Cả nước có tới 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém

Chủ Nhật, 19/08/2018, 08:45
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước có 6.400 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp yếu kém. Đến hết quý 2-2018, cả nước còn 709 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động, cần giải thể.

Con số đáng lo ngại nói trên được Bộ NN&PTNT thông tin tại hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 15.000 HTX tổ chức sáng 18-8.

Thống kê cụ thể, trong tổng số 8 phân vùng kinh tế, khu vực Đông Bắc có số lượng HTX ngừng hoạt động phải giải thể cao nhất, 175 HTX; tiếp theo là khu vực đồng bằng sông Hồng 147 HTX; thấp nhất là khu vực Bắc Trung Bộ với 10 HTX. Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay chủ yếu cung ứng các dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón…) nhưng chưa đảm bảo tốt đầu ra sản phẩm cho xã viên.

Việc tăng trưởng của các HTX chưa thực sự đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ quản lý có nhiều người cao tuổi, khả năng nắm bắt và tiếp cận thông tin thị trường chưa nhanh nhạy, kịp thời. Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất và chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Vốn các HTX chuyển đổi nằm trong công nợ xã viên hoặc một số HTX không có tài sản thế chấp hoặc không đủ điều kiện thế chấp để vay được vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

“HTX còn lúng túng chưa đề ra được những định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh khả thi”, ông Tấn cho hay. Còn ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cần có chính sách cụ thể hơn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, tập trung nguồn lực xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điểm.

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần rà soát tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của các HTX, từ đó có các biện pháp cụ thể giúp các HTX yếu kém nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng: Hướng dẫn HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; kiện toàn và hỗ trợ các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; lựa chọn các tổ hợp tác hoạt động tốt để vận động nâng cấp thành lập HTX.

Bộ NN&PTNT cũng đề ra giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với HTX nông nghiệp. Trong đó, xác định vai trò, trách nhiệm của Sở NN& PTNT, đặc biệt là Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở trong việc thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả Đề án 15.000 hợp tác xã. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đến nay đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đóng góp vào GDP 5,6%. Với đà phát triển hiện nay, có thể đạt được mục tiêu của năm 2020 là có 15.000 hợp tác xã.

Tuy nhiên, để có 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần có mô hình hợp tác xã kiểu mới. Bởi trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt.  Do vậy, “thành lập hợp tác xã là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, chủ thể vẫn là người nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết hợp tác xã với nông dân, các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn ngân sách, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN&PTNT, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các hợp tác xã, tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.  

Ngọc Yến
.
.
.