Tôi đã yêu một người gần bằng tuổi cha mình

Thứ Năm, 19/01/2012, 10:46

Đến năm 36 tuổi, tôi mới lấy chồng. Chồng tôi thua tôi 4 tuổi, và khá đẹp trai. Anh là giám đốc một đơn vị của nhà nước chuyên sản xuất bàn ghế học sinh. Bạn bè họ hàng ai cũng bảo tôi "trâu chậm mà uống nước trong". Không những thế, khối cô bạn gái còn luôn tò mò về cuộc sống của vợ chồng tôi. Phải nói rằng ngày ấy, có một ông chồng năng động và có chút vai vế như thế, cuộc sống vật chất của chúng tôi không đến nỗi khốn khó.

Chồng tôi thuộc hàng đàn ông không hoa hòe hoa sói. Những ngày lễ của chị em, không bao giờ anh ấy dành tặng cho tôi một bó hoa hay một món quà nào đó như nhiều đấng mày râu vẫn hay làm. Thậm chí ngày sinh nhật của tôi, anh ấy còn không có lấy một lời chúc mừng. Nếu có bạn bè thân đến chúc và tặng quà thì anh ấy vẫn xởi lởi tiếp đón và vui vẻ trò chuyện khiến cho bạn bè tôi không nghĩ rằng nếu họ không đến thì cũng chẳng có một lời chúc nào, huống chi là một món quà.

Khi mới lấy nhau, tuy tôi đã 36 tuổi, nhưng dù sao vẫn còn chút trẻ con, vẫn thích chồng yêu chiều, quan tâm. Từ nhỏ tới lớn tôi luôn được quan tâm chu đáo. Cha tôi là bác sĩ làm ở Bệnh viện Bạch Mai, mẹ tôi là giảng viên Đại học Tổng hợp. Ngày sinh nhật tôi, cha mẹ thường mua tặng sách. Và thể nào hôm đó trong nhà cũng có một lọ hoa đẹp, cùng bữa cơm cải thiện mừng sinh nhật vui vẻ.

Nhưng chồng tôi bảo: Nhà anh là nông dân, cả đời anh chẳng biết thế nào là sinh nhật với chẳng phải tặng hoa cho ai bao giờ. Tôi nhiều khi tự ái giận dỗi. Có năm, ngày sinh nhật tôi là một ngày nặng nề vì chúng tôi cãi vã nhau, quanh đi quanh lại cũng vẫn là những chuyện không có lời chúc mừng hay một bông hoa nào dành tặng tôi.

Ngày tháng qua đi, tôi sinh được một trai, một gái. Các cháu dần khôn lớn và học hành rất giỏi. Dường như đó là nhờ gien di truyền của chồng tôi vượt trội. Tôi luôn nhường cho anh mọi thứ chăm sóc tốt đẹp nhất, và về phía mình cũng không dám đòi hỏi nhiều, bởi tôi cũng nhận ra chồng tôi tuy cứng tính, khô khan, nhưng anh rất yêu vợ con và yêu mái ấm gia đình.

Anh lại là một người đàn ông nghiêm túc, không trăng hoa, không rượu chè bê bết như nhiều người chồng khác. Anh làm giám đốc công ty nhà nước, rồi sau khi kinh tế thị trường mở cửa, anh chuyển sang công ty cổ phần, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty cổ phần thiết bị trường học. Những mâu thuẫn nho nhỏ của cuộc sống trong gia đình cũng dần nguội lạnh. Tôi đã quen với cách sống khô cứng của chồng, không còn đòi hỏi và tủi thân như trước. Chị tôi ngày trước cũng luôn nhắc nhở tôi rằng, thôi mình lớn tuổi hơn, nhịn hắn đi một chút mà sống cho vui vẻ. Nếu hắn biết chiều chuộng chăm sóc phụ nữ thì có khi hắn chẳng đợi đến ngần ấy tuổi mới rước đến cô. Mà người như thế có khi lại chẳng có thói trăng hoa, càng may em ạ.

Ảnh minh họa.

Nhưng chị gái tôi cũng như nhiều người bạn bè không biết hằng ngày tôi luôn phải sống trong sự căng thẳng. Chồng tôi có tính khí rất khó chịu. Mỗi khi có chuyện gì dù nhỏ dù lớn, anh đều gắt gỏng với vợ con rất nặng nề. Nếu tôi bảo: Anh ạ, em định bàn việc cho thằng Linh nhà mình chuyển sang trường thực nghiệm… Là anh gắt, tiền đâu mà chơi trội. Tôi ngày xưa học trường làng mà vẫn xong đấy thôi. Nếu con bé Hồng mà lên lớp một là tôi cho về ở với ông bà nội bên Đông Anh. Bên đấy khỏi lo nịnh thầy cô ngày lễ tết, lại có ông nội đưa đón hằng ngày. Tôi hoảng hốt tìm mọi cách để anh không thực hiện những việc anh tuyên bố.

