Trò chuyện Chủ nhật

Về lâu dài, phải kết hợp cả áp lực và động lực

Chủ Nhật, 09/07/2017, 09:39
“Nhà kinh tế Milton Friedman (người đạt giải Nobel kinh tế vào năm 1976) đã nói một câu nói nổi tiếng: Một trong những sai lầm lớn là đánh giá chính sách bằng mục tiêu chứ không phải bằng kết quả của nó. Theo tôi, nên tránh sai lầm này bằng cách tập trung vào các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và tương thích với các mục tiêu dài hạn của tăng trưởng bền vững, thay vì quá tập trung tranh cãi quanh chỉ số GDP hàng năm” – TS Võ Trí Thành chia sẻ quan điểm về kịch bản tăng trưởng năm nay và các giải pháp để đạt mục tiêu này.


PV: Sau kết quả tăng trưởng của quý II được công bố, ông có nhìn nhận thế nào về mục tiêu cả năm nay của Việt Nam?

TS Võ Trí Thành: Theo công bố của Tổng cục Thống kê thì tăng trưởng GDP nửa đầu năm của Việt Nam đạt mốc 5,73%. Nếu nhìn nhận ở khía cạnh đây là con số tăng trưởng nửa đầu năm cao nhất kể từ 2011, một số người sẽ cho rằng nó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%, tăng trưởng nửa đầu năm lại là thấp. Ước tính, GDP phải tăng 7,4% trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu tham vọng cho tăng trưởng cả năm.

TS Võ Trí Thành.

Cũng cần phải nhìn lại, trong quá khứ, Việt Nam chưa bao giờ thấy tăng trưởng 7,4% trong nửa cuối năm. Tăng trưởng quý I ở mức 5,1% là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và cũng cần chú ý đến việc năm ngoái Việt Nam cũng không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm, mà chỉ đạt 6,21%. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết với hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp cho các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao năng lực xử lý các vấn đề tồn tại của nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Có thể nói, chưa bao giờ tăng trưởng GDP nhận được nhiều sự chú ý như hiện nay, và cũng chưa bao giờ Chính phủ quyết tâm không hạ mục tiêu tăng trưởng, mặc cho một số nhà kinh tế cho rằng con số này không khả thi. Quyết tâm đạt tăng trưởng là một mong muốn chính đáng thôi, Chính phủ có “nỗi niềm” của mình khi quyết tâm đạt mục tiêu đó.

PV: Vậy “nỗi niềm” của Chính phủ là gì và tại sao tăng trưởng GDP lại quan trọng như vậy?

TS Võ Trí Thành: Về tổng thể, GDP là một thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Nó cho thấy tổng lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xã hội tạo ra trong một khoảng thời gian xác định: hàng tháng, hàng quý và hàng năm. GDP là công ăn việc làm, là thu nhập cho người dân; về khía cạnh nào đó có thể giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để giải quyết các bài toán khó như trần nợ công, thâm hụt ngân sách. Mặt khác, với một nước đang phát triển và nằm trong nhóm dưới của các nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, tăng trưởng GDP là rất cần thiết để bắt kịp với các nước phát triển, các nước có thu nhập cao. Thêm vào đó, tăng trưởng GDP có vai trò quan trọng hơn trong năm nay, vì đây là năm cầu nối để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020, với mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5% - 7% mỗi năm. Thất bại trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay sẽ đặt áp lực lớn hơn cho những năm còn lại.

Chưa kể đến việc, trong suốt năm vừa qua, Chính phủ hiện tại đã cho thấy những nỗ lực để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Do đó, dễ hiểu vì sao Chính phủ muốn nỗ lực đó phải đạt được những kết quả cụ thể, tích cực. Chắc chắn các nhà lãnh đạo đều muốn để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ của họ. Đạt được mục tiêu tăng trưởng không phủ nhận là rất tốt, vấn đề là đạt được bằng cách nào, bởi tăng trưởng không phải là mục tiêu có thể đạt được chỉ bằng mong muốn của Chính phủ.

