Ngành tôm Cà Mau gặp khó

Thứ Ba, 21/04/2020, 07:55
Cà Mau được xem là thủ phủ nuôi tôm của cả nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã và đang làm cho ngành tôm Cà Mau đứng trước nhiều khó khăn, người nuôi tôm, doanh nghiệp (DN) chế biến gặp rất nhiều khó khăn.


Cà Mau có 150.000 hộ nuôi tôm với tổng diện tích hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 300.000 tấn/một năm. Trong đó, các hình thức nuôi, gồm: quảng canh kết hợp 62.000 ha; quảng canh cải tiến 140.000 ha; tôm-lúa 38.000 ha, tôm-rừng 30.700 ha và trên 8.700 ha tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Chỉ riêng loại hình tôm siêu thâm canh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay Cà Mau có hơn 2.500 ha với 2.476 hộ nuôi, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha.

Thu hoạch tôm nuôi sinh thái tại huyện Năm Căn (Cà Mau).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người nuôi tôm ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau, thương lái thu mua tôm tung tin đồn nhằm làm nhiễu loạn giá, thậm chí kéo giá xuống thấp, làm cho người nuôi hoang mang. Việc loạn giá theo chiều hướng đi xuống đã đẩy người nông dân lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”, bán cũng không xong, để lại cũng chẳng yên lòng.

Ông Châu Trung Trực (ngụ ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cho biết, chưa bao giờ chứng kiến người nuôi tôm khó khăn đến vậy. Giá tôm giảm mạnh không đoán được thời điểm dừng. Nhà ông Trực có một ao 2.200m2 nuôi tôm siêu thâm canh, 6 vụ đầu gia đình ông đều thu lãi. Mới cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1 tỷ, giờ ông Trực buộc phải bán khi tôm chỉ mới đạt 100 con/kg; giảm 50% sản lượng, lỗ 300 triệu đồng. 

Nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu chính của các DN chế biến tôm Cà Mau là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... hiện các thị trường truyền thống này đang bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành, việc nhập khẩu hàng hóa từ các hợp đồng đã ký trước đều phải dừng lại. Mặc dù Chính phủ đã có những chủ trương tháo gỡ nhưng DN vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng.

Với 68 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trong đó 29 DN có 39 nhà máy chế biến tổng công suất 185.000 tấn/năm với 20.000 lao động, khó khăn về thị trường xuất khẩu đang làm các doanh nghiệp ngành tôm Cà Mau điêu đứng.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Anh Khoa, cho biết: “Quý 1-2019 kim ngạch xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD. Nhưng quý 1-2020 chỉ bán được 450.000 USD. Lượng hàng tồn kho gồm 400 tấn tôm sú trị giá 150 tỷ đồng đã khiến công ty không thể tìm được nguồn vốn thu mua tôm trong dân, góp phần kích tăng giá tôm gỡ khó cho nông dân”.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, đến quý 2-2020, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến DN khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn, lao động, vốn thu mua tôm... ảnh hưởng rất lớn việc sản xuất của các hộ nuôi tôm. Do đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang được triển khai đi vào thực hiện; thông qua cơ hội hy vọng giải được bài toán khó khăn của ngành tôm Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về phía tỉnh, các hội sở ngân hàng phản ứng khá nhanh so với tình hình chung cả nước. Chủ trương đã có nhưng việc cụ thể hóa chính sách còn chậm.

“DN có tồn tại được hay không là liên quan đến nông dân, nếu nông dân dừng sản xuất, DN sẽ thiếu nguyên liệu, không thể sản xuất. Do vậy, để duy trì sản xuất một cách ổn định, có hiệu quả thì trước tình thế này, DN phải lên tiếng, minh bạch thông tin thu mua để người nông dân nắm bắt, tránh tình trạng để thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế người dân. Đồng thời, DN cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”, ông Sử nhấn mạnh.

Còn ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, cho hay: “Theo Thông tư 01, hệ thống ngân hàng đang triển khai hỗ trợ trên 3 nội dung: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ miễn, giảm lãi, phí và hỗ trợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các DN thủy sản đang gặp khó khăn. Trong đó, giảm, miễn lãi từ 0,5-1%. Tuy nhiên, hiện tiêu chí cho vay ưu đãi thì chưa được phổ biến, chưa có những hướng dẫn cụ thể…”.

Đ.Văn – H.Quân
.
.
.