Cần cú hích để công nghiệp hỗ trợ phát triển

Thứ Bảy, 27/01/2018, 08:58
TP Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Nhiều năm qua, ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và đóng góp hơn 30% giá trị xuất khẩu công nghiệp cả nước, góp phần quan trọng đưa thành phố trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thế nhưng, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguyên nhân, theo các chuyên gia là do vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Thống kê từ Sở Công Thương thành phố, trong 10 năm gần đây, tỷ lệ nội hóa các sản phẩm công nghiệp chỉ đạt gần 30%, trong khi mỗi năm, TP Hồ Chí Minh phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu vật liệu, phụ tùng, linh kiện... phục vụ các ngành công nghiệp trọng yếu. Đây là nhân tố cơ bản kéo lùi sự phát triển đồng bộ của TP Hồ Chí Minh, đồng thời cảnh báo thế bấp bênh của nền kinh tế do bị phụ thuộc.

Thực trạng phát triển CNHT tại TP Hồ Chí Minh ở các ngành thiết bị điện - điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt may, da giày vẫn còn nhiều điểm yếu, có nhiều thách thức, khó khăn; sản phẩm CNHT của nhiều DN có giá trị gia tăng thấp, phần lớn chưa tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như ngành cơ khí chế tạo, thành phố có hơn 12.500 cơ sở sản xuất, hơn 129.000 lao động.

Đây là ngành có thế mạnh, phát triển, nhưng chủ yếu phục vụ sản xuất các sản phẩm cơ khí gia dụng, sửa chữa thay thế các thiết bị trong dây chuyền đồng bộ nhập khẩu. Tỷ lệ DN có trình độ tiên tiến tăng, số DN trình độ lạc hậu giảm mạnh, nhưng chưa có DN quy mô lớn làm vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển ngành.

Theo Ban quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA), thành phố hiện có 371 DN sản xuất các sản phẩm CNHT, trong đó có 261 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để đẩy mạnh phát triển ngành CNHT, UBND TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT để thực hiện các chương trình, đề án phát triển CNHT giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Cùng với đó, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ, triển khai chương trình kích cầu, hỗ trợ hơn 8.000 tỷ đồng cho các DN tham gia sản xuất sản phẩm CNHT.

Cần cú hích để công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển 24 KCX-KCN với tổng diện tích đất được duyệt là 6.156ha và ưu tiên hàng đầu là các dự án CNHT, cung ứng những sản phẩm công nghệ cao, giá trị kinh tế cao trong chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT mang quy mô khu vực và toàn cầu.

Điểm nổi bật của tái cơ cấu ngành công nghiệp được thành phố triển khai là tập trung xây dựng các KCN chuyên ngành, di dời các ngành có giá trị thấp, đòi hỏi nhiều nguồn nhân lực phổ thông đến các địa phương có lợi thế. Mới đây, thành phố đã triển khai xây dựng khu kỹ nghệ đầu tiên ở huyện Nhà Bè - Khu kỹ nghệ cao Việt - Nhật chỉ dành riêng cho các DN CNHT công nghệ cao của Nhật Bản đầu tư.

Tiến sĩ kinh tế Hoàng Minh Tiến nhận định, để CNHT TP Hồ Chí Minh phát triển, thành phố cần chú trọng ưu tiên trong việc tạo điều kiện để các DNVVN phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển trong lĩnh vực CNHT cho các nhóm ngành: linh kiện; phụ tùng điện - điện tử; linh kiện phụ tùng nhựa - cao su; sản xuất nguyên liệu dệt may; sản xuất phụ trợ giày da.

Bên cạnh đó là tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút DNVVN trong lĩnh vực CNHT với phương châm tạo ra nhu cầu hỗ trợ cao cho thị trường, thuận lợi tiếp cận công nghệ, tín dụng. Tạo ra liên kết sản xuất thông qua việc định hướng DN sản xuất, lắp ráp, sản phẩm hoàn chỉnh sử dụng sản phẩm CNHT được sản xuất từ DNVVN trong nước.

Quá trình phát triển dần được hình thành qua hệ thống DNVVN đủ mạnh, tham gia sản xuất cung ứng sản phẩm CNHT cho các ngành công nghiệp trọng yếu thành phố. Tạo môi trường chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác sản xuất giữa các công ty FDI và DNVVN nội địa để nhanh chóng làm chủ công nghệ.

Hoàng Phạm
.
.
.