Kẻ 'đốt rừng' và nỗi niềm của những người vợ 'ươm cây'

Thứ Sáu, 17/04/2015, 09:30
Chưa bao giờ ở một xã nghèo vùng cao của Đà Nẵng lại diễn ra phiên Tòa đặc biệt đến vậy. Khán tòa chật kín, các bị cáo nhận được sự xót xa, thương cảm của hầu hết những người dự khán. Kỳ lạ hơn, tòa đã kết thúc bằng bản án nghiêm khắc, rất đúng người, đúng tội, nhưng lá đơn xin giảm án lại được tất cả dân làng Hòa Hải (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chuyền tay nhau ký vội.
Ba người vợ cùng đàn con nheo nhóc, ba nóc nhà nghèo xơ xác gánh lên vai "món nợ" hơn 1 tỷ đồng, còn tác hại do lỗi lầm của ba bị cáo gây ra để lại cho xã hội nhiều hệ lụy. Đó cũng chính là bài học cay đắng cho những ai còn có ý định "hủy hoại rừng" để làm "của riêng".

3 nông phu và 100 ha rừng bị thiêu rụi

Vụ án "hủy hoại rừng" của ba bị cáo "nông phu"  Đặng Phước Dũng (39 tuổi), Nguyễn Thanh Minh (47 tuổi) và Hoàng Đình Toàn (50 tuổi, anh vợ Minh) cùng trú thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng xảy ra vào tháng 6/2014. Đặng Phước Dũng trong một lần đi bứt mây tại Hố Chùi (thuộc rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã phát hiện đoạn rừng gần 4.200m² bị bỏ hoang.

Đang muốn tìm đất để trồng luống keo giống vừa mới ươm, tự dưng lại vớ được mảnh đất "màu mỡ", nên dù biết đất thuộc rừng cấm được bảo vệ, Dũng vẫn cố tình tự ý chặt và đốt thực bì. Dũng còn dự định 5 ngày nữa sẽ đem keo giống đến trồng, nhưng vì một mình lượng sức không kham nổi, Dũng bèn bôn bả chạy về làng thuê hai anh em nhà hàng xóm là Toàn và Minh cùng đốt rẫy, phát quang...

Đang lúc mẹ già ốm nặng cần tiền thuốc thang, đàn con lại nheo nhóc phải chạy gạo từng bữa, nên khi được Dũng thuê tiền công phát rẫy 170.000đ/ngày Toàn, Minh mừng quá không kịp nghĩ ngợi gì, cứ vậy vội vã theo Dũng lên Hố Chùi.

Sáng 21/6/2014, qua 2 ngày quần quật thu gom, đốt lá, cả ba người Dũng, Minh, Toàn vẫn không để ý Đà Nẵng đang vào mùa hanh khô, đám thực bì mà Minh, Toàn, Dũng đốt gặp gió nồm thổi ngược cứ vậy bùng cháy lan. Ban đầu lửa mới chỉ quần đảo đoạn Hố Chùi, cả 3 người hò nhau ra sức dập lửa. Nhưng từ 1ha, rồi 5, 10, đến 50ha rừng cứ thế, thoáng chốc ngùn ngụt lửa. Cả ba nông phu chỉ còn kịp thoát thân ra khỏi bà hỏa, rồi băng bộ đến bật cả máu chân trở về làng hô hoán, kêu cứu.

Các bị cáo Toàn, Minh và Dũng trước vành móng ngựa.

Bấy giờ, cả làng Hòa Hải, cả xã Hòa Phú kẻng báo động đánh liên hồi, bà con trong làng, trong xã cùng dân quân tự vệ người có xô cầm xô, người vác cuốc, vác xẻng băng rừng chiến đấu với giặc lửa. 5 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC huyện Hòa Vang và TP Đà Nẵng cũng khẩn cấp được huy động đến bìa rừng tiếp nước, cứu hỏa… Thế nhưng, hàng trăm sức người nỗ lực trắng đêm cứu rừng cho mãi đến rạng sáng ngày 22/6 đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Ngay sau khi lửa rừng bị dập tắt, hai anh em Toàn và Minh lấm lem, ám khói thất thểu dắt nhau về Công an xã Hòa Phú để nhận tội, còn Đặng Phước Dũng đã bỏ trốn đến 4 ngày sau mới ra đầu thú. 102 ha rừng đặc dụng, rừng trồng đã bị thiêu rụi, thiệt hại lên đến trên 1 tỷ đồng. Chỉ riêng ba nóc nhà nghèo quặn đắng nhiều nỗi lo, dân làng Hòa Hải không ai bảo ai nhiều tháng sau đó không một ai bén mảng lên khu rừng bởi đám cháy đã  ám ảnh trong họ quá lớn…

Vụ cháy rừng Bà Nà gây thiệt hại 100ha rừng.

