Duyên kiếp

Thứ Ba, 13/01/2015, 15:00
Nhưng thật quái lạ! Phiên chợ sau, tôi bị một cậu thanh niên trong bản kéo vào trong một quán nước. Cậu ta nói sẽ cho tôi xem một hình ảnh mới quay được qua điện thoại về quan hệ của vợ tôi với Tú. Nhưng hắn lại đòi phải thưởng một chai bia mới cho xem. Tôi gật đầu liền. Hắn bật máy. Cảnh tượng thằng Tú đang cởi áo của một người đàn bà rồi đè xuống giường hiện ra.

Tôi đang bán hàng ở chợ huyện thì có người đến báo, vợ tôi đã lên rừng với người thợ giúp việc. “Thì sao?” - Tôi trừng mắt hỏi lại. Anh ta ngạc nhiên rồi cười rất to và cho là tôi rất khờ và quá tin người. Ai lại đi thuê một thằng lang thang ở đâu đó đến nhà làm, rồi còn cho ngủ lại nữa. Tôi mím môi lắng nghe. Không ngờ anh ta còn giễu tôi, hay cái khoản ấy đã bị xẹp rồi nên đành chịu. Thực lòng tôi muốn cho anh ta một cái tát vì dám ăn nói lung tung, nhưng cố ghìm lại và còn nhẹ nhàng nói, mọi người đứng có hiểu nhầm. Sau đó, tôi lại quay ra bán hàng và cố tỏ ra bỏ ngoài tai mọi chuyện. Nhưng đến khi bà Hai cùng xóm rẽ vào thì thầm nói có người đã nhìn thấy thằng Tú ôm vợ tôi ngoài vườn cà phê thì quả là chuyện mất mặt thật. Tôi vội nhờ ông Bá, bán hàng ăn bên cạnh, coi giùm thùng hàng rồi đi ngay về nhà.

Vừa đến đầu xóm, tôi đã nghe thấy tiếng quai búa của cậu Tú. Nghĩa là đâu có chuyện vợ tôi và cậu Tú ôm nhau. Chắc hẳn lúc này vợ tôi đang quay bễ lò. Trước khi đi, tôi đã chuẩn bị nhiều vật liệu để làm năm cái lưỡi cuốc và chục con dao. Họ làm cả ngày mới xong việc chứ đâu có chuyện rủ nhau lên rừng chơi. Đúng là thiên hạ thối mồm chỉ ăn không nói có. Họ muốn chia rẽ gia đình tôi hay sao mà cứ ganh ghét vậy. Cách đây mấy hôm còn có người nói bóng gió rằng, chắc tôi không thể có con nên mới thuê một thanh niên trẻ đến nhà làm thợ, một công đôi việc, biết đâu lại có mụn con nối dõi. Lại có người còn nhắc khéo tôi, đừng quá tin người xa lạ, nó cuỗm đi cả vốn liếng thì có trắng mắt ra. Nghe mọi người nói, tôi chỉ biết cảm ơn và sẽ đề phòng mọi chuyện. Nhưng tôi không bao giờ tin vợ tôi lại tệ hại đến thế. Còn cậu Tú nữa, cho dù xấp xỉ vợ tôi ở tuổi ba mươi, nhưng cũng chỉ đáng là con em trong nhà, đâu dám làm chuyện bậy bạ. Nhưng đúng là từ ngày tôi bị ngã gãy cánh tay phải, không còn làm được việc gì nặng nữa. Tôi chỉ mang hàng ra chợ bán. Chuyện rèn cuốc, xẻng đều nhờ đến cậu Tú với vợ tôi cả.

Nhưng thật quái lạ! Phiên chợ sau, tôi bị một cậu thanh niên trong bản kéo vào trong một quán nước. Cậu ta nói sẽ cho tôi xem một hình ảnh mới quay được qua điện thoại về quan hệ của vợ tôi với Tú. Nhưng hắn lại đòi phải thưởng một chai bia mới cho xem. Tôi gật đầu liền. Hắn bật máy. Cảnh tượng thằng Tú đang cởi áo của một người đàn bà rồi đè xuống giường hiện ra. Nom rõ mồn một nhưng tôi vẫn cãi: “Người đàn bà đó không phải vợ tao, mày quay ở đâu đó chứ”. Nó nói to: “Đó là thằng Tú mà, đúng không?”. Tôi gật đầu nhưng vẫn không tin bóng người đàn bà lờ mờ đó là vợ tôi. Nhưng dù sao tôi vẫn phải trả tiền chai bia cho nó rồi phóng chân về nhà, bỏ cả một đống cuốc xẻng ở chợ. Tôi cầm một con dao bản to đùng đùng về xóm. Vừa đi tôi vừa thở dốc vì quá tức tối, cho dù không tin đó là sự thật.

