Hồ sơ hoàn thuế sẽ được giải quyết trong 6 giờ làm việc

Thứ Tư, 16/03/2016, 08:22
Đây là chỉ đạo của Bộ Tài chính tại công văn gửi các cục thuế về việc quản lý chi hoàn thuế Giá trị giá tăng (GTGT) theo quy định của pháp luật. 

Trước đó, nhiều thông tin từ phía doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc hoàn thuế hiện đang quá khó khăn và làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã hứa sẽ sửa đổi nhằm tạo điều kiên thuận lợi nhất cho DN hoàn thuế.

Quỹ hoàn thuế còn 3.800 tỷ đồng

Theo số liệu mà Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cung cấp, trong 2 tháng vừa qua, số lượng hồ sơ DN gửi đến cơ quan thuế để hoàn cơ bản được giải quyết hết với 3.100 hồ sơ hoàn thuế, trên tổng số 13.000 tỷ hoàn thuế. Trong đó, 52% là hoàn thuế trước kiểm tra sau, 48% thực hiện kiểm tra trước, và hoàn thuế sau. Số DN bị chậm hoàn là 287 hồ sơ. 

“Việc chậm hoàn thuế cho 287 DN này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, về nguyên nhân chủ quan có thể kể đến 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, DN nợ ngân sách nhà nước (NSNN) và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN. Nhưng trên thực tế, do chúng ta chưa ban hành quy định cho bù trừ, quy định hiện tại vẫn yêu cầu DN phải nộp hết tiền nợ thuế mới thực hiện hoàn. Hiện có khoảng 20 DN trong trường hợp này. Thứ hai, về kinh phí hoàn thuế, cần khẳng định rằng kinh phí hoàn thuế của toàn bộ ngành thuế là không thiếu. Hiện kinh phí này trên tài khoản hoàn thuế là 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, có hiện tượng tỉnh thừa, tỉnh thiếu. Tôi lấy ví dụ, hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 92 tỷ đồng trong quỹ hoàn thuế, nhưng Hà Tĩnh số dư tài khoản quỹ này lại còn trên 1.100 tỷ đồng, dẫn tới tình trạng dư luận có lúc cho rằng quỹ hoàn thuế không còn để xử lý hoàn thuế”, ông Tuấn thông tin.

Bộ Tài chính sửa đổi nhiều quy định để tạo thuận lợi cho DN hoàn thuế.

Về nguyên nhân khách quan, theo ông Tuấn, trong 287 trường hợp DN bị chậm hoàn thuế, hầu hết hồ sơ hoàn thuế của các DN này không đảm bảo các quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ví dụ, DN mua hàng hóa của DN không có thực, DN không còn hoạt động sản xuất kinh doanh đã phá sản hoặc giải thể, DN bị đóng mã số thuế hoặc không được sử dụng chứng từ. Nói cách khác, hồ sơ, chứng từ, sổ sách, hóa đơn mua bán, hợp đồng… của các DN này không hợp lệ và không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu hoàn thuế. 

Bên cạnh đó, DN không thanh toán qua ngân hàng, hồ sơ hoàn thuế đó đang bị cơ quan điều tra điều tra thì chưa thể hoàn, đợi khi có kết luận điều tra mới hoàn được. Như vậy, các nguyên nhân trên là do DN chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thuế thì cơ quan thuế không thể hoàn.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thuế cho doanh nghiệp

Trước thực tế với những vướng mắc nói trên, thực hiện lời hứa sẽ sửa đổi các quy định để tạo thuận lợi cho DN hoàn thuế, ngày 15-3, Bộ Tài chính đã chính thức có văn bản sửa đổi và bãi bỏ nhiều qui định tại các văn bản qui phạm pháp luật đưa ra trước đó, nhằm đảm bảo quản lý chi hoàn thuế GTGT chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, về việc tiếp nhận, phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính yêu cầu, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC. 

Trường hợp, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, pháp luật hải quan hoặc trường hợp nếu người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng, cơ quan thuế thay đổi việc áp dụng hình thức phân loại hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đang thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau sang thuộc diện hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau. Việc phê duyệt thay đổi áp dụng hình thức phân loại phải được cập nhật vào hệ thống thông tin nghiệp vụ và phải được thông báo cho DN.

Bộ Tài chính chỉ rõ, Cục trưởng Cục Thuế chịu trách nhiệm về quyết định hoàn thuế và tổ chức thực hiện việc giải quyết hoàn thuế theo đúng trách nhiệm, thẩm quyền. 

Để kiểm soát rủi ro trong hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị các cục thuế phải thực hiện cập nhật đầy đủ tờ khai thuế, hồ sơ đề nghị hoàn thuế và các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế (gồm phiếu đề xuất hoàn thuế, biên bản kiểm tra đối với trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế, văn bản thẩm định hồ sơ đề nghị hoàn thuế), dự thảo quyết định hoàn thuế vào hệ thống quản lý thuế. 

Đồng thời, gửi danh sách đề nghị phê duyệt quyết định hoàn thuế theo mẫu về tổng cục thuế. Kể từ thời điểm nhận được danh sách đề nghị phê duyệt quyết định hoàn thuế của các cục thuế, tổng cục thuế có trách nhiệm giám sát, kiểm tra hồ sơ giải quyết hoàn thuế trên hệ thống quản lý thuế. Trường hợp cục thuế đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định, trong thời gian không quá 6 giờ làm việc, tổng cục thuế thông báo kết quả giám sát hoàn thuế GTGT gửi cục thuế qua hệ thống thư điện tử.

Căn cứ kết quả thông báo của tổng cục thuế, cục thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế quyết định này. Thời gian giám sát, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của tổng cục thuế không tính trong thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của cục thuế…

Lệ Thúy
.
.
.