Siết hoạt động sản xuất nước đá

Thứ Sáu, 24/07/2015, 08:39
TP Hồ Chí Minh là địa bàn có nhu cầu tiêu thụ nước đá rất lớn với 500 tấn/ngày từ 193 cơ sở sản xuất (SX) nước đá. Tuy nhiên, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cơ sở SX nước đá sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Trong 22 cơ sở bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử lý do vi phạm qui định về ATTP cho thấy, đã vi phạm về điều kiện sức khỏe, vệ sinh cơ sở,  ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến nước đá, và đây là nguyên nhân của 54% sản phẩm nước đá trên địa bàn bị nhiễm vi sinh.

Trong 193 cơ sở SX nước đá viên, nước đá cây đang hoạt động, có tới 43% cơ sở không đạt yêu cầu về ATVSTP. Rất nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; giấy Công bố hợp qui theo qui định; 64% số cơ sở bỏ hẳn, không thực hiện làm các xét nghiệm các chỉ tiêu theo yêu cầu về SX nước đá. Như vậy, với 500 tấn/ ngày nước đá được đưa ra thị trường, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cho sức khỏe người dân là rất lớn. 

Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh cho biết, trước hết do các cơ sở sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Chỉ có 23 cơ sở (tức 29,1%) là SX nước đá sử dụng nguồn nước máy từ nguồn nước do tổng công ty cấp nước thành phố cung cấp; còn lại gần 60% số cơ sở sử dụng nước giếng trong sản xuất nước đá.

Trong năm 2014, Chi cục ATTP cũng đã lấy 26 mẫu nước đá thành phẩm của 107 các Công ty SX nước đá trên địa bàn đem đi kiểm nghiệm, phát hiện 12 mẫu không đạt yêu cầu, gồm: 9 mẫu nước đá viên (tức chiếm 75%) và 3 mẫu nước đá cây (chiếm 25%) nhiễm vi khuẩn Coliforms, Streptoccoci; Pseudomonas aeruginosa; và E.Coli.

Ngoài ra, nhiều cơ sở chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh, chưa trang bị phòng thay đồ bảo hộ lao động cho nhân viên; hoặc chưa đảm bảo điều kiện về trang thiết bị dụng cụ; thiết bị chuyên dùng đặc biệt là khi phân phối tới các đại lý bán lẻ thì phổ biến tình trạng nước đá được để ngay trên lề đường bẩn thỉu, khi bán được người bán hàng dùng cưa sắt, dao chặt không đảm bảo vệ sinh, vận chuyển trên xe ba gác, xe máy,...

Những hình ảnh thường thấy về thực trạng kinh doanh nước đá ô nhiễm, mất vệ sinh tại địa bàn TP HCM.

Tại cuộc họp với các cơ sở SX nước đá trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 22/7, Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh đã phổ biến các qui định, văn bản qui phạm của nhà nước về việc đảm bảo ATTP trong SX nước đá, các chế tài, xử lý, xử phạt nếu vi phạm qui định về ATTP trong SX nước đá. Trong đó, theo qui định và kiến nghị của Chi cục, các cơ sở chuyển sang dùng nguồn nước máy, và sẽ áp dụng việc đóng gói bao bì, dán nhãn cho sản phẩm nước đá… Tuy nhiên, các DN đưa ra khá nhiều lý do cho rằng, khó thực hiện.

Đại diện Công ty Thanh Trân, quận 8 cho rằng, doanh nghiệp  (DN) rất muốn chuyển sang dùng nguồn nước máy nhưng giá thành của nước máy quá cao. Với giá trung bình 19.000 đồng/khối thì DN không còn lợi nhuận. Đơn vị này cho rằng, nước giếng thường được lấy ở độ sâu cả mấy trăm mét thì không thể có ô nhiễm hay vi sinh, và đã áp dụng nhiều công đoạn lọc sỏi, ion, xử lý bằng tia cực tím,… Và cũng chưa nghe ai bị ngộ độc do nước đá bao giờ!...

Một chủ DN nước đá khác cho biết: Việc sử dụng nước giếng khoan để sản xuất nước đá thì chi phí kiểm nghiệm chất lượng thường cao hơn nước máy. Bởi vì dù có kiểm nghiệm nhiều đến đâu giá đầu vào của nước giếng cũng thấp hơn nước máy. Đây chính là lý do tại sao hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh nước đá sử dụng nước giếng khoan.

Đề cập tới việc các DN SX nước đá sẽ phải chuyển đổi bao bì từ bao PP (polypropylen) sang bao PE (polyetylene) trong thời gian tới, bảo quản sản phẩm nước đá trước khi đưa tới đại lý bán. Tuy nhiên, hầu hết DN không đồng tình. 

Một lo ngại với các chủ cơ sở là với sản phẩm nước đá cây có trọng lượng 50kg/cây, dài khoảng 1,4m, vừa nặng, vừa dễ trơn, trượt khi bưng bê, vận chuyển, nên các DN hiện chưa nghĩ ra cách có thể cho cây đá vào bao PE để bảo quản, và dễ gây tai nạn cho người công nhân; chưa kể hiện nay chưa có nhiều nhà cung cấp có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn đối với sản phẩm bao bì PE. Hay với yêu cầu qui định phải để nước đá trong kho lạnh bảo quản trước khi xuất bán cho đại lý, các chủ DN cho rằng, giá thành sẽ đội lên cao; hay nếu nhiệt độ kho lạnh trục trặc, đá tan chảy hết, nguy cơ DN sẽ “phá sản”.

Ông Huỳnh Lê Thái Hoà cho rằng, các ý kiến của DN sẽ được xem xét, tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn gây nhiều bệnh tật cho người dân khi dùng nước đá không đảm bảo qua kiểm tra, giám sát là có thực, các đơn vị SX buộc phải thực hiện theo các qui định, tùy vào điều kiện mà xây dựng cơ sở về qui trình, thiết bị, theo từng bước áp dụng. Chi cục ATVSTP sẽ hướng dẫn các cơ sở từng bước, không ép các cơ sở phải hoàn thiện ngay hay quá sớm, mà sẽ có lộ trình.

Liên quan tới yếu tố mầm bệnh có trong nước đá ô nhiễm với sức khỏe người dân, Th.S Dương Phát Chiếu, Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh cung cấp: “Chỉ cần phát hiện trong nước có hàm lượng Amoni cao là đã biểu thị nước bị nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi...). Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Khi 2 chất này vào cơ thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, gây hiện tượng methemoglobin (thiếu oxy trong máu), khi kết hợp với các axít amin trong cơ thể còn tạo thành các nitrosamine gây ung thư; nếu nước đá nhiễm E.Coli và Coliforms chứng tỏ nguồn nước sử dụng nhiễm phân người hoặc phân súc vật gây bệnh đường ruột, bệnh tả, lỵ, thương hàn...”.

Huyền Nga
.
.
.