Nên sớm công bố biểu giá điện bậc thang mới

Thứ Bảy, 15/08/2015, 09:02
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho rằng, EVN nên sớm công bố biểu giá mới trong tháng này hoặc tháng sau, để trên cơ sở đó Bộ Công thương xem xét và trình Thủ tướng phê duyệt để đi vào thực thi.

Sau khi đích thân Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, biểu giá điện hiện nay đang có vấn đề và chỉ đạo EVN cùng Tổng cục Năng lượng xây dựng một biểu giá bậc thang mới hợp lý hơn, đến nay vẫn chưa có thông báo nào cụ thể về thời hạn công bố biểu giá này. Qua trao đổi với PV CAND, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho rằng, EVN nên sớm công bố biểu giá mới trong tháng này hoặc tháng sau, để trên cơ sở đó Bộ Công thương xem xét và trình Thủ tướng phê duyệt để đi vào thực thi.

PV: Thưa ông, được biết tuần vừa qua Tổng cục Năng lượng đã có buổi làm việc với Hiệp hội để tham vấn về biểu giá điện mới. Vậy những nội dung nào đã được bàn đến trong buổi làm việc này?

Ông Trần Viết Ngãi: Chúng tôi có làm việc với Tổng cục Năng lượng nhưng chưa bàn đến vấn đề biểu giá điện, mà về thị trường điện bán buôn cạnh tranh. Biểu giá điện hiện đang được EVN xây dựng theo hướng chuyển từ 6 bậc thành 3 bậc. Hiệp hội cũng đề nghị 3 bậc với khoảng cách giữa các bậc nhiều hơn. Trước đây áp dụng 6 bậc thì 15 – 20kWh đã có thể tác động đến giá rồi, bây giờ có thể lên 50 – 70, thậm chí 100kWh mới thay đổi. Ví dụ đến 150kWh mới là bậc thang thứ nhất, 300kWh mới là bậc thang thứ 2. Trước đây, giá điện “nhạy” lắm, chừng 250kWh là nhảy bậc thang thứ 6 rồi. Nếu xây dựng 3 bậc như vậy thì có lợi cho người thu nhập thấp và người nghèo. Còn về ngành điện thì cũng không thiệt vì hiện nay điện đã bán trên giá thành. Thêm vào đó, vẫn căn cứ trên giá điện trung bình đã được Chính phủ duyệt 1.622 đồng/kWh để khống chế.

PV: Vậy ông có nhận xét gì về tiến độ xây dựng biểu giá mới này của EVN. Ông có cho rằng nên thực hiện sớm để người tiêu dùng điện có lợi hơn?

Ông Trần Viết Ngãi: Hiệp hội Năng lượng kiến nghị nên làm sớm. Có thể tháng này hay tháng sau EVN nên trình biểu giá đó, Cục Điều tiết điện lực xem xét hội thảo lại, tranh thủ ý kiến Hiệp hội, các chuyên gia, người dân để trên cơ sở đó Bộ Công thương trình Thủ tướng ban hành. Nhưng biểu giá bậc thang hiện nay cũng gây tác động lớn chủ yếu là vào mùa hè, còn mùa đông cũng không ảnh hưởng lớn.

PV: Về việc khẩn trương lập đề án chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo chỉ đạo của Thủ tướng hiện nay có vướng mắc gì không?

Ông Trần Viết Ngãi: Hiện Bộ Công thương đang lập đề án chi tiết theo hướng dự định tổ chức thành 6 công ty mua bán điện. Công ty mua bán điện duy nhất của EVN hiện nay, sau này sẽ thực hiện mua bán với các nhà máy thuộc diện EVN quản lý trực tiếp, nhất là các dự án đa mục tiêu như Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang, Yaly, Trị An, các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, các dự án BOT. Giao cho 5 tổng công ty điện lực còn lại mua bán trực tiếp từ các nhà máy, không qua tổng công ty mua bán điện nữa.

PV: Phương án đó có giúp tiết giảm được chi phí không?

Ông Trần Viết Ngãi: Cũng tiết giảm được và quan trọng là tính cạnh tranh cao hơn. Các hộ mua buôn sẽ có lợi, ví dụ mua 220kV sẽ không qua các tổng công ty điện lực nữa mà có thể mua thẳng từ các nhà máy. EVN cũng không ảnh hưởng gì đáng kể, khi thực hiện thị trường điện bán buôn thì EVN không giữ vai trò độc quyền nữa. Các Tổng Công ty Điện lực cũng được hạch toán độc lập chứ không phụ thuộc như trước đây nữa, giảm mức độ tập trung ở EVN đi. Giờ mới lập đề án chi tiết từng giai đoạn để có thể vận hành thí điểm trong 2016 và chính thức vận hành vào 2017 để sau 2020 thực hiện thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

PV: Được biết việc vận hành thị trường điện cạnh tranh ở các cấp độ tại Việt Nam hiện nay vướng nhất là vấn đề kỹ thuật. Cụ thể vướng mắc nằm ở đâu, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Hiện nay hệ thống Escada (hệ thống thông tin trực tuyến) còn thiếu, mới khoảng trên 60% có hệ thống này, còn 40% chưa có. Bây giờ các nhà máy phải đầu tư, kể cả thuỷ điện vừa và nhỏ mới nối lưới quốc gia được và mới thực hiện chào bán buôn được. Các nhà máy BOT cũng vậy. Riêng các nhà máy BOT (chủ yếu là của nhà đầu tư nước ngoài) đề xuất với Nhà nước là bán buôn, bán lẻ gì cũng được, miễn là đảm bảo giá bình quân trong vòng một số năm nhất định để họ thu hồi vốn đầu tư.

PV: Ngoài vấn đề kỹ thuật thì còn cản trở nào khác không?

Ông Trần Viết Ngãi: Thị trường phát điện cạnh tranh tuy đã thực hiện được 3 năm, nhưng cũng còn một số tồn tại. Vấn đề ở chỗ số lượng các nhà máy tham gia mới được 50% - 60%, chưa hình thành ra thị trường phát điện cạnh tranh hoàn hảo. Nguyên nhân cũng do hạn chế về kỹ thuật và chủ yếu là rất nhiều nhà máy chưa có hệ thống Escada, không kết nối được với Trung tâm điều độ quốc gia (A0), không kết nối được với Cục Điều tiết điện lực… Vấn đề là ở chủ đầu tư các nhà máy không đầu tư hệ thống. Mặt khác cũng phụ thuộc vào công nghệ nữa. Công nghệ trước đây lạc hậu, giờ đưa công nghệ tiên tiến vào thành khập khiễng.

PV: Việc này có ảnh hưởng tiêu cực gì đến thực hiện thị trường điện cạnh tranh ở các cấp độ sau?

Ông Trần Viết Ngãi: Chưa có thị trường phát điện cạnh tranh hoàn hảo sẽ ảnh hưởng  đến thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Chúng tôi đã đề xuất Cục Điều tiết điện lực là phải cho thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh mạnh lên, tuyệt đối thì hơi khó, nhưng ít nhất được 80 – 90% các nhà máy tham gia. Để cả thuỷ điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo khoảng 20 – 25 MW tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, miễn là có đủ năng lực, kết nối được lưới. Hi vọng Cục Điều tiết điện lực sẽ sớm có những quy định về điều này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân
.
.
.