Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài

Thứ Sáu, 01/12/2023, 08:50

Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”, ngày 1/12, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức chương trình tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài” cho lãnh đạo của 30 cơ quan báo chí.

Đây là một trong những chuỗi hoạt động thực hiện thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Vinamilk nhằm mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa. 

Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng đa dạng và mang lại nhiều lợi ích nhưng báo chí chưa tận dụng để phát huy hiệu quả của AI. Các tòa soạn nên đầu tư vào việc hoàn thiện hệ thống AI, qua đó có nhiều tin, bài góp phần làm hài lòng độc giả. 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài -0
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu khai mạc lớp tập huấn.

AI có thể được áp dụng trong sản xuất tin, bài để tạo ra nội dung chất lượng và hiệu quả như: tạo ra tiêu đề và mô tả hấp dẫn; tự động tạo nội dung giúp tăng cường tốc độ sản xuất nội dung và giảm thời gian cần thiết cho việc viết tin, bài; phân tích xu hướng và dữ liệu; tối ưu hóa nội dung tin tức và bài viết để tăng cường hiệu suất SEO ( Search Engine Optimization - tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), giúp nội dung được tìm kiếm và đọc nhiều hơn trên các công cụ tìm kiếm.

Những ứng dụng này chỉ là một phần nhỏ của cách mà AI có thể được áp dụng trong sản xuất tin, bài; giúp tăng cường hiệu suất sản xuất nội dung, cải thiện trải nghiệm đọc giả và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị nội dung. Tuy nhiên, toà soạn báo phải tăng cường đảm bảo bảo mật thông tin, không chỉ là những nguy cơ bị xâm nhập an ninh mạng, mà luôn phải duy trì các yếu tố về an toàn thông tin gồm: tính bảo mật nhằm đảm bảo dữ liệu không bị lộ, những người không được phép xem, sẽ không được xem (quyền READ); tính toàn vẹn (integrity): đảm bảo thông tin không bị thay đổi, từ khi nó được tạo ra hoặc chỉ được chính thức chỉnh sửa bởi người có thẩm quyền (quyền MODIFY).

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài -0
Các đại biểu tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Được biết, Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng theo hình thức xã hội hóa với sự đồng hành của Vinamilk trong 5 năm triển khai từ năm 2020-2024.

Từ đó đến nay, dự án đã tổ chức thành công gần 30 hoạt động bao gồm tổ chức các khóa tập huấn, các diễn đàn, hội thảo về công nghệ, báo chí, xuất bản 10 cuốn sách về nghiệp vụ báo chí… tiếp cận được với hơn 15.000 lượt các nhà quản lý báo chí, cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên cả nước, qua đó góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này trong cả nước.

Khắc Lịch
.
.
.