Quảng Nam khuyến khích phát triển cây quế Trà My

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:43
Có một thời gian, cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của các huyện miền núi Quảng Nam. Quế Trà My được mệnh danh “cao sơn ngọc quế” đã được tiêu thụ mạnh không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhưng sau đó, người trồng quế Trà My lại lao đao do không bán được sản phẩm, có bán thì giá quá thấp không bù vào chi phí công trồng, chăm sóc, dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt chặt bỏ cây quế để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như keo lá tràm.

Kể từ tháng 10-2011, khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm quế vỏ Trà My tại tỉnh Quảng Nam đã tạo ra cơ hội mới cho việc phát triển cây quế. Nhờ đó, những năm gần đây, giá bán các sản phẩm từ quế Trà My đã dần dần có sự cải thiện.

Nhà đầu tư nước ngoài khảo sát thực địa ở vùng quế Nam Trà My để xúc tiến đầu tư.

Những ngày này, người dân vùng cao Nam Trà My đang bước vào mùa vụ khai thác vỏ quế. Chị Mai Thị Nhi (trú thôn 3, xã Trà Mai, Nam Trà My) cho biết, gia đình chị có hơn 1ha trồng quế từ năm 1997, đến nay đa phần đều có thể khai thác vỏ và dự tính cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Mặc dù giá trị vỏ quế thu được không cao so với gần 21 năm trồng, song đối với gia đình chị Nhi, số tiền thu được từ việc khai thác vỏ quế vào thời điểm này cũng có thể xem là được giá.

Chị Nhi tỏ ra băn khoăn là hiện nay, các thương lái chỉ thu mua vỏ quế, còn thân cây quế thì không được thu mua, sử dụng để đóng đồ gia dụng, gây lãng phí lớn. Vì vậy, không chỉ chị Nhi mà nhiều hộ dân trồng quế khác đều mong muốn các cơ quan chức năng tính toán, kêu gọi đầu tư dây chuyền sản xuất đồ gia dụng từ thân cây quế nhằm tăng thu nhập cho người trồng quế.

Theo thống kê, chỉ tính riêng tại huyện miền núi Nam Trà My, đã có 10/10 xã trồng quế, sản lượng, diện tích quế không ngừng tăng lên qua các năm. Hiện tại huyện Nam Trà My đã có gần 2.900ha diện tích trồng quế, sản lượng năm 2017 đạt khoảng 350 tấn, tăng 200 tấn so với năm 2011.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cũng thẳng thắn thừa nhận, hạn chế lớn hiện nay là việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn huyện chưa được thực hiện tốt. Hầu như chưa có đơn vị thu mua, chế biến nào tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân; người nông dân chỉ biết bán các sản phẩm thô, với giá cả bấp bênh do những người kinh doanh nhỏ lẻ quyết định.

Theo tìm hiểu, trên toàn tỉnh Quảng Nam, diện tích quế đã trồng được khoảng 4.000ha, tập trung chủ yếu ở 4 huyện Bắc Trà My (600ha), Nam Trà My (gần 2.900ha), Phước Sơn (380ha), Tiên Phước (150ha). Quảng Nam cũng đã quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu quế Trà My với tổng diện tích hơn 10.000ha.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, ngày 5-1-2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ bảo tồn kết hợp xây dựng nguồn giống quế, sau khi hoàn chỉnh hồ sơ cây trội, ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí cho hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, bảo vệ cây trội để thu hái hạt giống với mức 500.000 đồng/cây/năm. Để tránh tái diễn tình trạng người trồng không bán được các sản phẩm từ cây quế, dẫn đến phải chặt bỏ như các năm trước đây, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp ưu đãi, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

Mục tiêu đặt ra là bên cạnh việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế hiện có, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế trên địa bàn huyện Bắc Trà My; thành lập 15 tổ hợp tác, hợp tác xã thu mua và sơ chế sản phẩm tại các xã phát triển quế trong vùng nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở chế biến tinh dầu quế.

Ngọc Thi
.
.
.