Thúc đẩy xuất khẩu vào EU qua sàn thương mại điện tử

Thứ Năm, 08/04/2021, 07:52
Từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU đã tăng khá ấn tượng. Đặc biệt, mới đây sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU (VEFTA) đã ra mắt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định trong việc kết nối bạn hàng, XK nhiều hơn nữa hàng hoá vào thị trường nhiều tiềm năng này.

Theo số liệu từ Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM), thương mại điện tử (TMĐT) đóng vai trò quan trọng với các DN toàn cầu. Trong năm 2020, lượt truy cập website TMĐT tăng 90,4% trên toàn thế giới, Việt Nam là 77,3% số giao dịch. TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18% năm 2020, đạt quy mô 11 tỷ USD. Sàn TMĐT DN Việt Nam - EU được ra mắt đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa từ Việt Nam sang EU. Trong tương lai, DN vừa và nhỏ trong nước có cơ hội hợp tác trực tiếp với DN tại châu Âu.

Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường khó tính.

Trong khi đó, số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong những tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định EVFTA (từ đầu tháng 8 đến hết tháng 12/2020), kim ngạch XK của Việt Nam sang EU đã tăng 3,8%. Ngay 3 tháng đầu năm 2021, XK của Việt Nam sang EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, nhờ đó kết quả xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2021 với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng có tăng trưởng XK sang EU cao nhất trong những tháng đầu EVFTA có hiệu lực là: Chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; hóa chất…

Bên cạnh đó, XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực. Trong đó, thuỷ sản là một trong những mặt hàng tăng trưởng XK sang EU tăng đáng kể với trị giá XK thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng trong tháng 1-2021, trị giá XK thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường. Trong đó, EU là một trong những thị trường có mức tăng mạnh hơn cả với 16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với lúc chưa có hiệp định.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN và Kinh tế số Việt Nam cho biết, sàn TMĐT DN Việt Nam – EU ra mắt tại chương trình “Hợp tác hỗ trợ DN khai thác EVFTA bằng nền tảng TMĐT” mới đây được nhận định là cú huých quan trọng thúc đẩy XK hàng hóa sang thị trường EU trong thời gian tới.

Theo đó, sàn TMĐT DN Việt Nam - EU hình thành là nền tảng giao dịch giữa các DN (B2B Marketplace), từ đó, góp phần hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” để kết nối DN Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu. Sàn giao dịch này sẽ giúp các DN Việt Nam, DN EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại, mở đường cho XNK. Khi hoàn thiện, sàn TMĐT này có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các tỉnh, thành phố, các ngành hàng, từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các DN Việt.

Sàn đồng thời là cổng cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho cộng đồng DN Việt cũng như các đối tác quốc tế về các hiệp định thương mại, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế. “Chúng tôi cũng nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện thông qua các giải pháp (thanh toán số, logistics, hóa đơn điện tử, chữ ký số...) giúp cho DN thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất”, ông Nguyễn Kim Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, nền tảng sàn TMĐT DN Việt Nam-EU sẽ là bước đầu trong lộ trình tạo ra giải pháp mang tính nền tảng, lấy công nghệ làm cốt lõi hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh gia đình và tận dụng tối đa cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại. Do vậy, các tổ chức, DN xây dựng nền tảng cần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để DN an tâm kinh doanh trên hệ sinh thái số.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc công nghệ Công ty TNHH Kim Nam Tech cho rằng, sàn TMĐT DN Việt Nam - EU cho phép các DN trao đổi hàng hóa với nhau với mức độ quy mô giao dịch lớn hơn rất nhiều so với những sàn TMĐT thông thường như Lazada, Sendo. Hiện tại, chúng tôi đang cho phép xây dựng kết nối giữa các DN Việt Nam với EU trên nền tảng số; cho phép XK các loại hàng hóa "Made in Vietnam" sang EU. Các hàng hóa chủ yếu là nông nghiệp, thủy sản, giày dép... thông qua đó sẽ giúp nâng cao trình độ sản xuất của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cũng cho hay, sàn TMĐT Việt Nam-EU ra đời thể hiện khát vọng của cộng đồng DN Việt Nam muốn kết nối, làm ăn với các DN quốc tế, thể hiện khả năng làm chủ công nghệ, mức độ sẵn sàng về nội lực để tham gia hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Đây chính là cú hích, là con tàu siêu tốc chuyên trở hàng hóa Việt Nam đến với châu Âu.

Thời gian tới, hiệp hội mong muốn được đồng hành cùng với Bộ Công Thương, cùng các hội viên nghiên cứu các giải pháp, đặc biệt tập trung nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số, TMĐT nhằm giúp DN Việt Nam tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Để tiếp cận thị trường EU có nhiều cách trong đó qua sàn TMĐT cũng là một yếu tố tích cực hỗ trợ DN Việt, nhất là trong diễn biến dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường EU qua sàn TMĐT thì chính bản thân các DN cũng phải chủ động đầu tư chuyển đổi số.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, các DN không chỉ chuyển đổi trong lĩnh vực xây dựng website quảng bá sản phẩm, mà toàn bộ hệ sinh thái cho TMĐT, giao dịch, vận chuyển, logistics, xuất nhập khẩu trực tuyến… cũng phải đồng thời chuyển đổi và phát triển lên một tầm cao mới.

Vì thế, sự song hành giữa các DN nêu trên là rất quan trọng. Nhất là khi các cơ quan quản lý đã có nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng để đến được DN thì vẫn còn nhiều vấn đề, thậm chí không ít DN vướng mắc về điều kiện, thủ tục để có thể nhận được hỗ trợ. Do đó, để các DN tự tìm đến nhau sẽ giải được bài toán phát triển cho cả đôi bên.

Lưu Hiệp
.
.
.