Chồng hủy hoại rừng, vợ xin ươm cây "trả lại" màu xanh

Cả ba người đàn bà, hốc hác buồn lo, nước mắt ngắn dài cùng tha thiết, trải lòng trước tòa để xin giảm nhẹ tội cho chồng họ. Mặc dù Hội đồng xét xử (HĐXX) rất cảm thông cho hoàn cảnh quá khó khăn của các bị cáo, con đông, học lực chưa hết cấp 2, gia đình có công với cách mạng… Nhưng cách hiểu thiển cận và suy nghĩ quá giản đơn như vậy của họ làm sao có thể cứu lại hơn 100ha rừng bị chồng họ thiêu trụi. Cũng không thể nào nhẹ bớt được tội trạng "hủy hoại môi trường, hủy hoại rừng" trước pháp luật và dư luận kịch liệt lên án?

Mấy ngày sau phiên tòa, tôi tìm về làng Hòa Hải, ngôi làng lọt thỏm, nép  mình cạnh triền núi thuộc khu bảo tồn Bà Nà - Núi Chúa. Làng có trên 100 nóc nhà, đã mất 92 hộ gia đình phụ thuộc mưu sinh bằng nghề làm rừng. Nhà thì ươm cây keo giống, thu nhập bấp bênh không đủ lo cho đám trẻ được đầy đủ sách vở đến trường.

Gia đình nọ mùa khô, cả nhà già trẻ, đều phải dắt díu nhau lên rừng phát rẫy thuê, chờ mưa đến lại bán mặt cho đá núi, bán lưng cho mưa lạnh, đôi tay bật máu để trồng từng vạt cây keo non. Nhà khác, đàn ông lên rừng lấy củi, đàn bà chăm trẻ, ươm keo giống, cuộc sống tuy vất vả nhưng yên bình cứ vậy trôi qua nếu như làng Hòa Hải không xảy ra vụ cháy rừng động trời hôm nào.

Ba mẹ con bà Hồ Thị Lài buồn bã kể lại sự việc.

Giữa chang chang nắng gắt, chị Nguyễn Thị Trang (45 tuổi, trú thôn Hòa Hải, vợ của bị cáo Đặng Phước Dũng) vẫn lúi cúi lên đám keo giống, mồ hôi thấm đẫm thay nỗi lòng của chị. "Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng ni không đủ để thế chấp ngân hàng, vay gần 400 triệu mà đền bù thiệt hại vụ chồng tui đốt rừng mô nhà báo à.Từ ngày anh Dũng bị bắt, tất cả mọi công việc nặng nhọc trong gia đình tui phải thay chồng gánh vác.

7 mẹ con bà cháu đều trông chờ vào ruộng cây keo giống ni, nhưng cố mấy cũng không thể nào đủ trang trải cuộc sống. Gia đình tui cả mấy thế hệ sống nhờ rừng, bây giờ khốn đốn, khó khăn cũng vì rừng". Dứt câu, chị Trang vén vạt áo lấm bùn đỏ quạnh lau nước mắt ngắn dài rồi tiếp: "Nhà tui khó khăn trăm bề, nhưng so với gia đình nhà Toàn và Minh vẫn còn có phần khá giả hơn"…

Quả thật, hai căn nhà liền kề của anh em Toàn và Minh chỉ "kiên cố" khi thoáng nhìn bên ngoài, còn hoàn toàn trống huơ trống hoác ở bên trong. Bà Hồ Thị Lài (70 tuổi, mẹ ruột của Minh và mẹ vợ của Toàn) khi nghe chúng tôi hỏi thăm về gia cảnh cứ vậy khóc từ ngoài ngõ vào tận trong nhà. Một người mẹ, chồng mất sớm, nay phải chứng kiến cảnh cả con trai lẫn con rể vướng vòng tù tội. Đàn cháu nội ngoại 9 đứa nay vắng cha thơ dại, nheo nhóc, mẹ chúng thì phải chạy ăn từng bữa, chật vật tiền thuốc men chữa bệnh phụng dưỡng mẹ già, thử hỏi làm sao lòng bà không quặn thắt đau.

