Trở thành gián điệp vì mê gái

Thứ Sáu, 05/04/2013, 16:15

Vì say mê một nữ sinh viên 27 tuổi trẻ đẹp người Trung Quốc, nhà thầu quốc phòng đang làm việc cho phòng tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii Benjamin Pierce Bishop đã chấp nhận bán đứng các bí mật quốc gia, cung cấp cho người tình của mình. Mức án cao nhất mà anh này có thể nhận được nếu bị tuyên có tội là 20 năm tù giam.

Tuy nhiên, Benjamin Pierce Bishop không phải là trường hợp hiếm về việc vô tình trở thành gián điệp do sự câu kéo của người tình. Điều này cho thấy, chiến lược gián điệp tình dục đang trở thành đề tài "hot" trong giới tình báo quốc tế.

Các kết quả điều tra do FBI tiến hành, được công bố hồi trung tuần tháng 3 cho thấy, trong một loạt email được gửi cho người tình hồi tháng 5 năm ngoái, Benjamin Pierce Bishop (59 tuổi) đã thông tin cho cô này về các kế hoạch chiến tranh của Mỹ, vũ khí hạt nhân và mối quan hệ quân sự của Mỹ với các quốc gia khác trên thế giới. Đến tháng 9, theo đề nghị của người tình, Benjamin Pierce Bishop lại tiếp tục các hoạt động gián điệp của mình khi kể với cô này về chiến lược phát triển hạt nhân của Mỹ, khả năng Mỹ sẽ tách sóng radar của loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo tầm ngắn và cả kế hoạch triển khai hệ thống cảnh báo radar ở bờ Thái Bình Dương.

Khám nhà riêng của Benjamin Pierce Bishop tại Kapolei, ngoại ô phía Tây Honolulu, các nhân viên FBI còn thu giữ được 12 tài liệu có đóng dấu "mật". Điều đáng nói là những tài liệu này, Benjamin Pierce Bishop không được tiếp cận nên FBI không loại trừ khả năng anh đã đánh cắp chúng. Chưa hết, để làm vừa lòng người tình khi đó đang ở Anh, Benjamin Pierce Bishop đã bắt chuyến bay sớm nhất tới London và tổ chức các cuộc gặp gỡ với bạn bè trong quân đội Anh, Pháp để nhờ giúp đỡ.

Tin từ hãng BBC cho hay, cho đến ngày 26/3, trong các buổi trả lời thẩm vấn, Benjamin Pierce Bishop vẫn một mực bảo vệ người tình và không chịu khai tên thật của cô. Anh chỉ hé lộ rằng đã quen người tình trẻ tại một cuộc hội thảo về các vấn đề quân sự quốc tế ở Hawaii do Bộ Tư pháp tổ chức. Khi đó, người phụ nữ này tới Mỹ bằng hộ chiếu sinh viên và đã tìm cách làm quen với anh. Đáng chú ý là Benjamin Pierce Bishop không phải là trường hợp hy hữu ở Mỹ khi vô tình trở thành gián điệp vì làm theo ý thích của người tình.

Hồi năm 2005, cựu trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Donald Keyser cũng đã phải hầu tòa vì một phụ nữ Đài Loan. Vụ việc bắt đầu khi chính trị gia ở tuổi lục tuần này không chỉ trao trái tim cho người phụ nữ Á Đông xưng tên là Isabelle Cheng mà kèm theo cả tài liệu mật. Theo lời các quan chức của ngành tư pháp Mỹ, mối tình này kéo dài 2 năm, từ năm 2002 đến tháng 9 năm 2004. Trong khoảng thời gian đó, ông Donald Keyser đã mang 3.600 tài liệu mật ở dạng văn bản và lữu trữ điện tử từ Bộ Ngoại giao về nhà riêng ở Fairfax, bang Virginia rồi chuyển cho người tình Isabelle Cheng lúc này đang là nhân viên của Cục tình báo ngoại tuyến của Đài Loan, tên thật là Nain-Tzu Cheng. Khi vụ việc vỡ lở, ông Donald Keyser đã bị tuyên án 8 năm tù giam và nộp phạt 500.000 USD…

Hồi năm 2012, khi bê bối gọi gái mại dâm của các nhân viên mật vụ Mỹ đi theo bảo vệ Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) ở Cartagena, Colombia, người ta cũng không loại trừ khả năng những cô gái này là điệp viên nước ngoài được cài cắm, giả dạng gái mại dâm ở Cartagena để tiếp cận các mật vụ Mỹ. Trong vụ bê bối này, Chính phủ Mỹ đã triệu hồi 11 nhân viên và một vài sĩ quan mật vụ về nước do có "hành vi sai trái".

Trên thực tế, sử dụng gái đẹp hoặc đàn ông đẹp để dụ dỗ, mê hoặc mục tiêu, làm nảy sinh quan hệ giới tính/tình dục với đối tượng, làm cho đối tượng bất giác tiết lộ cơ mật lúc nào không hay… đã trở thành thủ đoạn gián điệp được cơ quan tình báo, an ninh các nước sử dụng rộng rãi. Thủ đoạn này thường bắt đầu từ "gặp nhau ngẫu nhiên", "vừa gặp đã yêu quý nhau", được dẫn dắt bởi sự hấp dẫn, thu hút giới tính, kết thúc bằng sự đe dọa/dọa dẫm giới tính (tình dục), có thể hỗ trợ thêm bằng cách mua chuộc bằng tiền, vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, từ đó lập công lớn trong lĩnh vực gián điệp.

Từ năm 2009, giới chức Ủy ban châu Âu từng khuyến cáo các cơ quan an ninh là phải kiểm tra, rà soát lại hồ sơ và mối quan hệ của các nhân viên làm việc trong ủy ban để tránh tình trạng có người bị lợi dụng làm gián điệp.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Cục bảo vệ hiến pháp liên bang Đức cũng đã công bố "Báo cáo an ninh năm 2012", qua đó mổ xẻ tình hình an ninh của Đức và giới thiệu những thủ đoạn quen dùng của gián điệp nước ngoài. Báo cáo cho rằng, các gián điệp nữ nước ngoài thường tìm cơ hội tán gẫu với quan chức chính phủ, doanh nhân, học giả hoặc quân nhân rồi từ đó xây dựng mối quan hệ tình cảm, tình dục và dần dần lôi kéo, điều khiển đối phương phục vụ mục đích của mình.

Vụ việc kiểu này cũng đã xảy ra tại châu Á. Tháng 1 vừa qua, 8 thượng tướng 3 sao, 18 trung tướng, 16 thiếu tướng, 25 thượng tá, 14 trung tá, 4 thiếu tá của Đài Loan đã bị bắt vì tham gia một đường dây gián điệp nước ngoài do các nữ gián điệp điều hành

Khánh Chi
.
.
.