Đúng là lần này không nghe thấy tiếng quai búa nữa. Ắt là vợ tôi cũng không ngồi quay bễ như mọi khi. Tôi xục vào trong buồng. Không có ai. Tôi chạy ra vườn cà phê cũng không thấy người. Tôi gọi tên Tú và tên vợ tôi ầm cả xóm. Một thằng bé chạy tới nói, hai người đã lên trên rừng thông rồi. Nó chỉ ra phía đường dẫn lên đồi rừng thông. Nơi ấy có đồng cỏ xanh rì và hương bay thơm ngào ngạt. Đó là cánh rừng thông mà tôi từng lang thang nhặt lá và quả thông khô về đun. Vậy là có lẽ cả hai đã đến cái hang nhỏ đó, nơi mà chính tôi đã đưa vợ lên chơi từ khi mới quen biết. Sao lại có thế được chứ? Tôi hít căng lồng ngực rồi chạy một mạch theo con dốc. Không ngờ bọn trẻ hò reo chạy theo. Thật tai hại. Khi đến gần hang, tiếng bọn trẻ khuấy động làm cả hai cùng chạy ra khỏi hang. Thằng Tú phóng chân chạy một mạch lên đỉnh đồi. Vợ tôi vì vướng cái áo bị mắc vào một cành thông nên ngã bật ngửa về phía sau. Tôi lao tới như một con hổ cắn xé miếng mồi. Không biết tôi đã đánh vợ tôi như thế nào nữa. Cho đến khi chính tôi cũng không còn đủ sức để giơ tay lên. Tay bị què tê cứng không còn cảm giác. Còn tay trái thì bải hoải như muốn rời ra khỏi vai. Vợ tôi ôm đầu van xin tha tội và gục xuống ngất lịm dưới gốc cây thông. Có lẽ tôi ngồi như thế cho đến tận chiều khi ánh mặt trời lặn xuống phía sau đồi thông. Chờ cho vợ tỉnh lại, tôi xốc cô ta lên lưng cõng về nhà.

Sáng hôm sau, mọi người trong xóm tò mò đến chơi xem đã có chuyện gì xảy ra. Tôi biết thế nào bọn trẻ cũng lu loa lên. Chắc mọi người đã biết chuyện thằng Tú lăng nhăng với vợ tôi từ lâu, mà chỉ có tôi là không biết. Lòng tin của tôi đã xụp đổ. Suốt cả đêm qua tôi thức trắng. Vợ tôi cũng chỉ ôm mặt khóc vì xấu hổ. Bà Hai, hàng xóm, sang từ rất sớm hỏi thăm vợ tôi có khỏe không và thằng Tú đâu rồi. Tôi giận nóng bừng bừng như lửa đốt nhưng vẫn tỏ ra niềm nở nói vợ tôi đang bận việc ngoài vườn, còn thằng Tú hôm qua về quê tận Thanh Hóa rồi. Bà ta vừa uống bát nước vừa liếc mắt vào trong xem có vợ tôi ở nhà không. Thế là tôi tìm cách biếu bà ta một cái cuốc mới đóng cán, rồi nói khéo mọi sự có gě nhờ bŕ giúp đỡ. Mọi chuyện từ đó cũng không thấy ai còn bàn tán gì nữa. Những vết thương trên người vợ tôi cũng lặn dần theo thời gian. Gần cuối năm sau chúng tôi có con. Một thằng bé giống cậu Tú như đúc. Tôi im lặng và coi đó là giọt máu của ḿnh. Nhưng cũng từ đó gia đình tôi đóng cửa lò và chỉ tập trung trồng cà phê để mưu sinh.

***

Một hôm, bất chợt đang cân cà phê cho cửa hàng thu mua thì chính bà Hai hớt hải chạy tới báo, hình như thằng Tú quay về. Tôi giật bắn mình, tất tả chạy vội về. Không ngờ nó còn dẫn hai thanh niên nữa đi cùng. Nó trơ tráo cười nói với tôi làm như không có chuyện gì. Tôi tái mặt đứng giữa sân, không biết nói năng gì nữa. Hắn liến thoắng kêu tôi chuẩn bị chai rượu để ăn mừng. Vợ tôi thì chỉ ôm con trong buồng, không dám bước ra ngoài. Tôi cố gượng cười hỏi: “Chú đến uống rượu ăn mừng gì?”. Không ngờ nó nói toẹt luôn:

