Doanh nghiệp hiến kế xây dựng chính sách phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 20/12/2019, 08:47
Ngày 19-12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Diễn đàn đã thu hút hơn 300 đại diện doanh nghiệp (DN), doanh nhân tư nhân trong nước và nước ngoài là hội viên của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chính sách phát triển kinh tế.

Tại diễn đàn, đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại và hỗ trợ phát triển cho DN tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VEFAC HTS Group cho rằng “việc đầu tiên là phải cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch trong hành chính công, cải cách tiền lương, và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn nhũng nhiễu, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho DN tư nhân.

Các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, công khai, minh bạch mọi thông tin trên website; đăng tải đầy đủ thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư”, ông Long góp ý.

Ngoài ra, theo ông Long, cần tạo điều kiện phát triển cho các DNNVV, và các Startup; hỗ trợ cho các Hội chợ triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại; đồng thời phát huy vai trò các hiệp hội trong thời kỳ mới…

Đứng theo góc độ quản lý, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài - cho rằng, cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế nói chung và đặc biệt là trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại; nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa DN với ngân hàng, với cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, cần phải đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây là tài sản, yếu tố sống còn của tập đoàn kinh tế; trước hết phải trở thành số 1 trên thị trường trong nước bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giá cả cạnh tranh, trên cơ sở đó từng bước vươn ra khu vực rồi toàn cầu. Nhà nước cần có chính sách hổ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường  thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn.

Còn từ góc nhìn của người làm ngân hàng, TS Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienViePostBank, cho rằng, cần phải xác định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu. Song, để vận dụng được tốt nhất các cơ hội mà CMCN 4.0 và chuyển đổi số đưa đến, cần có 3 thành tố là Thể chế, Công nghệ và Con người. Ông Thắng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 và đặt biệt là tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển.

Ngoài ra, cần đầu tư thỏa đáng xây dựng hạ tầng CNTT hiện đại là hạ tầng nền tảng của hạ tầng phát triển công nghệ, thông tin, ứng dụng công nghệ; từng bước xây dựng Chính phủ số, thành phố/đô thị thông minh, nền kinh tế số và công dân số. Trong đó chú trọng đặt biệt đến Hệ thống An ninh, bảo mật số quốc gia, an ninh mạng, phòng, chống tội phạm công nghệ số, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung phân quyền; có chính sách khuyến kích, hỗ trợ DN đầu tư Công nghiệp công nghệ cao để làm chủ trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ mới, sản xuất thiết bị, sản phẩm công nghệ cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu…

Hà An
.
.
.