Trong nhà nuôi người giúp việc. Đôi khi anh sai bà ta làm những việc trái với những việc tôi đã yêu cầu. Cứ ông chẳng bà chuộc như vậy hết ngày này sang ngày khác. Ngày nghỉ, đôi khi tôi muốn cả nhà đi ăn ở ngoài cho vui, cho các cháu được tiếp xúc với xã hội bên ngoài, nhưng anh bảo: Ăn cơm nhà. Khi trung tâm chiếu phim có phim hay, tôi rủ anh đi xem, anh bảo: Nhà có mấy cái ti vi, lại truyền hình cáp Trung ương, xem không hết kênh, lại phải tốn tiền mua vé xem phim ra rạp ngồi hàng tiếng có phải là dở hơi không? Điều quan trọng là anh có vẻ coi thường học vấn của tôi, một nhân viên văn phòng. Động tí anh bảo: Biết gì…

Để không phải cãi nhau, tôi ghìm nỗi bực tức vào lòng. Ghìm nhiều lâu ngày tôi như kẻ bị stress nặng, không hề thấy rung động với chồng như ngày xưa nữa. Và cuộc sống thấy tẻ nhạt như mình đang phải cố gắng sống mà nuôi con khôn lớn, không có niềm vui và ham muốn gì.

Thế rồi tôi gặp một người. Ông là cấp trên mới của tôi. Thực ra trong suốt cả năm trời làm việc ở văn phòng, gần như làm thư ký cho người sếp mới này, tôi hầu như chỉ làm đúng phận sự của mình mà không hề có ý nịnh nọt hay chứng tỏ mình này nọ. Bởi tôi không có ham muốn gì nữa ngoài ham muốn nuôi dạy con khôn lớn, học hành thành đạt. Tôi đi làm cũng vì nhu cầu giao tiếp xã hội, chứ đồng lương của tôi không đáng gì so với số tiền chồng tôi đưa mỗi tháng.

Người sếp mới khá lịch lãm. Tiếp xúc lâu qua công việc, tôi nhận thấy ông thật sự là một người lãnh đạo giỏi và công minh. Cơ quan tôi từ khi có sếp mới về, ngày lễ tết thường được thưởng cao. Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Có những chuyến đi nghỉ mát và tham quan. Mỗi lần có chuyến đi như vậy, cơ quan đều cố gắng tổ chức cho cả gia đình vợ chồng con cái của cán bộ nhân viên đi cùng.

Do vậy mà chúng tôi mới biết sếp đang nuôi con trai một mình. Cũng do vậy mà mọi người cũng biết rằng tôi không bao giờ mời được chồng mình đi đâu cùng. Tôi khi thì cùng con trai, khi thì cùng con gái, âm thầm lẻ loi. Chính vẻ âm thầm lẻ loi ấy của tôi khiến sếp tôi chú ý. Ông quan sát tôi - sau này ông đã kể như vậy - và ông đã nói với tôi vào một lần khi những bản hợp đồng đã được đánh máy xong và sắp xếp khá khoa học:

"Em là một phụ nữ quá thông minh và nhạy cảm".

Tôi không hiểu vì sao ông lại nói tôi thông minh khi mấy cái bản đánh máy là công việc khá tầm thường. Nhưng điều tôi nhận thấy trong giọng nói của ông có gì như là sự sẻ chia và như lời động viên tôi hãy mạnh mẽ lên.

Tôi bỗng muốn đến cơ quan hằng ngày. Mỗi khi bình minh bừng dậy, tôi háo hức chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng con, trang điểm và chọn những bộ quần áo phù hợp. Tôi thôi không đau khổ với những thái độ và lời lẽ cáu gắt của chồng. Tôi phóng xe đến cơ quan trong tâm trạng tươi vui háo hức. Dù đã gần chớm đến tuổi 50, vậy mà như một cô gái mới tìm được việc làm.

Rồi ông ấy bị tai nạn gẫy chân phải bó bột. Cơ quan tôi chia nhau đến chăm sóc sếp vì con trai của ông ấy còn nhỏ, chưa biết chăm sóc cha, cũng vì mọi khi ông ấy khá chu đáo với mọi người. Thậm chí chồng hay vợ của cán bộ nhân viên trong cơ quan, phần lớn đều rất quý sếp của vợ hay chồng mình. Chúng tôi được lệnh của cấp phó, mang công văn giấy tờ đến để ông duyệt. Rồi cơm nước luôn cho ông và cậu con trai nhỏ.