“Cậu con trai đó, mừng anh có con trai không được à?”. Tôi muốn ném tất cả những gì có trên bàn vào mặt hắn nhưng phải cố nín nhịn. Tôi rót bốn chén rượu và trịnh trọng mời mọi người uống. Khi cả ba người vừa ngồi xuống bàn, tôi bất ngờ vung con dao giấu trong tay áo đâm thẳng vào ngực tên Tú. Dòng máu chảy ra như suối. Tôi không còn biết sợ nữa. Hai tên kia ôm ghì lấy tôi và giật lại con dao. Một thằng vung dao định đâm tôi thì đột nhiên vợ tôi chạy ra hét lên: “Hãy dừng tay, nếu không thằng bé này sẽ chết”. Nói rồi vợ tôi giơ thằng bé lên cao làm như sẵn sàng ném nó xuống sàn nhà. Lúc này, mấy anh Công an xã chạy ập đến. Tôi bị bắt. Còn tên Tú được cấp cứu đưa lên Bệnh viện huyện.

Tôi bị tòa khép tội giết người. Nhân chứng, vật chứng đều rõ ràng trên hiện trường khi xảy ra vụ việc. Tuy người chưa chết nhưng tôi vẫn nhận án tù mười năm. Tôi kháng án. Tòa phúc thẩm vẫn y án và nói là không thể nhẹ hơn. Hôm tôi lên xe để vào trại giam, bà Hai đưa vợ con tôi đến chào. Tôi xin được bế thằng bé một lát rồi lên xe. Từ nay biền biệt phương xa vì tôi biết, nơi tôi đi tù xa tới hơn 500 cây số, lại ở vùng rừng núi hoang vu, không biết đến bao giờ mới có ngày gặp lại vợ con. Vợ tôi khóc thảm thiết và luôn mồm xin lỗi và hứa sẽ thường xuyên lên thăm tôi. Cánh rừng thông vun vút trôi qua trước mắt tôi. Một nỗi đau chan chứa muốn giấu kín mà không xong. Mọi thứ tội lỗi trôi qua muốn im lặng mà nó lại cất tiếng, khơi gợi lại nỗi đau. Tôi không ngờ mọi chuyện lại kết cục như thế này. Đường dài hun hút trước mặt. Tôi nhắm mắt bỏ mặc cho số phận trôi dạt đến đâu thì đến.

***

Đáng lẽ thế thì nên thế. Đó là sự chờ đợi và mong mỏi ngày về. Tôi chỉ cầu mong mọi chuyện sẽ như vậy cho đến khi tôi ra khỏi trại giam. Nhưng ông trời đâu có thấu khi chính vợ tôi và thằng Tú cùng đứa bé xuất hiện ở phòng chờ thăm tôi trên trại giam. Họ cùng nhau vượt hơn 500 cây số lên đây chắc không chỉ để thăm. Tôi không thể ngờ được khi chính vợ tôi đã đưa tôi lá đơn ly hôn. Cô ta nói là nên chia tay để bảo đảm tương lai cho đứa con. Hơn nữa, nói là đợi đến khi tôi ra tù cô ta sẽ héo hon và chết già mất. Lại còn đói kém nữa, không đào đâu ra tiền để nuôi con và nuôi thân. Thằng Tú nhếch mép cười rồi cất tiếng: “Thôi, đó là cái số của anh chị đến vậy, làm sao đi ngược lại định mệnh”. Tôi chết đắng trong lòng. Họ nói đến vậy, tôi thấy mọi lời, dù có van xin cũng bằng thừa. Tôi cắn môi suy tính, dù không còn cách nào nữa, lương tâm họ để đâu không biết nữa. Nhất là vợ tôi, là người tôi đã cưu mang suốt hơn chục năm qua khi chỉ là một cô gái đi chăn bò thuê trong xóm. Sự phản bội đâu có ngờ khi tôi lâm vào hoạn nạn. Tôi cắn răng ngồi lì như mất hồn.

Mọi chuyện đành lại phó mặc cho số phận vậy. Kiếp nhân duyên của tôi chỉ còn lại có thế thôi sao. Họ còn nói, nếu tôi không ký vào đơn ly hôn cũng chẳng hề gì, vì có cái lý rằng, tôi chỉ là thằng tù, chẳng còn một chút quyền hạn nào nữa. Họ nói bỏ là bỏ. Ly hôn là ly hôn. Nhưng sao họ còn lên tận đây làm gì. Tôi cũng không hiểu nữa. Duy chỉ có thằng bé là tôi phải nhìn theo, vì tôi đã đặt tên cho nó, đứng tên cha đẻ ra nó và đã yêu thương bé từ khi còn trong bụng mẹ. Tôi ước, biết đâu khi ra tù, một ngày nào đó được nhìn thấy nó cười, một nụ cười thơ dại ngày nào khi tôi ru nó ngủ trên tay…

Mai Đỗ
.
.
.