PV: Theo ông, các tác động ngoài tầm với đó là gì, và có cách nào để giảm thiểu các tác động bất định đó nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra?

TS. Võ Trí Thành: Tăng trưởng phụ thuộc vào thị trường, vào các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước. Những quyết định đó lại phụ thuộc vào các tín hiệu của nền kinh tế trong nước và thế giới, đều nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ. Nói cách khác, các biện pháp của Chính phủ không thể trực tiếp đưa tới tăng trưởng GDP, dù không thể phủ nhận là chính sách có vai trò tác động quan trọng đến thúc đẩy tăng trưởng. Tỉnh táo nhìn nhận, thì tranh cãi mục tiêu tăng trưởng 6,7% là cao hay thấp đang diễn ra gần đây là vô ích.

Thay vào đó, điều đáng bàn hơn là làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Như tôi đã đề cập ở trên, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều giải pháp ngắn hạn, nhưng cũng cần thận trọng tính đến tác động 2 mặt của nó. Một trong những giải pháp được đưa ra là khai thác thêm dầu thô. Đây được kỳ vọng là cách nhanh nhất để rút ngắn khoảng cách tới mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Bộ Công Thương đã tính toán: với mỗi một tấn dầu khai thác thêm sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP khoảng 0,25 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, biện pháp này không phù hợp với mục tiêu tăng trưởng dài hạn Chính phủ muốn hướng tới là giảm bớt phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Giải pháp này cũng không tạo thêm việc làm và có thể có tác động tiêu cực đến môi trường. Đáng lưu ý hơn, với giá dầu thô trên thị trường thế giới đang thấp như hiện nay, việc bán dầu sẽ không thu lại được nhiều lợi nhuận.

Giải pháp thứ hai là tăng trưởng tín dụng. Một số nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị, hiện lạm phát vẫn ở mức dưới 2%, Chính phủ có nhiều dư địa để tăng cung tiền mà không tác động xấu đến lạm phát. Nhưng việc này sẽ gửi đến thị trường những thông điệp thiếu chính xác. Nới lỏng chính sách tiền tệ có thể dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô trong tương lai, đặc biệt trong khi nợ xấu vẫn là một thách thức chưa được giải quyết. Thứ ba, Chính phủ muốn tăng đầu tư công. Nhưng đây là một nhiệm vụ không dễ, bởi khó khăn ngân sách và trần nợ công.

PV: Có 2 tác động đáng kể nhất khiến tăng trưởng quý I thấp và quý II cũng không đạt kỳ vọng là giải ngân vốn đầu tư công thấp và khai khoáng sụt giảm. Theo ông, việc giải ngân vốn đầu tư công thấp là do đâu?

TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng có vấn đề về pháp lý, có vấn đề quy trình và có vấn đề động lực. Quy định của luật có những vướng mắc kiểu “con gà, quả trứng”, ông muốn B ông phải có A, nhưng muốn A lại phải có B. Ví dụ muốn đánh giá tác động của dự án, thì phải có nhà đầu tư đánh giá; nhưng muốn có nhà đầu tư lại phải có cái đánh giá ấy. Một số ý kiến cũng đang muốn sửa Luật Đầu tư công hiện nay. Thứ hai là quy trình giao vốn cũng vướng mắc, mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã giải trình nhiều lần. Thứ ba, theo tôi, có ẩn ý là bộ máy đang thiếu động lực để làm việc. Về lâu dài, phải kết hợp cả áp lực và động lực, như “cây gậy và củ cà rốt”, phải nghiên cứu để tạo ra một động lực đàng hoàng cho cán bộ làm việc, đó là lương, thu nhập, mặc dù rất khó, liên quan đến cải cách dài hạn.