Tôi đến nhà ông, nhìn tấm ảnh chụp chung của gia đình, và nhìn lên bàn thờ người vợ mới biết bà là một thiếu phụ khá đẹp và dịu dàng. Tôi gần như lặng người đi trước những gì ông lưu giữ của người vợ, đặt trên bàn thờ, trên bàn làm việc và những nơi mà ông có thể đã từng có những kỷ niệm ngọt ngào với bà.

Tôi bỗng muốn đến chăm sóc ông hằng ngày. Đây là người mà mọi khi ở cơ quan chúng tôi rất ngưỡng mộ. Nay ông nằm nét mặt xanh xao, nhưng tôi như nhìn thấy vẻ thư sinh của một người đàn ông nho nhã, lịch lãm, trẻ trung xưa kia, được lưu dấu trên những bức ảnh.

Mọi việc đến như cơn lốc mà tôi không sao kìm giữ được.

Đấy là khi ông đã khỏe mạnh lành lặn và tôi cùng một anh trong phòng đi công tác với sếp. Chúng tôi đi Trung Quốc để ký kết một hợp đồng hợp tác khá quan trọng. Chồng tôi bảo: Cô cứ đi thoải mái, tôi khắc lo cho con ở nhà. Cô đi cho bằng chị bằng em. Tôi chỉ mong anh có ý ghen tuông, ngăn không cho tôi đi chuyến này. Ngày mới lấy nhau, tôi cũng thầm mong anh có lúc nào đó sẽ ghen tuông ai đó với tôi, để tôi được thấy giá trị của mình trong lòng anh. Nhưng ngày đó anh chưa bao giờ ghen tuông, cũng như giờ đây anh thản nhiên và có vẻ còn hứng thú cho phép tôi đi xa hàng tuần.

Thế là tôi đi. Và việc gì đến đã đến.

Tôi yêu ông. Yêu với mối chân tình ngọt ngào và nồng thắm nhất. Mối tình này của chúng tôi không vụ lợi tiền bạc, địa vị, không mang yếu tố sắc dục. Tôi luôn ham thích được ngồi bên ông hằng giờ bên bờ sông để trò chuyện như tôi đã từng ngồi với ông như thế bên sông Hoàng Hà. Chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện dường như không thấy chán. Cứ như thể cuộc đời tôi đang bung nở ra, không bị kìm nén và uất ức căng tức trong lòng.

Những giây phút êm dịu của cuộc đời tôi lại do một người đàn ông đã lớn tuổi hơn chồng tôi hàng chục tuổi, đem lại. Ông bảo ban tôi khá nhiều điều và cũng động viên khuyến khích tôi rất nhiều. Ông nhất định cho rằng tôi cần phải đi học thêm những khóa học đặc biệt, ông sẽ tạo điều kiện cho tôi đi, miễn sao phải thuyết phục được chồng. Sau đó ông sẽ chuyển tôi vào vị trí cán bộ tổ chức xứng đáng với khả năng, vì ông biết tôi gánh vác việc đó sẽ tốt hơn nhiều người trong cơ quan này, và sẽ đem lại cho nhiều người những điều tốt lành hơn.

Chúng tôi đã yêu nhau như thế.

Và chồng tôi cũng không hề biết hay nghi ngờ gì. Anh có lẽ sống đơn giản và không bao giờ chịu tin sẽ có ngày anh không còn là báu vật trời cho tôi nữa.

Tôi nghĩ rằng mối tình mà mọi người dành cho nó hai chữ NGOẠI TÌNH của tôi sẽ có lúc phải kết thúc, bởi tôi không phải là một phụ nữ ưa phá tung mọi sự. Tôi đã gần 50, lứa tuổi viên mãn để vui vầy với gia đình con cái và mãn nguyện với công việc. Chồng tôi, nghĩ cho cùng, dù có khô khan cứng nhắc và ích kỷ thì anh ấy cũng không bao giờ phản bội tôi.

Nhưng nếu mối tình mà tôi đang kể cho bạn nghe đây kết thúc trên thực tế thì trong lòng tôi vẫn mãi mãi có hình bóng người đàn ông lịch lãm và chân tình đã tiếp cho tôi sức sống tươi trẻ, để tôi có thể đi hết cuộc đời với nụ cười luôn trên môi

Cầm Kỳ (ghi theo lời kể của nhân vật)
.
.
.