Thấy mẹ già nẫu lòng, hai người vợ Phan Thị Lê Huệ (37 tuổi, vợ Minh) và Nguyễn Thị Kim Nhung (45 tuổi, vợ Toàn) đã khóc òa. Lúc ở nhà, Minh và Toàn ai thuê gì làm nấy, mùa khô nào may mắn, người thuê phát rẫy nhiều thì đủ tiền trang trải cả gia đình. Còn mùa mưa, ít việc đành bữa cháo, bữa rau cả nhà sống qua ngày. Gia đình bà cụ Lài thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã, đến cả căn nhà mà Lài đang ở cũng nhờ vào sự quan tâm của chính quyền địa phương hỗ trợ xây nên.

Riêng vợ chồng Nhung - Toàn sinh được 4 đứa con, thì cậu con trai cả bị di chứng của chất độc da cam, mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải nằm một chỗ. Trước hoàn cảnh mẹ con bà cháu của cụ Lài như vậy, "một miếng khi đói bằng một gói khi no" bà con Hòa Hải tuy nghèo và điều kiện chẳng khá hơn là bao nhưng không ai bảo ai, người góp ít tiền, ít gạo, người giúp mấy ngày công trồng rừng để hỗ trợ gia đình cụ Lài vượt qua giai đoạn khốn cùng này. Dân làng còn đồng lòng làm đơn gửi đến các cấp chính quyền và quý tòa, mong pháp luật khoan hồng giảm án cho anh em Toàn - Minh để họ sớm về với gia đình, chăm chỉ làm việc có tiền khắc phục hậu quả.

Như mọi lần được vợ đến trại tạm giam thăm, Minh trút lòng, trút dạ dặn dò vợ: "Sự cố vừa qua là bài học quá đau xót, sau này hết hạn tù, tui sẽ không bao giờ dám lên rừng, cũng tuyệt cấm anh em, con cháu lên rừng phát rẫy, đốt thực bì nữa. Ai thuê cũng không đi. Chỉ mong sớm được trở về để làm việc nuôi gia đình". 

Cùng tâm trạng với hai gia đình hàng xóm, chị Nguyễn Thị Trang cho biết: "Anh Dũng ân hận lắm. Giá như ngày đó đừng ham việc phát thêm rừng, đốt thực bì làm rẫy thì giờ gia đình không phải lâm vào cảnh khốn khó như thế này. Giờ một mình tôi và mẹ già ở nhà cùng 4 đứa con nhỏ không biết xoay xở làm sao, mong pháp luật tha thứ và giảm án cho các anh ấy…", chị Trang nói.

Vụ phát rừng làm rẫy rồi vô tình gây cháy rừng dẫn tới hậu quả lớn này là bài học cho những người đã và đang có ý định làm điều tương tự. Hiện cả nước đang vào mùa khô, mùa cao điểm phòng cháy chữa cháy rừng. Hiểm họa cháy rừng, hiểm họa do ý thức của người dân mà trực tiếp là những nông phu đang hàng ngày bám chặt cuộc sống mưu sinh với rừng vẫn đang là mối lo ngại lớn cho xã hội.

 Vào cuối tháng 3/2015, TAND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã mở phiên tòa lưu động xét xử 3 đối tượng Đặng Phước Dũng (39 tuổi), Nguyễn Thanh Minh (47 tuổi) và Hoàng Đình Toàn (50 tuổi, cùng trú tại thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) về hành vi hủy hoại rừng. Theo cáo trạng, vào ngày 21/6/2014, Đặng Phước Dũng thuê Hoàng Đình Toàn và Nguyễn Thanh Minh để phát dọn và đốt thực bì tại 4.200m2 rừng ở khu vực Hố Chùi (thuộc xã Hòa Phú).

Do trời nắng nóng, có gió mạnh nên lửa cháy lan thiêu trụi hơn 106 ha diện tích rừng (trong đó có 35,68 ha rừng đặc dụng, 70,35 ha rừng sản xuất). Làm thiệt hại 2.209 cây rừng nguyên sinh và cây trồng trị giá 1,143 tỷ đồng...

Với hành vi đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đặng Phước Dũng 4 năm tù giam, Nguyễn Thanh Minh 3 năm tù giam và Hoàng Đình Toàn 3 năm tù giam về tội hủy hoại rừng. Ngoài ra, mỗi bị cáo phải bồi thường thiệt hại hơn 380 triệu đồng.

Hoài Thu
.
.
.