,  ông bố vợ vẫn cùng tôi xem bóng đá tại nơi này. Phòng của ông cũng có một chiếc TV nhỏ, nhưng không lắp hệ thống truyền hình vệ tinh nên đến chủ nhật, ông phải sang phòng vợ chồng tôi xem nhờ.

Hôm đó, chúng tôi tắt đèn, trùm chăn kín mít và đang ở giai đoạn mặn nồng nên chẳng nghe thấy tiếng của ông bố gõ cửa bước vào giữa phòng hướng mặt về chiếc TV. Đến lúc ánh sáng của chiếc màn hình bật lên, chúng tôi chỉ còn nước bất động, giữ nguyên hiện trường và giả vờ... ngủ say như chết. Ông bố vợ của tôi chăm chú theo dõi trận đấu, một lúc sau, ông mới cảm nhận thấy sự khác thường của chúng tôi.  Ông tắt vội TV, lật bật đứng dậy và mở cửa phòng. Khốn nỗi, cái ổ khóa cửa phòng tôi bị trục trặc, thỉnh thoảng nó lại, kẹt cứng, phải dùng sức vừa nâng cửa vừa xoay tay nắm nó mới chịu mở. Ông bố vợ tôi không biết điều này, ông cứ loay hoay một cách khổ sở mà không sao thoát ra được. Tôi cùng vợ vừa ngượng, vừa buồn cười, nhưng đành mím miệng nằm im không dám cựa quậy.

Mất đến 2 phút, ông bố vợ vô tâm của tôi mới mở được cánh cửa “ác ôn” hỏng không đúng lúc kia ra. Đợi tiếng bước chân xa hẳn, 2 vợ chồng tôi bò lăn ra nhà mà cười để xả đi nỗi nín nhịn và sự ngượng ngùng. Quả là một tai nạn nhớ đời.

Nhưng những rắc rối mà ông bố vợ gây ra từ hôm đó mới chỉ là sự bắt đầu. Sau một thời gian sống ở thành phố, ông già quê mùa chất phác bỗng dưng có những thay đổi đáng kể. Ông bắt đầu “lười” hơn, nhà cửa bắt đầu có sự bừa bộn, quần áo của chúng tôi cũng không được ông giặt rũ phơi phóng như trước nữa. Ông bỗng dưng mua sắm một loạt quần áo mới, hỏi tôi xem mặc áo này với quần này có hợp không? Rồi ông hỏi tôi ở tuổi của ông, thắt ca vát màu gì? Có loại nước hoa nào phù hợp. Ông thay thế hàng loạt quần đùi rộng thùng thình bằng những chiếc quần xịp mà thanh niên chúng tôi vẫn thường dùng.

Tôi đùa ông: “Chết rồi, chắc bố phải lòng cô nào rồi phải không?”. Ông hứ một cái rồi trả lời rằng thỉnh thoảng đi họp tổ dân phố, họp hội Người cao tuổi, cũng phải ăn mặc tứ tế một chút cho người ta nể chứ. Chúng tôi cũng không bận tâm lắm về chuyện đó, cứ nghĩ là ông cũng muốn cho bằng với các ông bạn trong hội. Tôi còn khuyến khích ông ăn mặc lịch sự khi ra ngoài. Dù sao thì ông có đẹp đẽ sang trọng, chúng tôi cũng được cái tiếng tốt.

Tất chi phí sinh hoạt gia đình, chúng tôi đều lo hết. Toàn bộ lương hưu, ông tích cóp lại và muốn dùng gì thì dùng. Thỉnh thoảng, tôi và vợ còn cho ông một khoản gọi là chi tiêu vặt. Chưa kể tiền ăn uống, chợ búa, chúng tôi bao giờ cũng đưa xông xênh hơn rất nhiều so với số phải mua. Tính sơ sơ mỗi tháng ông cũng tích được vài triệu. Thế nhưng bỗng nhiên một hôm, tôi bị ông gọi lại để vay tiền. Gạn hỏi gần xa mãi nhưng ông không chịu trả lời. Cuối cùng tôi phải hỏi một bà bán hàng nước mới phát hiện ra bí mật: ông chơi đề.