PV: Liên quan đến chính sách, vừa rồi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chủ trì một buổi làm việc với các bộ ngành thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có đề cập đến việc sửa 3 Nghị định và ra một Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này. Việc sửa luật chắc sẽ tốn thời gian và trễ mất kế hoạch năm nay. Vậy sửa và ban hành các văn bản dưới luật có phải là cách tốt để thúc đẩy việc này?

TS Võ Trí Thành: Tôi thấy nó khá phức tạp. Những vấn đề liên quan đến luật phải Quốc hội sửa. Nhưng vấn đề là thế này: Anh sửa tất cả chính sách đó làm gì? Để đạt tăng trưởng. Nhưng tăng trưởng không phải mục tiêu cuối cùng, mà phải là chất lượng tăng trưởng, để đạt được những mục tiêu dài hơi hơn, tạo công ăn việc làm theo nghĩa bao trùm hơn. Đầu tư công không chỉ là vấn đề giải ngân nhanh hay chậm, mà còn hiệu quả nữa. Rõ ràng vừa rồi Quốc hội còn đang tranh luận rất nhiều: ưu tiên là cái gì trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, đầu tư vào đâu để có tác động lan tỏa. Điều cần thiết hiện nay là phải có kế hoạch cụ thể và tính toán để chọn lĩnh vực ưu tiên.

Quan trọng hơn, việc giám sát các dự án đầu tư công phải được đẩy mạnh. Nếu không, chi tiêu thiếu hiệu quả sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, tạo thêm nhiều lãng phí và tăng nợ công. Tôi cho rằng các can thiệp hành chính trong ngắn hạn, nếu không được tính toán thận trọng sẽ mang đến cái giá là những nỗ lực trong dài hạn để ổn định và tái cấu trúc nền kinh tế, thậm chí có thể giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào thông điệp chính sách của nhà điều hành.

Đương nhiên, có những việc Chính phủ đang làm tốt để kích thích tăng trưởng, như cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế tư nhân, mở cửa thị trường xuất khẩu bằng các hiệp định thương mại tự do. Nhưng quá tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn và sử dụng các biện pháp chưa phù hợp với các mục tiêu dài hạn có thể làm tổn thương lòng tin của thị trường, và khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng trong dài hạn.

PV: Vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng đã đến từng tập đoàn kinh tế lớn để giao nhiệm vụ và đốc thúc thực hiện các nhiệm vụ này. Theo ông, việc đốc thúc sát sao và các nỗ lực sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước hiện nay có đem lại những tác động tích cực cho tăng trưởng không?

TS Võ Trí Thành: Việc giám sát, đốc thúc, quyết liệt để đạt mục tiêu ấy cũng có lý của nó trong bối cảnh còn “trên bảo dưới không nghe” và tính ì của bộ máy. Thế nhưng thông điệp đó cũng có tính 2 mặt.

Thứ nhất, nó có vẻ áp đặt, bởi tăng trưởng đâu chỉ phụ thuộc vào anh, nó phụ thuộc vào nhiều nhân tố ngoài tầm kiểm soát. Có những yếu tố “ép” được, như cải cách hành chính, hoàn toàn trong tầm tay; cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng... thì trong tầm tay nhưng còn nhiều yếu tố khác.

Thứ hai, cần giải quyết sâu xa là vấn đề gì, tại sao bộ máy lại ì, vì chưa có một cơ chế “cây gậy, củ cà rốt” để vừa có áp lực, vừa có động lực làm việc, thì anh phải nhìn căn nguyên ấy nữa. Cải cách doanh nghiệp Nhà nước, theo tôi, về dài hạn thì sẽ có tác động tích cực, nguồn lực lớn ấy sẽ phân bổ một cách hiệu quả hơn; nhưng ngắn hạn thì có thể có cả hai, có thể tốt hơn, nhưng trong cải cách bao giờ cũng có “chi phí điều chỉnh”: ví dụ một số người ì ra không chịu làm vì ảnh hưởng quyền lợi. Tôi cảm nhận đã cải cách và cải cách quyết liệt thì phải có “nỗi đau”.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Vũ Hân
.
.
.