Nhiều chuyên gia "hiến kế" tại diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2019

Thứ Năm, 26/09/2019, 18:03
Sáng 26-9, tại TP Huế, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Quỹ Hanns Seidel (Cộng Hòa Liên Bang Đức tại Việt Nam) tổ chức khai mạc diễn đàn “Một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019”. 


Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện Quỹ Hanns Seidel cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và nhiều chuyên gia kinh tế, xã hội.

Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin tham khảo để các cơ quan, đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. 

Các đại biểu tham dự diễn đàn “Một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019”.

Tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright Việt Nam; Nghiên cứu viên cao cấp, Trường Harvard Kennedy, Đại học Harvard) đã cung cấp ngắn gọn bức tranh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới. Theo ông Thành, với thực trạng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn là nước tăng trưởng cao nhất ở châu Á. 

Mức tăng trưởng tại quý I và quý II năm 2019 của Việt Nam giảm so với năm 2018 nhưng đây lại là mức suy giảm thấp nhất trong khu vực. Tỷ lệ tăng trưởng của các ngành nông nghiệp, khai khoáng, dịch vụ, xây dựng… đều giảm nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại có chỉ số tăng trưởng cao (đặc biệt là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); nhà máy thép Formosa, Hà Tĩnh) đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia có nền tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc diễn đàn.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã đưa ra đối sách cho nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 TS Thành kiến nghị Chính Phủ cần nhận diện xu thế, đẩy mạnh cải cách để thích ứng xu thế; tạo điều kiện giúp đỡ tối đa hóa lợi ích, giảm thiểu phí tổn hội nhập, trong đó hài hòa hội nhập với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; cải cách, hoàn thiện thể chế, đáp ứng cam kết hội nhập (TPP/CPTPP, EVFTA, AEC); qua đó tạo dựng hình ảnh tốt về cách ứng xử của một “nhà nước pháp quyền”, một Chính phủ phục vụ công dân và doanh nghiệp, minh bạch, có khả năng giải trình và trách nhiệm. 

Đối với doanh nghiệp, TS Thành đề xuất các doanh nghiệp nên kiếm nhặt cơ hội kinh doanh, kết nối cùng cạnh tranh, huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp và đồng hành cùng Chính phủ để phát triển kinh tế, đi đến thành công.

Vào ngày 27-9, các đại biểu tham dự diễn đàn “Một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019” sẽ tiếp tục làm việc với các nội dung, gồm: Một số vấn đề nổi bật về tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam năm 2019 và đưa ra một số dự báo, khuyến nghị phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2020.


Anh Khoa
.
.
.