Đến nước đó thì ông cũng phải thú nhận, lúc đầu ông chơi một vài nghìn cho nó có cảm giác hồi hộp mỗi buổi tối. Ông trúng được vài bận nên ham, cứ đánh to dần lên. Ông hụt mấy lần suýt soát chỉ cách trên cách dưới, hoặc lộn số, thế là lần sau ông không đánh một mà thòng vào mấy “con” nữa. Kết quả chẳng thấy trúng đâu, toàn bộ tiền hưu tích cóp của ông lần lượt ra đi hết.

Chúng tôi phải vận động, thường xuyên gọi điện nhắc nhở, dám sát đủ kiểu, ông mới dứt hẳn được cái thói đỏ đen này.

Chưa hoàn hồn sau vụ đó thì đùng một cái ông dẫn một bà tuổi sồn sồn về giới thiệu là bạn “tâm giao”. Bà này tên là Loan, sống trên tầng 18 của lô chung cư bên cạnh. Chồng bà bị tai biến, nằm liệt giường đã hơn 1 năm. Con cái của bà ở nơi khác, một tuần vài lần lui tới thăm nom bố mẹ. Ông bố vợ của tôi và bà Loan này quen nhau ở hội cầu lông và sau đó chắc là trò chuyện hợp nhau lắm nên mới kết tình “tâm giao” với nhau. Chúng tôi cực kỳ ái ngại. Giá như chồng bà Loan mất rồi đã đành, đằng này ông ta bệnh tật như vậy, bà ta và ông bố vợ tôi lại cứ dính vào nhau như thế, liệu có thất đức quá không?

Chúng tôi góp ý lần một, lần hai, ông im lặng không nói gì. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông nổi cáu: “Tôi muốn làm gì thì làm, các anh các chị nên nhớ là cái nhà này cũng có một nửa tiền của tôi đấy”. Thế là ông tích cóp tiền mấy tháng giời, dành dụm gọi thợ đến làm một bức vách bằng thạch cao ngăn căn nhà ra làm 2 phần. Ác ở chỗ là ông cứ ngấm ngầm làm lúc chúng tôi đi vắng, đến khi về nhà thì thấy lù lù một bức tường. Trông căn hộ lúc này nhỏ như gian phòng mà sinh viên hay thuê trọ. Tệ hại hơn là phòng của ông nhỏ, ở cạnh gian bếp, ông ngăn ra như vậy tuy phòng chúng tôi lớn hơn nhưng lại không có bếp nấu nướng. Chúng tôi phải ngọt nhạt xuống nước nịnh ông phá bức tường. Ông chấp nhận nhưng với điều kiện: phải chấp nhận người đàn bà của ông.

Tôi thấy ông bố vợ có bạn cũng là điều tốt, nhưng chỉ sợ gia đình nhà bà ta lắm chuyện, lại còn con cái và người chồng đang nằm một chỗ của bà nữa. Bà mà dám bỏ chồng bệnh tật sang chơi với bố vợ tôi, chắc gì bà đã là người tốt. Mà bà ta như vậy thì làm sao giáo dục được con cái, chúng mà là người xấu thì quả là rách việc cho chúng tôi.

Sự lo xa của tôi quả là không vô lý. Một hôm tôi về nhà, thấy ông bố vợ nằm im trong phòng. Tưởng ông ốm, tôi vào hỏi thăm thì thấy mặt mũi ông sưng vù. Gạn hỏi thì ông bảo bị ngã, nhưng hỏi hàng xóm thì tôi được biết rằng ông có va chạm với lũ con của bà Loan. Sau hôm đó, ông buồn lắm, cứ ru rú ở nhà chứ không đi tập thể dục như mọi khi. Bà Loan cũng không thấy sang chơi như trước nữa. Chúng tôi chỉ còn cách khuyên ông là nên tìm bà nào phù hợp mà kết bạn cho khuây khỏa tuổi già. Ông gật gù nói: “Bố thấy sai rồi, cũng có một bà có chồng mất đã vài năm thích bố, nhưng bây giờ mang tiếng quá, không biết bà ta có dám làm bạn với bố không?”

Bây giờ thì bố tôi đã có bạn mới. Quả thật đời sống của các cụ già không hề đơn giản như chúng tôi nghĩ, họ cũng có nhu cầu có bạn và rất khó tính. Vợ chồng chúng tôi có được sự hạnh phúc cho đến ngày hôm nay, cũng bởi một phần biết chấp nhận cái tâm tính thất thường do tuổi già của ông bố vợ

Minh Đức
.
.
.