Giải pháp khắc phục mối nguy từ rác thải điện tử

Thứ Hai, 31/07/2017, 08:07
Theo nhận định của Trung tâm Phát triển và Hội nhập Việt Nam (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử. Như vậy với dân số 90 triệu người thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Việc này đang tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tác hại với môi trường.

Chị Lê Thị Lan, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, chị thường có thói quen bán các loại máy tính cũ, tivi hay các đồ điện tử gia đình không còn sử dụng cho người thu gom đồ đồng nát. Họ thường xuyên đến tận từng gia đình thu mua, chị cũng không biết họ mua để làm gì, nhưng bán đi được vài chục ngàn còn hơn.

Chị Phạm Thị Nhung, quận Gò Vấp thì chia sẻ, qua báo chí, chị cũng có biết sơ về tác hại của rác thải điện tử. Tuy nhiên vì không có thời gian thu gom, tích trữ để mang tới nơi tiêu hủy, nên với các đồ điện tử đã hỏng hóc, không thể sử dụng, chị chỉ mang bỏ vào thùng rác để xe chở rác tới thu gom vào cuối ngày.

Chính những cách hiểu và cách làm trên của một bộ phận người dân đã khiến cho rác thải điện tử trở nên nguy hại với môi trường sống hơn bao giờ hết. Theo các nhà khoa học, hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử nhưng chính nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Scotland, Hàn Quốc… cảnh báo.

Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí. Các sản phẩm điện tử thường được chế tạo từ kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hóa học khác nhau. Những hóa chất và kim loại như chì, thủy ngân, đồng, niken, bari hay arsen hiện diện trong rất nhiều sản phẩm điện tử. Nhiều hóa chất và kim loại trong số này được biết đến như nguyên nhân của những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, suy giảm nhận thức hay khiến các cơ quan nội tạng bị hủy hoại.

Rác thải điện tử.

TP Hồ Chí Minh là đô thị có số dân đông nhất nước và cũng là nơi mà có lượng rác thải điện tử nhiều nhất cả nước. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày toàn thành phố có khoảng 2.000 tấn chất thải nguy hại từ hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh được thải bỏ. Để người dân hiểu hơn về những tác hại của rác thải điện tử, thời gian qua, các cấp ban ngành của thành phố đã tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân và các cơ sở kinh doanh, sản xuất có trách nhiệm trong việc phân loại chất thải nguy hại, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chức năng thu gom, xử lý phù hợp, tránh ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, còn tổ chức các gian hàng thu gom chất thải nguy hại, các triển lãm về tác hại của túi nilông và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilông; triển lãm mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thu hút nhiều người dân tham quan. Khu vực các gian hàng tuyên truyền có nhiều trò chơi cùng các các hoạt động tuyên truyền sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn và thực hành các giải pháp 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế).

Trước nguy cơ ô nhiễm từ các loại rác thải điện tử, một số tổ chức, doanh nghiệp đã triển khai thu gom. Mới đây, tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai Dự án thí điểm thu hồi và xử lý sản phẩm điện - điện tử thải bỏ (Dự án WEEE) có tên là "Việt Nam tái chế".

Dự án được khởi xướng bởi các nhà sản xuất thiết bị điện - điện tử nhằm thu hồi miễn phí các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị hỏng để bảo đảm việc tái chế an toàn và thân thiện với môi trường. Tất cả các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị lỗi được thu hồi thông qua chương trình này sẽ được thu gom một cách an toàn và xử lý một cách chuyên nghiệp nhằm đạt được tỉ lệ thu hồi tối đa tài nguyên tự nhiên và đảm bảo việc xử lý rác chuyên nghiệp.

Việt Nam Tái chế được điều hành bởi Vietnam Recycling Platform (VRP) (Nền tảng Tái chế Việt Nam), một liên minh gồm các nhà sản xuất thiết bị điện - điện tử hàng đầu được thành lập bởi Công ty Hewlett-Packard Asia Pacific Pte. Ltd (HP) và Apple South Asia Pte. Ltd (Apple). Tổ chức hướng đến giảm thiểu rác thải điện tử, tăng cường tái chế và kiểm soát tác động đến môi trường, sức khỏe và an toàn cho sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng.

Chương trình được áp dụng cho cả nhà sản xuất và khách hàng tiêu dùng với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng tuân thủ các quy định về thu hồi và xử lý rác thải điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Ngoài ra, chương trình cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao trách nhiệm trong việc thu nhận, xử lý và tái chế các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết niên hạn sử dụng.

Tại thời điểm này, các sản phẩm được thu gom miễn phí bao gồm các loại thiết bị: Máy tính, màn hình, CPU; máy in, máy fax, máy quét; điện thoại di động và máy tính bảng; máy photocopy; các loại pin; các linh kiện khác liên quan đến công nghệ thông tin như bàn phím, chuột, cáp, sạc...

Hải Âu
.
.
.